Phóng to |
PGS.TS Mai Văn TrinhẢnh: V.DŨNG |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết:
- Tôi khẳng định Bộ GD-ĐT và ngành giáo dục các địa phương không bao giờ có chủ trương “tháo khoán” về chất lượng. Đặc biệt, khi chúng ta bắt đầu thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì mục tiêu nâng cao chất lượng càng phải được quan tâm và đẩy mạnh. Với chủ trương giao chủ động cho địa phương, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn ôn tập, tập huấn, tổ chức kỳ thi và đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo tổ chức thi. Bộ GD-ĐT đã cử các đoàn thanh tra, kiểm tra trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi theo phương thức không báo trước và tập trung chính vào việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi ở các địa phương.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức thi về cơ bản đã được hoàn tất ở tất cả các khâu tổ chức thi. Các địa phương tùy theo điều kiện thực tế đã có nhiều phương án khác nhau nhằm đảm bảo kỷ cương trường thi và an toàn cho thí sinh.
Bố trí “vùng đệm” để thí sinh chuyển ca thi
* Với đổi mới thi năm nay, có những buổi sẽ thi hai môn khác nhau? Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, lưu ý như thế nào đối với hội đồng coi thi các tỉnh để đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi, bài thi, đảm bảo sức khỏe và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh?
- Lịch thi đã được công bố tới mỗi hội đồng coi thi, mỗi thí sinh. Đặc biệt, phần mềm máy tính in thẻ dự thi cho mỗi thí sinh, trong đó có đầy đủ thông tin về môn thi, phòng thi, thời gian thi, thời gian có mặt tại trường thi. Một số địa phương, đơn vị thậm chí còn thông tin đầy đủ lịch thi tới phụ huynh học sinh để chủ động theo dõi nhắc nhở con em trong những ngày thi.
Bộ đã lưu ý và các địa phương chủ động xây dựng những phương án thực tế nhất, có tính đến những chi tiết cụ thể như sắp xếp nơi gửi xe của thí sinh, bố trí “vùng đệm” để thí sinh chuyển ca thi (dựng các nhà bạt, mượn các trường THCS, tiểu học lân cận...) nhằm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.
* Với kết quả chọn môn thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT vừa công bố, ông có đánh giá như thế nào về xu thế chọn môn thi? Việc này có phản ánh phần nào bất cập trong điều kiện tổ chức dạy học và chất lượng giáo dục của một số môn có tỉ lệ đăng ký thấp như lịch sử, ngoại ngữ không, thưa ông?
Định hướng chủ đạo trong đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm nay như đã công bố là tăng cường các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề chứ không yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Vì vậy, mặc dù nội dung đề thi không nằm ngoài kiến thức, kỹ năng của THPT, chủ yếu là lớp 12, nhưng nếu thí sinh ôn tập tốt, biết vận dụng kiến thức và hiểu biết thực tế thì kết quả làm bài thi sẽ tốt hơn. PGS.TS Mai Văn Trinh |
- Kết quả đăng ký các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không gây bất ngờ, hoàn toàn nằm trong dự tính trước của Bộ GD-ĐT. Tỉ lệ học sinh lựa chọn môn thi tự chọn cho thấy xu hướng các em chọn các môn thi liên quan nhiều đến định hướng nghề nghiệp tương lai của mình (liên quan đến các khối thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).
Với lý do nói trên, tỉ lệ các môn thi tự chọn chỉ phản ánh phần nào sự bất cập trong điều kiện tổ chức dạy học, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá các môn này trong các nhà trường. Tất cả bất cập này sẽ được xem xét và có giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Khơi dậy lòng tự trọng của đội ngũ
* Năm 2014, quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc xét tốt nghiệp bao gồm điểm học bạ kết hợp với điểm thi... Nhiều ý kiến cho rằng một số nhà trường, địa phương đã dễ dãi hơn với học sinh lớp 12 trong việc cho điểm học bạ để tăng cơ hội xét tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT có chỉ đạo như thế nào trong việc kiểm soát, phát hiện sai phạm về việc này?
- Vấn đề này đã được nêu lên ngay sau khi bộ chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Tuy nhiên, trước hết phải khẳng định chúng ta cần có niềm tin đối với đại đa số thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bản chất của giáo dục là được xây dựng trên cơ sở niềm tin; không có niềm tin sẽ không thể có giáo dục. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần khơi dậy niềm tin, tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của đội ngũ thầy cô giáo trong hoạt động dạy và học nói chung cùng việc đánh giá kết quả học tập của học sinh nói riêng.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã chủ động nhìn nhận vấn đề này để có các giải pháp quản lý phù hợp. Trước mắt, tiếp tục tăng cường ý thức trách nhiệm của người dạy, người học, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội và ứng dụng công nghệ vào phòng chống tiêu cực trong giáo dục. Đồng thời đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá năng lực của học sinh.
Hiện nay, phần lớn sở GD-ĐT (trên 80% các sở, trường THPT, gần 50% các trung tâm GDTX) đã chủ động triển khai các phần mềm quản lý điểm giúp công tác quản lý điểm chặt chẽ, được giám sát và không dễ dàng sửa đổi...
Về lâu dài, cùng với đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm nhà giáo gắn với trách nhiệm công dân, phát huy lòng tự trọng nghề nghiệp, giáo dục tính tự giác cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục mà ở đó thực dạy, thực học, thực nghề, dạy tốt học tốt, quản lý tốt.
Tiếp tục cho phép mang máy ghi âm, ghi hình * Năm 2013, Bộ GD-ĐT đã cho phép thí sinh mang vào phòng thi máy ghi âm, ghi hình nhưng không có chức năng phát âm, phát hình trực tiếp. Quy định này có duy trì trong năm nay không? Ngoài quy định chung trong quy chế thi, Bộ GD-ĐT có lưu ý gì thêm để tránh tái diễn cảnh lộn xộn, tiêu cực, giám thị, học sinh không đảm bảo trách nhiệm, vị trí của mình như từng xảy ra ở các mùa thi trước? - Nội dung này được quy định ở điều 20 của quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Theo đó, thí sinh có thể mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không phát trực tiếp nhằm chống tiêu cực. Ngoài ra, việc phát hiện tiêu cực có thể được thông báo qua đường dây nóng của Bộ GD-ĐT và ban chỉ đạo thi các địa phương để có thể kịp thời xử lý, chấn chỉnh. Để tăng cường giám sát kỷ cương kỳ thi, bộ yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm những năm trước, tập trung quán triệt quy chế thi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của kỳ thi, nhất là những điểm mới trong tổ chức thi cho học sinh, giáo viên, phụ huynh; tăng cường tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi; tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội có liên quan đảm bảo an ninh, an toàn trường thi. Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục mở rộng chấm thẩm định bài thi để đánh giá, rút kinh nghiệm các khâu tổ chức thi, nhất là khâu coi thi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận