Một nhà đầu tư Trung Quốc căng thẳng khi theo dõi giá chứng khoán ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters |
Ngày 24-8, sau khi giá cổ phiếu tại sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) sụt giảm 8,5%, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tuột dốc từ 3,6-5,4%.
“Cơn tắm máu chứng khoán” đặc biệt tồi tệ tại các nền kinh tế mới nổi, khiến giới chuyên gia so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997.
Ở thời điểm đó, thị trường Trung Quốc cực kỳ ổn định. Nhưng hiện tại Trung Quốc là nguồn gốc gây bất ổn. Các nỗ lực ổn định thị trường vốn và kích thích kinh tế của chính quyền Bắc Kinh đều không có hiệu quả, vụ phá giá đồng nhân dân tệ bất ngờ hai tuần trước khiến cả thế giới rúng động.
Nghi ngờ về Trung Quốc
Giới đầu tư lo ngại chính quyền Trung Quốc không có biện pháp khả thi để quản lý các vấn đề kinh tế của nước này, bởi chưa có dấu hiệu gì cho thấy các biện pháp can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đạt hiệu quả như mong muốn.
“Những gì chúng ta phải đối mặt là sự mù mờ về năng lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc quản lý giai đoạn chuyển đổi - AFP dẫn lời nhà kinh tế Angel Ubide thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson - Các biện pháp can thiệp thất bại chỉ khiến dư luận thêm nghi ngờ liệu chính quyền Trung Quốc có kiểm soát được tình hình hay không”.
Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm do cuộc khủng hoảng hiện nay. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Giới chuyên gia khẳng định chắc chắn IMF sẽ tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng do vấn đề Trung Quốc ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi.
Nhà kinh tế Charles Collyns thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF) mô tả sự hỗn loạn trên thị trường “là cú sốc kinh điển gây tác động lớn về trước mắt”.
“Tôi cũng cho rằng có các yếu tố dẫn tới tác động tới nền kinh tế thế giới về lâu dài” - chuyên gia Collyns nhấn mạnh. Dù vậy giới chuyên gia đánh giá sẽ không có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nỗi lo của các nền kinh tế mới nổi
Một loạt nền kinh tế mới nổi có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ lớn. Theo nghiên cứu của Hãng NN Investment Partners, dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi đã tăng lên tới 1.000 tỉ USD trong 13 tháng qua. Các nền kinh tế xem Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn nhất hoặc lớn thứ hai bao gồm Úc, New Zealand, Brazil, Indonesia, Malaysia và Nam Phi.
“Các nền kinh tế này là nhà sản xuất các mặt hàng mà Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn nhất. Trung Quốc giảm nhập khẩu sẽ khiến họ thiệt hại nặng. Hiện tại nguồn cung dầu, sắt, than, sản phẩm sữa… đã ứ đọng, ảnh hưởng đáng kể đến các nước sản xuất” - International Business Times dẫn lời chuyên gia Jane Foley thuộc Ngân hàng Rabobank.
Nhà kinh tế Ian Campbell cho rằng khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế mới nổi. “Nếu Trung Quốc lại phá giá đồng NDT, xuất khẩu của các nước khác sẽ sụt giảm. Đã có sự so sánh giữa hiện nay với năm 1994 khi Trung Quốc phá giá đồng NDT trước khi khủng hoảng bùng lên ở châu Á” - chuyên gia Campbell cho biết.
Số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy Trung Quốc nhập khẩu 123 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ năm 2013, 194 tỉ USD từ Nhật và 211 tỉ USD từ châu Âu. Trung Quốc đóng góp 38% vào tăng trưởng toàn cầu năm 2014. Do đó, khi tăng trưởng Trung Quốc suy giảm chắc chắn tăng trưởng toàn cầu cũng hụt hơi theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận