Chợ hoa tươi Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) "vỡ chợ" chiều 29 Tết Mậu Tuất - Ảnh: Q.KHÔI
Tìm hướng kinh doanh mới phù hợp với xu hướng ngày càng thay đổi của người tiêu dùng khi thị hiếu ngày một đổi thay, vì thế không chỉ là thách thức cho người bán mà cả nhà vườn cho mùa kinh doanh mới sắp đến.
Cung vượt cầu
Khi tin chợ hoa tư nhân Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) có dấu hiệu bị "thất thủ" từ khuya 28 Tết đến rạng sáng 29 Tết, giới kinh doanh hoa tươi từ khắp nơi cho rằng đây chỉ là tin đồn bởi việc hàng còn tồn chưa "khui thùng" (đựng hoa) ở một vài chủ vựa là thường xuyên ở chợ này vào những lúc cao điểm.
Nhưng đến khi các chủ vựa thấy hàng chục xe tải có tải trọng trên 20 tấn ùn ùn tiến vào con đường độc đạo của chợ, liên tục xuống hàng trăm thùng hoa/xe trong khi hàng nhập từ hai ngày trước vẫn còn chưa khui thùng kịp vì sức mua thấp, thì "cả chợ mới chết điếng".
"Lúc đó mới tin là "sập"…chợ vì chưa bao giờ ngày 29 Tết mà xe tải xuống hàng còn phải xếp hàng dài chờ đến lượt", bà T.S - chủ một sạp kinh doanh hoa tươi có thâm niên hơn 30 năm trong nghề tại chợ, chia sẻ.
Theo bà T.S, vì là chợ kinh doanh hoa sỉ nên thông thường, việc "xuống hàng" luôn được các chủ vựa thỏa thuận với nhà vườn từ Đà Lạt - nơi cung cấp gần 90% nguồn cung hoa cho chợ hoa Đầm Sen - luôn hoàn tất trước 27 Tết, chậm lắm là trưa 28 Tết.
"Nhưng chỉ là các trường hợp hy hữu. Ví dụ đi đường bị chậm trễ hay nhà vườn cắt trễ bông gởi vào chậm 1-2 xe", bà T.S nói thêm.
Thế nên, khi thấy còn hàng chục xe tải đến tận ngày áp chót của Tết mà vẫn còn "xin" xuống hàng, các chủ vựa ai nấy đều choáng váng bởi "hoa còn chất trong thùng chưa khui tràn ngập cả chợ, giờ đổ xuống hàng ngàn thùng hoa nữa thì nhân công đâu mà làm. Quan trọng hơn là bán cho ai vào giờ đó khi sức mua trên thị trường rất thấp", ông N.H - chủ sạp bên cạnh bà T.S, thông tin thêm.
Theo giới kinh doanh tại chợ đáng lý ra chợ hoa Đầm Sen không "thất thủ" nghiêm trọng đến mức như vậy nếu các nhà vườn Đà Lạt từ trước Tết định lượng được nhu cầu thị trường với giá bỏ mối hợp lý.
"Đến lúc thị trường miền Trung và Hà Nội chỉ đặt hàng với số lượng rất khiêm tốn. Dư cung, nhà vườn Đà Lạt mới cuống cuồng "thảy" hết vô Sài Gòn thì "vỡ" chợ là điều tất yếu", ông N.H trầm ngâm nói.
Hướng đi mới cho nhu cầu mới
Là người có thói quen chưng hoa vào dịp Tết, nhưng ông Nguyễn Đức Khánh, ngụ ở Q.3, TP.HCM thừa nhận năm năm gần đây, nhu cầu chưng hoa của gia đình ông đã chuyển sang một "phong cách" khác.
"Thay vì phải mua lay-ơn, vạn thọ, cúc cúng bàn thờ, mua chậu mai, hoặc đào chưng phòng khách, tôi chuyển sang chỉ mua từ 1-2 loại hoa để trang trí cho nhiều nơi khác nhau trong nhà. Tôi nghĩ cũng có nhiều người tiêu dùng như tôi thay đổi thì người trồng hoa, bán hoa cũng cần phải thay đổi tư duy", ông Khánh hóm hỉnh bày tỏ.
Người dân mua sắm hoa tại chợ hoa Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) - Ảnh: Q.KHÔI
Thực tế thị trường cũng cho thấy, nguồn cung từ các nhà vườn, từ khu vực Lâm Đồng cho đến miền Tây, tình trạng người bán phải đổ bỏ vì bán không hết, vì hoa hư…những ngày cuối của Tết luôn để lại nhiều suy nghĩ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường bán lẻ, việc xác định nhu cầu thị trường lẫn thị hiếu người tiêu dùng cho mặt hàng hoa tươi – cần được các nơi cung cấp hoa nghiên cứu một cách nghiêm túc kỹ lưỡng hơn.
Bởi, với thị hiếu ngày một thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng của các năm tiếp theo sẽ có những nhu cầu, sở thích khác nhau trong hành vi mua sắm các sản phẩm mang tính chất "hương hoa" này.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều loại hoa như tulip, lan hồ điệp, cát tường… hoặc các chủng loại cúc có nguồn gốc nhập ngoại với màu sắc, hình dáng khác biệt hoàn toàn so với các loại cúc truyền thống thông thường ngày càng được tìm mua nhiều hơn trong các dịp lễ, tết.
Đây sẽ là cơ hội để nguồn cung từ các nhà vườn khi xuống giống gieo mùa vụ hoa mới của các giống hoa cũ, mau hư, vận chuyển cồng kềnh tự "kìm" lại mình cho mùa vụ kinh doanh hoa tết trong năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận