30/12/2023 09:25 GMT+7

Thị trường chứng khoán: Một năm đầy cảm xúc

Kết phiên 29-12, cũng là ngày giao dịch cuối cùng năm 2023, VN-Index dừng lại mốc 1.129,93 điểm, tăng 12% so với phiên cuối năm 2022.

Hoạt động trong một phiên giao dịc chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hoạt động trong một phiên giao dịc chứng khoán tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đánh giá từ nhiều đơn vị nghiên cứu, cơ bản thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá có hiệu quả đầu tư tốt hơn nhiều thị trường trong khu vực như Thái Lan (-16,6%), Trung Quốc (-4,8%), Singapore (-4,2%), Philippines (-1,3%)...

VN-Index vẫn là điểm sáng trong khu vực

Nói với Tuổi Trẻ, ông Phan Quốc Huỳnh - phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), chủ tịch Chứng khoán SBS - nhận xét 2023 là một năm "đầy cảm xúc" với những người tham gia thị trường.

Theo ông Huỳnh, yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường 2023 là diễn biến chính sách tiền tệ. Việt Nam vận hành chính sách tiền tệ như "cơn gió ngược", bởi khi các nước tăng lãi suất, chúng ta giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Sự mạnh lên của USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ở tất cả kỳ hạn từng gây áp lực khiến Ngân hàng Nhà nước thực hiện rút ròng qua kênh tín phiếu cũng phần nào tác động khiến khối ngoại rút ròng.

Đặc biệt theo ông Huỳnh, 2023 còn là năm cơ quan quản lý quyết liệt hơn trong việc hướng tới sân chơi minh bạch an toàn, thị trường phát triển bền vững. Liên tiếp các doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin cùng các vụ thao túng giá cổ phiếu... bị xử phạt.

Nhìn lại năm 2023, ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC - cũng thấy thị trường chứng khoán đủ cả "thăng" và "trầm". Trong đó, đáng chú ý là bốn lần hạ lãi suất cùng đà đi lên của thị trường từ tháng 5 - tháng 6.

"Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán vào đà giảm từ tháng 9. Việc khối ngoại bán ròng với hơn 24.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD) hay tiếp đến là câu chuyện thanh khoản thấp, chứng khoán vẫn chưa hút dòng tiền dù lãi suất thấp kỷ lục cũng là điểm nhấn 2023", ông Huy nói.

Triển vọng 2024

Theo ông Phan Quốc Huỳnh, lãi suất thấp có thể sẽ được duy trì sang năm 2024. Nhờ vậy, dòng vốn sẽ thẩm thấu tốt hơn vào nền kinh tế.

Doanh nghiệp có cơ hội vay vốn rẻ hơn, thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nhờ giảm chi phí vốn sẽ tác động tích cực trở lại thị trường chứng khoán.

Nếu như nhiều năm trước, những ngày cuối năm thanh khoản sẽ rất thấp, nhưng năm nay dòng tiền cải thiện hơn và thị trường tăng điểm nhiều phiên liên tiếp trong những ngày cuối năm.

Điều này, theo ông Huỳnh, là những triển vọng và sự phấn khích hơn với nhà đầu tư khi bước sang năm mới. "Cổ phiếu của chúng ta định giá còn rẻ.

Các doanh nghiệp trên sàn thì ngày càng có sự phát triển theo hướng bền vững hơn. Tôi cho rằng 2024, năm Rồng, thị trường sẽ đón nhận nhiều tin vui hơn, bay cao hơn", ông Huỳnh dự đoán.

Đội ngũ phân tích Chứng khoán TPS cũng nhìn nhận bối cảnh thị trường trong năm 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã đến chặng cuối.

"Việc chính sách tiền tệ đảo chiều tại các ngân hàng trung ương này kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực cho tỉ giá, qua đó Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng", chuyên gia TPS nhận định.

Ông Lê Ngọc Hưng - chuyên gia phân tích Chứng khoán MB (MBS) - cũng cho rằng năm 2024 có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường.

Nếu FED hạ lãi suất từ quý 2-2024 và về mức 4,5% cuối năm 2024 sẽ kích thích các nhà đầu tư tìm kiếm tăng trưởng từ những thị trường mới nổi. Nhưng kèm với đó là một số rủi ro như thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng.

Điều này tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 - 4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.

KRX lại lỗi hẹn

KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HOSE ký kết với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2012. Dự kiến hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2023.

Việc KRX một lần nữa lại lỗi hẹn, không chỉ có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nâng hạng sau này mà phần nào còn tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Mục tiêu lên thị trường mới nổi năm 2025

Ngày 29-12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định 1726 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2030.

Mục tiêu đặt ra quy mô vốn thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% năm 2030.

Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% vào năm 2030, còn thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Còn số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Trong đó, tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo quyết định, phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường của các tổ chức quốc tế. Đồng thời nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á.

Chứng khoán tăng 123 điểm trong năm nay, mục tiêu 11 triệu tài khoản vào 2030Chứng khoán tăng 123 điểm trong năm nay, mục tiêu 11 triệu tài khoản vào 2030

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định 1726, phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 vào hôm nay 29-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp