23/09/2020 18:56 GMT+7

Thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Giữ ổn định như 2020

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 23-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Bộ GD-ĐT tiếp tục ra đề thi thống nhất trên cả nước và các địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Giữ ổn định như 2020 - Ảnh 1.

Thí sinh ở một hội đồng thi Bắc Giang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: VĨNH HÀ

Giữ phương án có 5 bài thi, sẽ tính toán lộ trình thi trên máy tính

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết tại cuộc họp với Hội đồng giáo dục quốc gia chiều 23-9, Bộ GD-ĐT đã báo cáo phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh GDTX.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được bổ sung về số lượng và đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.

Trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn này, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc; đồng thời, có quy định (ma trận/cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi, quy trình thực hiện) và giải pháp hỗ trợ các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để có đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục đại học. Kỳ thi sẽ tiếp tục tổ chức thi trên giấy; từng bước triển khai thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình GD phổ thông 2018.

"Trước hết, năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020. Còn tùy theo điều kiện cho phép sẽ tính toán lộ trình để tổ chức thi trên máy tính" - ông Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT?

Một điểm mới được Bộ GD-ĐT đề xuất tại cuộc họp trên là sẽ chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không kết hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như trước đây. Nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, tại cuộc họp có ý kiến khác nhau về việc này. Có ý kiến cho rằng việc tính điểm xét tốt nghiệp bao gồm kết quả thi và kết quả học tập lớp 12 là tốt, thể hiện được đánh giá quá trình. Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ đề xuất của bộ. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được quyết định sau năm 2021.

Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng đề xuất các phương án công bố kết quả thi để vừa đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả để tuyển sinh. Nhưng những thay đổi nếu có sẽ phải thực hiện theo lộ trình và công bố sớm.

Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, báo cáo đề xuất của Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ GD-ĐT công nhận hoặc do các tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá… và kết hợp giữa các phương thức trên.

Để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, cơ sở đào tạo có phương án và kế hoạch triển khai rõ ràng và thực hiện đúng cam kết để xã hội có lòng tin, ủng hộ. Công tác tuyển sinh của trường cần ổn định trong nhiều năm, nếu dự định thay đổi lớn cần thông báo trước 3 năm.

Các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng phương thức tuyển sinh cần đảm bảo thí sinh trúng tuyển có năng lực học tập phù hợp với ngành đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Riêng việc tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên, cần thúc đẩy để cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn (nghị định về học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí sư phạm…). Ngoài ra, phải linh hoạt trong nguồn tuyển (không chỉ phụ thuộc vào thi tốt nghiệp THPT).

Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng đề thi

Với phương án thi và tuyển sinh trên giữ ổn định như năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ vẫn ban hành quy chế, hướng dẫn và tổ chức thanh tra, giám sát công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT; hoàn chỉnh cơ chế, điều kiện thực hiện phân cấp để các sở GD-ĐT địa phương chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp THPT (các cơ sở giáo dục ĐH tham gia tổ chức kỳ thi chủ yếu ở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát).

Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương trong các năm đầu của giai đoạn, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá trên toàn quốc, đồng thời chủ trì, hướng dẫn các địa phương xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không nên vội bỏ nguyện vọng Tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh không nên vội bỏ nguyện vọng

TTO - Với nhiều trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, việc thí sinh trúng tuyển "ảo" quá nhiều khiến kế hoạch tuyển sinh ban đầu không đạt kỳ vọng.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp