Tuổi Trẻ Online ghi nhận một số ý kiến góp ý cho phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Nhiều môn bắt buộc khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài
Lâu nay ở Việt Nam (và cả các nước), kỳ thi tốt nghiệp THPT thường để kiểm tra kiến thức học sinh lớp 12 trong ba lĩnh vực chính: toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Sở dĩ người ta chọn ba mảng kiến thức này vì nó là nền tảng để các em học tiếp các bậc học sau THPT.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa thêm môn lịch sử vào các môn bắt buộc có thể vì muốn các em không lơ là với môn học này như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, nếu thực hiện việc này vào năm 2025 sẽ gây khó cho học sinh và các trường vì môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm số tiết từ 70 tiết/năm xuống 52 tiết/năm.
Hơn nữa, khi thi nhiều môn bắt buộc sẽ khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài, làm quá tải cho học sinh nhưng không mang lại hiệu quả vì việc tăng cường ý thức học môn sử phụ thuộc vào cách dạy, chứ không cứ ép học sinh học để thi là được.
* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM):
Đề thi phải theo hướng đánh giá năng lực học sinh
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình giáo dục phổ thông mới).
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, vì thế cần thiết kế đề thi theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Sự ổn định của môn thi, đề thi là cần thiết để thí sinh không phải bỡ ngỡ.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, học môn nào thi môn đó là tốt nhất. Trong điều kiện chưa thể làm đề thi cho tất cả các môn học thì lựa chọn một vài môn thi bắt buộc xem ra là cách dễ làm nhất.
Về lâu dài, các trường, Sở Giáo dục và đào tạo có thể tự tổ chức thi, đánh giá học sinh cho riêng mình dựa trên dữ liệu kiểm tra, đánh giá quốc gia. Các trường đại học vẫn có thể chọn học sinh theo "năng khiếu" của học sinh sau khi thi nhằm tiết kiệm chi phí tuyển sinh cho học sinh và trường đại học.
* TS Nguyễn Quốc Anh (phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM):
Cần tổ chức thi, đánh giá phù hợp
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến các môn thi bắt buộc và tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp với chương trình giáo dục bậc THPT mới. Các môn học bắt buộc trong chương trình được đưa vào môn thi tốt nghiệp THPT phần nào sẽ giúp học sinh có sự đầu tư nghiêm túc hơn.
Việc định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nhằm mục đích công nhận tốt nghiệp, nên cần có hình thức tổ chức thi, đánh giá phù hợp mục tiêu. Các hình thức xét tuyển đại học theo đó cũng cần tiếp tục có những cải tiến, cập nhật xu hướng cho phù hợp.
* Thạc sĩ Trần Nam (trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM):
Thay đổi cách dạy môn lịch sử
Việc cả hai môn thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản là ngữ văn và lịch sử được đưa vào danh sách môn thi bắt buộc khi thi tốt nghiệp THPT là giải pháp đúng đắn. Đây là hai môn học tiên quyết giúp định hình những đặc điểm ban đầu về nhân cách, văn hóa, tình yêu quê hương, khả năng cảm thụ nghệ thuật, thấu hiểu quá khứ và bối cảnh của thế giới và quốc gia…
Việc lựa chọn hai môn học này cũng là yếu tố quan trọng giúp phát triển ngành khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục.
Tuy nhiên, môn lịch sử cũng cần được tiếp tục đổi mới về phương pháp, cập nhật những nội dung giảng dạy mới làm cho tri thức lịch sử trở nên sinh động, thiết thực để giúp học sinh tiếp cận môn học này hiệu quả hơn.
* Phan Hương Giang (học sinh lớp 10 ở Quảng Nam):
Đề thi, cách thức thi cần đổi mới
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phần nào giúp học sinh yên tâm và có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhưng thực sự chúng em thấy kỳ thi những năm tới vẫn không khác biệt gì so với hiện nay.
Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đến đánh giá năng lực học sinh hơn là kiểm tra kiến thức. Do vậy em nghĩ đề thi, cách thức thi cần đổi mới.
Trong quá trình học, chúng em đã phải làm kiểm tra, thi cử rất nhiều rồi nên chỉ mong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng. Em được biết các kỳ thi đánh giá năng lực chỉ thi trong một buổi với bài thi có nhiều môn thi có thể dùng kết quả xét tuyển vào đại học. Vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức kỳ thi theo cách như vậy?
Ông Dương Trọng Phúc (phụ huynh ở TP.HCM):
Chỉ cần một bài thi tổng hợp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cần để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhưng nên tìm cách để giảm áp lực thi cử theo đúng mục tiêu của kỳ thi. Liệu có thể chỉ cần một bài thi tổng hợp mà không cần phân môn không? Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể ra đề, cung cấp đề thi; các sở tổ chức thi trong thời gian một buổi.
Đối với môn thi ngoại ngữ, tin học có thể thay thế bằng các chứng chỉ theo quy chuẩn, với bậc THPT thì tiếng Anh A2 hay B1 là phù hợp.
Bạn ý kiến thế nào về dự thảo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Vui lòng gởi về [email protected].
Thăm dò ý kiến
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc bên cạnh môn toán, văn và ngoại ngữ. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận