Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các địa phương đã rất nỗ lực để có một kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn, suôn sẻ, những trục trặc của kỳ thi khiến nhiều chuyên gia tiếp tục đặt vấn đề cần cải tổ kỳ thi, không nên "bỏ hết trứng vào một rổ".
Tốn kém, không cần thiết
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được xác định mục tiêu chính là xét tốt nghiệp và đánh giá chất lượng dạy học phổ thông, đồng thời nhiều trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng một kỳ thi THPT được tổ chức cấp quốc gia quá tốn kém, căng thẳng như hiện nay không cần thiết.
Bộ GD-ĐT từng xác nhận riêng tại bộ này, kinh phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mỗi năm khác nhau, có năm 40 - 50 tỉ đồng nhưng cũng có năm hơn mức này.
Đó là tiền từ bộ, còn việc tổ chức thi tại các tỉnh thành do các địa phương chi trả. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng trên dưới 1 triệu thí sinh thi THPT, nếu tính tổng chi phí xã hội thì giả sử mỗi thí sinh 1 triệu đồng, khi đó 1 triệu thí sinh là 1.000 tỉ đồng.
Về mục tiêu xét tốt nghiệp THPT của kỳ thi, thực tế cho thấy tỉ lệ đậu tốt nghiệp hằng năm rất cao. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỉ lệ tốt nghiệp 98,5%, đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,1%. Như vậy dù không có kỳ thi này, hầu hết học sinh vẫn tốt nghiệp.
Việc đánh giá học sinh cũng là quá trình ba năm học chứ không chỉ ở một vài bài thi THPT, nên cả nước phải chi hàng ngàn tỉ đồng cho một kỳ thi quốc gia để mục tiêu chính là xét tốt nghiệp là không cần thiết. Còn việc đánh giá chất lượng dạy học phổ thông qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không chính xác được vì thực tế các địa phương khó khăn tỉ lệ đậu tốt nghiệp năm ngoái vẫn cao ngất ngưởng như Sơn La (99,6%), Điện Biên (99,24%)...
Trong khi hiện nay hầu hết các trường ĐH trên cả nước đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, tự chủ tuyển sinh theo luật. Các kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức nhẹ nhàng đang được rất nhiều trường sử dụng kết quả để xét tuyển. Do vậy nếu không có kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh của các trường ĐH vẫn không ảnh hưởng.
Nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương
Những ngày qua, tiếp tục có nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức để việc tổ chức thi trở nên nhẹ nhàng hơn. Đây không phải lần đầu có kiến nghị này.
Từ hơn 10 năm trước, dư luận đã đặt vấn đề có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không khi thi đạt kết quả tới khoảng 99%, còn tuyển sinh ĐH nên trả về cho các trường tự chủ. Năm 2016, TP.HCM cũng đã từng đề xuất "cho các TP trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm tự xét tốt nghiệp THPT".
Mới đây trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng hiện vẫn chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức là do bộ vẫn đang tổ chức kỳ thi "ba chung" (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển ĐH). Ông Thưởng băn khoăn "nếu mỗi tỉnh ra đề thì mức độ khó dễ khác nhau, liệu có đảm bảo sự công bằng?".
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương. Theo Luật Giáo dục hiện hành, phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là bộ quyết định.
Do vậy, kỳ thi này hoàn toàn có thể do trường phổ thông hoặc Sở GD-ĐT tổ chức. Bộ nên giao cho mỗi địa phương tự ra đề, tự xác định thời gian thi, tự tổ chức thi, tự coi thi, tự chấm thi, tự xét tốt nghiệp THPT. Khi đó bộ chỉ giữ vai trò giám sát, thanh tra kiểm tra công tác tổ chức thi, hậu kiểm kết quả thi ở các địa phương.
Không quá lo lắng về đề thi, tiêu cực khi giao địa phương
Đề thi học kỳ hiện nay do các sở GD-ĐT ra. Đề thi thử tốt nghiệp THPT rất nhiều tỉnh tự ra (như Nghệ An thi thử 4-5 lần). Cứ lấy ngân hàng đề thi đó ra sử dụng cho kỳ thi chính thức sẽ không tốn thêm tiền Nhà nước.
Khi giao xét tốt nghiệp THPT về cho trường, Bộ GD-ĐT cần tăng cường kiểm tra, giám sát với các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số cụ thể, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; đồng thời kiểm tra chéo việc thực hiện giữa các đơn vị; thẩm tra, phúc tra lại việc xét công nhận tốt nghiệp, quá trình thực hiện cho nghiêm túc.
Trước đây bậc THCS cũng thi tốt nghiệp nhưng đã bỏ và giao về địa phương thông qua kỳ kiểm tra học kỳ 2 năm lớp 9 và kết quả rất tốt. Vì vậy, việc này cũng nên cân nhắc ở bậc THPT.
Rủi ro đề thi 'ba chung'
Ngay trong ngày thi đầu của kỳ thi tốt nghiệp năm nay, cả hai môn thi văn và toán đều được xác định đề thi bị lọt ra ngoài ngay trong thời gian thi. Một phần đề thi môn văn còn trùng lặp với đề thi thử của địa phương đã tổ chức trước đó, ngữ liệu là những tác phẩm quen thuộc hàng chục năm qua. Sau đó, đề thi các môn địa lý, tiếng Anh và hóa học cũng bị phản ảnh "có nhiều lỗi".
Thăm dò ý kiến
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 với nhiều sự cố, tiếp tục có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo nên trả kỳ thi này về cho các địa phương tổ chức. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận