Ông Phạm Chí Quang, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của nền kinh tế.
Giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của Ngân hàng nhà nước
Theo ông Quang, ngay khi Ngân hàng Nhà nướcN có công bố biện pháp can thiệp này, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.
Trao đổi với báo chí tại họp báo thường kỳ quý 1 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tỉ giá VND/USD mất giá so với hồi đầu năm là 4,9% - đây là mức rất đáng quan tâm.
Về điều hành tỉ giá, ba tháng qua Ngân hàng Nhà nước luôn luôn theo sát và đã có rất nhiều công cụ, biện pháp, nhất là dùng tỉ giá trung tâm để điều phối mức lên xuống của giá USD phù hợp với tình hình chung, đặc biệt đảm bảo cân đối hài hòa giữa cung và cầu ngoại tệ phù hợp với tình hình thực tế.
Việt Nam là nước xuất khẩu, nhưng cũng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nên nhu cầu ngoại tệ là khá lớn.
Chia sẻ thêm biến động tỉ giá, ông Tú cho hay so với nhiều nước trong khu vực thì mức mất giá của chúng ta vẫn chưa lớn.
Đơn cử đồng baht của Thái Lan mất giá 7,13%, yen (Nhật Bản) mất giá 9,69%, won (Hàn Quốc) mất giá 7,1%, ringgit của Malaysia mất giá hơn 4,36%... Quan điểm điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước là rất linh hoạt.
Mặc dù chúng ta tiếp tục quản lý để đảm bảo ổn định tỉ giá nhưng không cố định, ngược lại lên xuống phù hợp, tránh tác động mạnh của biến động thế giới và tạo sự cân đối hài hòa.
Ngoài biện pháp bán ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước có tính đến giải pháp tăng lãi suất VND? Ông Tú cho hay đây cũng là vấn đề đặt ra nhưng áp dụng ở thời điểm nào, chứ thời điểm này chưa thể được bởi mục tiêu hiện nay là phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Tú chia sẻ thêm nếu giảm lãi suất sâu quá thì có hệ lụy là người gửi tiền sẽ không gửi nữa mà xoay sang các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, lãi suất thấp quá cũng ảnh hưởng đến tỉ giá.
Thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp
Về quan điểm điều hành tín dụng, ông Tú khẳng định tiếp tục với cường độ cao hơn, quyết liệt hơn để thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Tín dụng sẽ đi vào các đối tượng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho lĩnh vực, ngành nghề cụ thể... Ngân hàng Nhà nước sẽ bàn thảo với các bộ ngành để cùng tháo gỡ.
Tín dụng trong tháng 3 đã tăng trở lại sau khi giảm cả hai tháng đầu năm. Đến ngày 29-3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
"Chúng tôi hy vọng từ quý 2, tín dụng sẽ tăng tích cực hơn và cùng các chính sách tài chính, tài khóa... có tác động cộng hưởng giúp nền kinh tế khởi sắc sôi động.
Cầu tín dụng, cầu đầu tư và cầu tiêu dùng sẽ tăng lên góp phần hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế như mục tiêu đặt ra và kiểm soát lạm phát", ông Tú nhận định.
Về mặt bằng lãi suất, theo ông Tú là thấp nhất trong 20 năm qua.
Như báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến 31-3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay bình quân mới của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái.
Chính lãi suất xuống thấp cũng ảnh hưởng đến tỉ giá, tạo sức nóng tỉ giá. Tỉ giá nóng lên làm cho thị trường liên ngân hàng méo mó. Nên điều hành tỉ giá gắn với lãi suất rất là lớn.
Chia sẻ thêm, ông Tú cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Mỹ chưa khẳng định thời điểm nào hạ lãi suất nhưng đồng USD vẫn tăng giá. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỉ giá của Việt Nam.
Về lãi suất cho vay, đây là thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và người đi vay, trừ một số lãi suất mà Chính phủ quy định hỗ trợ cho đối tượng ưu tiên.
Nhưng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn chỉ đạo các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ cho doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại.
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đặt ra câu chuyện lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận