10/10/2016 15:39 GMT+7

Thị trường châu Á ủng hộ bà Clinton

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Giới đầu tư châu Á tiếp tục đặt cược vào bà Hillary Clinton, trong khi diễn biến của đồng peso cho thấy không có ai là người chiến thắng trong cuộc luận thứ hai giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ tối 9-10.

Một nhà đầu tư theo dõi cuộc tranh luận tại sàn giao dịch của Citibank (Úc) sáng 10-10 - Ảnh: Reuters

Ít giờ sau khi cuộc tranh luận kết thúc, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng khoảng 0,1% vào trưa nay (giờ Singapore), cho thấy giới đầu tư châu Á tiếp tục nghiêng về khả năng chiến thắng của bà Clinton, theo hãng tin Reuters.

"Những ai tin rằng ông Trump có vô cùng ít cơ hội để chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì đây là thời điểm tốt để mua vào” - ông Itay Tuchman, trưởng thị trường Úc và New Zealand của tập đoàn Citigroup, nói với Reuters.

Hòa không tỉ số?

Tại cuộc tranh luận sáng 10-10 (giờ VN), bà Clinton mở đầu bằng việc khai thác chủ đề nóng nhất là phát ngôn khiếm nhã đối với phụ nữ của ông Trump, trước khi hai ứng viên đề cập đến những vấn đề nghiêm túc như Syria, thuế, hệ thống y tế của Mỹ và vấn đề năng lượng sạch.

Khác với diễn biến của thị trường châu Á, chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ thay đổi không đáng kể sau khi cuộc tranh luận dài 90 phút kết thúc sáng nay. Các nhà đầu tư cho rằng những gì hai ứng viên thể hiện trong cuộc tranh luận chưa đủ để làm thay đổi quan điểm của họ về việc ai sẽ thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trước khi buổi tranh luận diễn ra, giới đầu tư Mỹ tin rằng bà Clinton nhiều khả năng thắng hơn và “tôi không nghĩ quan điểm này thay đổi sau cuộc tranh luận", ông Rick Meckler, chủ tịch công ty đầu tư LibertyView Capital Management (TP Jersey, bang New Jersey) nói với Reuters.

Tuy nhiên, đồng Peso của Mexico, vốn được xem là thước đo dao động của thị trường trong các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, đã tăng khoảng 2% so với đồng USD trước khi cuộc tranh luận diễn ra, và vẫn giữ mức tăng 1,3% sau khi màn “khẩu chiến” kết thúc.

“Thị trường dường như đánh giá cuộc tranh luận này là một trận hòa không tỉ số” - hãng tin kinh tế Bloomberg dẫn bình luận của ông Ray Attrill, đồng chủ tịch phụ trách chiến lược ngoại hối toàn cầu thuộc Ngân hàng Quốc gia Úc.

Ông Attrill cho rằng đoạn video cho thấy ông Trump bình luận tục tĩu về phụ nữ sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lên các kết quả thăm dò ý kiến về hai ứng viên trong tương lai.

Theo Bloomberg, đồng peso là là thước đo dao động của thị trường về cuộc bầu cử ở Mỹ đầu tháng 11 tới ở chỗ nó sẽ giảm giá nếu ông Trump chiến thắng bà Clinton trong các cuộc thăm dò, và ngược lại.

Hoài nghi kết quả thăm dò

Theo thăm dò trực tuyến của CNN, 57% người được hỏi cho rằng bà Clinton đã thắng trong cuộc tranh luận thứ hai, so với 34% của ông Trump. Kết quả một cuộc khảo sát những người theo dõi cuộc tranh luận của CNN/ORC lại cho thấy một “chiến thắng rõ ràng” dành cho bà Clinton, khi có đến 57% người được khảo sát cho rằng bà đã chiến thắng, so với chỉ 34% nghiêng về ông Trump.

Tuy nhiên, ông Josh Crabb, trưởng thị trường vốn châu Á thuộc công ty Old Mutual Global Investors (Hong Kong) bày tỏ nghi ngờ các kết quả thăm dò kiểu như trên, đặc biệt là sau vụ “Brexit” (kết quả thực tế trái ngược với thăm dò).

"Cách mà truyền thông chính thống, và nhiều nhà bình luận phân tích kết quả của cuộc tranh luận có thể khác với lựa chọn thực sự của cử tri khi đi bỏ phiếu - ông Crabb nói với Reuters - Cần lưu ý rằng các cuộc thăm dò đôi khi không thật chính xác như người ta mong đợi”.

Hãng tin Reuters cho rằng nhiều nhà đầu tư cũng hoài nghi dù phản ứng thị trường có thể thiên về bà Clinton đi chăng nữa thì chưa chắc bà sẽ thật sự chiến thắng. “Vẫn còn khả năng để ông Trump gây bất ngờ… nhiều người vẫn cảnh giác sau cú sốc với Brexit hồi tháng 6” - Reuters bình luận.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp