08/02/2018 16:17 GMT+7

Thị trường ngày giáp Tết: 'bung' hàng, giảm giá

QUỲNH KHÔI - P.NGỌC
QUỲNH KHÔI - P.NGỌC

TTO - Thị trường những ngày cận Tết ở TP.HCM càng sôi động dần khi muôn nẻo phố phường, cảnh tượng chen chúc tấp nập người mua kẻ bán.

Thị trường ngày giáp Tết: bung hàng, giảm giá - Ảnh 1.

Hàng giảm giá tràn ngập tại phố thời trang Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mọi mục tiêu đều đổ dồn về một hướng: bán tất cả những gì đang có. "Tết mà!".

Nhiều điểm bán của hàng loạt tuyến đường kinh doanh sôi động bắt đầu dọn chỗ để dưa hấu, giỏ quà, quần áo, giày dép, đồ trang trí Tết, bao lì xì, chăn drap gối nệm, nước giải khát, đồ khô các loại "đua" nhau chào mời từ sáng sớm đến tận tối mịt vẫn chưa dứt.

Cái gì bán được là bán

Chưa đến 8g sáng nhưng các cửa hàng kinh doanh quần áo, chăn drap gối nệm, bánh kẹo, nước giải khát dọc đường Quang Trung (Q. Gò Vấp) chạy dài lên tận Q.12 đều đã "xuống đường" chào mời khách. Đây là con đường có sự hiện diện của ít nhất ba siêu thị nằm san sát nhau khiến những ngày cận Tết càng thêm náo nhiệt.

Theo bà Lê Hạnh, chủ cửa hàng quần áo Hạnh Lê (đường Quang Trung, Q. Gò Vấp), do cửa hàng nằm gần chợ Hạnh Thông Tây nên người đi mua sắm, người đi chợ trên đoạn đường này gần như bị kẹt xe liên tục. 

"Càng cận Tết càng không có chỗ để đi, khách đến mua hàng cũng vất vả vì không có chỗ đậu xe" bà Hạnh nói. Tuy nhiên, trở ngại này cũng không khiến lượng khách đi mua sắm quần áo Tết giảm sút. Với mức giá phổ biến 200.000 - 300.000 đồng/áo sơ mi, từ 350.000-400.000 đồng/quần jean hoặc kaki, từ 400.000-490.000 đồng/áo kiểu, áo đầm, bà Hạnh cho hay "đây là phân khúc giá được lựa chọn tìm mua nhiều nhất ở đồ nam lẫn nữ, do phù hợp với nhu cầu và túi tiền của người dân quanh khu vực này".

Khác với các khu trung tâm mua sắm đông đúc có thương hiệu, các cửa hàng kinh doanh khu vực vùng ven, hoặc cách xa trung tâm thường có xu hướng bày bán tất cả những gì có được cho những ngày cận Tết. 

Trên các đường Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ký (Q.12), người đi sắm Tết có thể tìm từ các khuôn đổ bánh bằng đất sét, giày dép giá rẻ đồng giá 50.000 đồng/đôi, áo thun 40.000 đồng/áo, cho đến thú nhồi bông, gối, dây nịt, ví, dép nhựa, nồi niêu xoong chảo với giá bán mỗi món không quá 100.000 đồng/món.

Khuyến mãi "sốc" nhảy vọt, bán lẻ theo "giá Tết"

Trong khi đó, tại các trung tâm thương mại sang trọng, khuyến mãi "sốc", giảm giá 50% - "mua hai tặng một" vẫn chiếm thế thượng phong. Một loạt các thương hiệu thời trang nổi tiếng tại Takashimaya dù áp dụng rất đa dạng các kiểu khuyến mãi, nhưng lượng khách đến mua hàng vẫn chưa đông như kỳ vọng dù Tết gần "sát nút".

Riêng các thương hiệu giày dép, mỹ phẩm, đầm, phụ kiện trang sức… mức giảm phổ biến áp dụng từ 20-30% cho cả ngày, nhưng có thời điểm giảm sốc hơn 50% dù bảng bên ngoài mức giảm tối đa chỉ ghi 50% để không vi phạm quy định khuyến mãi giảm giá. Hàng loạt các thương hiệu thời trang nội địa, mức giảm giá 50%, hoặc 20-30% vẫn được duy trì suốt từ tháng 1-2018 cho đến nay.

Đối với mặt hàng bánh kẹo, các doanh nghiệp sản xuất thông báo gần như tăng cung đủ cho nhu cầu thị trường. Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cho biết đến thời điểm hiện tại, 95% của 2.500 tấn bánh kẹo các loại đưa ra thị trường Tết đã được tiêu thụ sạch. 

"Sức mua năm nay của thị trường rất tốt. Nếu thị trường hút hàng giờ chót Bibica vẫn có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường vì chúng tôi đã có phương án lẫn nguồn hàng dự trữ", ông Thiện thông tin.

Còn với mặt hàng trứng gia cầm các loại, theo ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, hiện lượng tiêu thụ trứng gia cầm các loại đạt mức 700.000-800.000 quả/ngày. 

"Mức tiêu thụ này đã tăng 20-30% so với ngày thường, nhưng thị trường thường hút hàng từ 23 âm lịch trở đi. Khi đó, lượng trứng thường tăng vọt lên khoảng 2 triệu quả/ngày do nhu cầu làm các món thực phẩm cận Tết tăng mạnh", ông Thiện lý giải.

Đối nghịch lại "hàng công ty", giá bán lẻ ở các chợ nhỏ đã bắt đầu "nhảy múa" theo từng ngày (tùy mặt hàng) và tùy từng thời điểm khác nhau. Trước ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), giá trái cây bán lẻ đã tăng trung bình 15.000-20.000 đồng/kg (tùy loại) với nụ cười xuê xoa của người bán "Tết mà!". 

Hiện giá các loại trái cây ưa chuộng dịp Tết tại chợ Trần Hữu Trang (Q. Phú Nhuận) như xoài cát Hòa Lộc có mức 100.000 đồng/kg - tăng 20.000 đồng/kg, mãng cầu 70.000 đồng/kg - tăng 10.000 đồng/kg, táo Mỹ 90.000 đồng/kg - tăng 15.000 đồng/kg.

Áo dài "Cô Ba Sài Gòn" lên ngôi

Độ "nóng" của áo dài các kiểu từ truyền thống đến cách tân, nhất là áo dài "Cô Ba Sài Gòn" đặc biệt mùa Tết này đang tăng "nhiệt" hơn bao giờ hết. Những thương hiệu thời trang và các nhà may chuyên áo dài cũng đang khuyến mãi giảm giá 50%.

5

Khách thử áo dài tại tiệm may nhà thiết kế Julia Phạm trên đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giá áo dài "Cô Ba Sài Gòn" trên nền vải tơ lụa, áo dài cách tân ren thêu hai lớp tuy đã giảm mạnh một nửa nhưng vẫn còn ở mức 1,2 - 1,5 triệu đồng/áo mà vẫn "đắt như tôm tươi".

Các shop áo dài nhỏ ở các quận ven như Tân Bình, Tân Phú... giá chỉ khoảng 300.000 - 350.000 đồng/áo dài ren thêu hoa hai lớp khá đẹp.

Mốt áo dài phối với quần tây ống rộng cùng tông màu hoặc tương phản với màu nền áo dài đang thịnh hành, giá 300.000 - 500.000 đồng/quần.

QUỲNH KHÔI - P.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp