17/03/2019 14:03 GMT+7

Thị trường lao động Nhật Bản và công nhân Việt Nam - Kỳ 2: Chuẩn bị lên đường

LÊ NAM
LÊ NAM

TTO - Thu nhập hấp dẫn, việc làm tốt, thời gian làm việc lâu dài nên Nhật Bản trở thành một thị trường mà người lao động Việt Nam mong muốn.

Thị trường lao động Nhật Bản và công nhân Việt Nam - Kỳ 2: Chuẩn bị lên đường - Ảnh 1.

Một thực tập sinh trao đổi bài học với giáo viên tại Esuhai - Ảnh: LÊ NAM

Tôi tin là nếu mình cố gắng làm việc cho một mục đích rõ ràng thì có khó khăn mấy cũng sẽ làm được.

TTS Ngô Hồng Phúc

Theo các thực tập sinh (TTS) đã và đang làm việc ở Nhật Bản, người lao động có thể dành dụm hơn 10 triệu đồng/tháng, người làm tốt có thể hơn 20 triệu đồng. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TTS Đặng Văn Sơn hiện làm việc tại một nhà máy thuộc tỉnh Saitama cho biết thu nhập trung bình trong ba năm làm việc ở Nhật, vừa kết thúc đầu năm 2018, sau khi trừ các khoản còn 22-24 triệu đồng/tháng. 

TTS Sơn đã quay lại Nhật làm việc được hơn sáu tháng do công ty cũ mời anh trở lại làm việc. Sau khi trừ các khoản thu nhập, hiện nay anh dành dụm hơn 40 triệu đồng/tháng.

Háo hức lên đường

Giữa tháng 12-2018, chúng tôi có mặt tại Công ty Esuhai (quận Tân Bình, TP.HCM) chứng kiến buổi gặp gỡ giữa 64 phụ huynh cùng những TTS trúng tuyển chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật. Hội trường ở tầng trệt của công ty được thiết kế khá "tâm lý" khi 64 phụ huynh được sắp xếp ngồi giữa phòng, mỗi bên là 32 bạn TTS sẽ lên đường sang Nhật Bản làm việc từ tháng 1-2019.

TTS Lê Văn Duẩn được đại diện công ty mời giới thiệu đứng lên chia sẻ với toàn bộ phụ huynh. Tinh thần rất thoải mái, Duẩn giới thiệu năm bạn đồng nghiệp làm cùng công ty mình rồi đồng thanh chào mọi người bằng tiếng Nhật. 

Duẩn cho biết nhóm sẽ lên đường đến thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa (đảo Shikoku, phía Nam Nhật Bản) nơi đang có 14 TTS người Việt làm việc.

"Chúng con sẽ làm việc tại một nhà máy chuyên sản xuất các loại cửa cách âm, cách nhiệt, cửa chuyên dùng cho các công trình ở Nhật. Mỗi ngày chúng con sẽ làm việc tám tiếng, ngày làm việc bắt đầu từ 8h sáng, buổi trưa được nghỉ 70 phút để ăn trưa và nghỉ ngơi. Sáu anh em tụi con sẽ làm việc trong hai nhà xưởng cách nhau 7km, ký túc xá ở giữa và cách công ty chỉ hơn 10 phút đi xe đạp. 

Công ty đã mua cho mỗi đứa một chiếc xe đạp, thuê sẵn hai khu nhà cho tụi con, mỗi đứa sẽ được ở một phòng, không rộng lắm nhưng đầy đủ tiện nghi. Gần như mỗi ngày, mỗi tuần chúng con thường xuyên trao đổi với các anh chị TTS người Việt đang làm việc bên công ty các thông tin cần thiết nên xin các phụ huynh yên tâm" - Duẩn nói, cả hội trường vỗ tay, những khuôn mặt của phụ huynh giãn ra.

Bà Trần Ngọc Xoàn đến từ thị trấn Cổ Cò, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tâm sự lúc này bà mới thực sự cảm thấy nhẹ nhõm: "Tui có đứa con gái chuẩn bị đi Nhật làm việc. Nãy giờ nghe thầy và mấy đứa nói chuyện giờ tui an tâm rồi".

Con gái bà Xoàn chọn hình thức vừa học vừa làm, đã ra Đà Nẵng tham gia chương trình đào tạo khoảng một năm nhưng thấy không khả quan nên lại quay vào TP.HCM học tiếng Nhật và học tác phong làm việc với người Nhật được một năm, cuối cùng đến tháng 1-2019 cô gái trẻ lên đường.

Thị trường lao động Nhật Bản và công nhân Việt Nam - Kỳ 2: Chuẩn bị lên đường - Ảnh 3.

Buổi gặp gỡ giữa 64 phụ huynh cùng các thực tập sinh chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật tại hội trường Công ty tuyển dụng Esuhai giữa tháng 12-2018 - Ảnh: LÊ NAM

Những khó khăn

Trao đổi với các TTS chuẩn bị lên đường sang Nhật, hầu như ai cũng có nhiều lo lắng. Trước tiên là thời tiết mùa đông khắc nghiệt của Nhật: "Nghe qua tới bển nhiệt độ có thể xuống dưới 1 độ C nên sợ lắm, hổng biết nó có chịu nổi hông?".

Nghe vậy, TTS Đặng Văn Sơn liền cho biết: "Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè nóng hơn cả Việt Nam". Trần Văn Dũng, từng là TTS, kể mùa đông đầu tiên ở Nhật các đầu ngón tay anh khô nứt nẻ, thậm chí bật cả máu không thể nào làm việc được.

TTS Ngô Hồng Phúc, tỉnh Tiền Giang, chuẩn bị sang thành phố Miyagi, tỉnh Sendai ở vùng Đông Bắc Nhật làm việc vào tháng 1-2019, cho biết khá lo lắng vì sợ không theo kịp yêu cầu công việc ở một đất nước tiến bộ như Nhật Bản. 

Phúc cho biết có người chị bà con hiện làm việc ở Nhật, hồi mới qua chưa quen thời tiết và áp lực làm việc nên đi làm về là ngủ như chết, chưa kể nỗi lo lắng do chưa sắp xếp được cuộc sống mới.

Đến từ tỉnh Đồng Nai, TTS Hoàng Duy Nghiệp cho biết mình sẽ làm bảo trì máy móc ở một công ty thuộc tỉnh Ibaraki, vùng Đông Bắc Nhật Bản. Cậu ý thức rằng bất cập về ngôn ngữ sẽ là rào cản hội nhập lớn nhất của mình trong thời gian tới dù đã cố gắng học cơ bản tiếng Nhật. Nghiệp có người anh ruột đang làm TTS ở Nhật nên hiểu rằng "họ nói mà mình không hiểu thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai công việc và cả cuộc sống".

Đặng Văn Sơn cho biết từ kinh nghiệm của mình là bản chất người Nhật sống rất khép kín và chỉ sử dụng tiếng Nhật để giao tiếp, nên TTS không thể nói tiếng Nhật được với họ sẽ là một rào cản vô cùng lớn trong cuộc sống mới ở xứ người. 

Sơn nói: "Tôi từng chứng kiến một số bạn TTS không thể giao tiếp với người Nhật trong thời gian dài khiến người Nhật mất bình tĩnh, khó chịu, la hét... Vì vậy, bạn đó đã gặp bế tắc trong công việc một thời gian rất dài, mỗi ngày làm việc trôi qua vô cùng căng thẳng, không hiệu quả".

Tuy nhiên, đối với Hoàng Duy Nghiệp, cậu cho rằng những khó khăn đang chờ đón trên đất Nhật Bản sẽ có thể vượt qua. Còn TTS Ngô Hồng Phúc tự tin khẳng định: "Tôi tin là nếu mình cố gắng làm việc cho một mục đích rõ ràng thì có khó khăn mấy cũng sẽ làm được".

Thị trường lao động Nhật Bản và công nhân Việt Nam - Kỳ 2: Chuẩn bị lên đường - Ảnh 4.

Bà Trần Ngọc Xoàn (phải) cùng con gái làm thủ tục giấy tờ để chuẩn bị sang Nhật làm việc - Ảnh: LÊ NAM

Lương lao động nước ngoài bằng hoặc cao hơn người bản xứ

Với chính sách thị thực mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-4-2019, Chính phủ Nhật Bản ra sức cải thiện môi trường làm việc của lao động nước ngoài để chuẩn bị cho gần nửa triệu lao động nhập cư trong năm năm tới đến Nhật, trong đó phần đông là lao động Việt Nam, theo nhật báo Mainichi ngày 15-3.

Theo đó, những doanh nghiệp Nhật Bản có nguyện vọng tuyển dụng lao động nước ngoài phải là những công ty chưa từng vi phạm luật nhập cư hay các quy định về lao động khác trong năm năm trở lại.

Đáng chú ý, quy định mới yêu cầu các công ty tuyển dụng phải trả lương cao hơn hoặc bằng với mức lương người bản xứ và cần phải được thực hiện một cách hợp pháp qua tài khoản ngân hàng để bảo vệ người lao động.

DUY LINH - HÀ MY

Kỳ tới: Lao động Việt với tinh thần Nhật

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp