04/09/2016 10:59 GMT+7

Thi THPT quốc gia với 5 bài thi từ 2017, có kịp trở tay?

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - Để chuẩn bị kế hoạch đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD-ĐT đang bàn phương án thay thế tổ chức thi. Liệu thí sinh có kịp trở tay?

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM làm thủ tục trước buổi thi kiểm tra năng lực mùa tuyển sinh 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM làm thủ tục trước buổi thi kiểm tra năng lực mùa tuyển sinh 2016 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dù thi theo phương cách nào cũng cần quy định cứng các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ là ba môn bắt buộc vì đây là những môn đánh giá chính xác nhất năng lực của thí sinh, đồng thời là các môn công cụ giúp thí sinh tiếp tục học tập và làm việc sau này

GS Bành Tiến Long (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Dù tinh thần đổi mới được đánh giá là thận trọng, đề thi vẫn chủ yếu ở chương trình lớp 12 nhằm không gây xáo trộn lớn đối với thí sinh, nhưng cách thức thi theo bài - đặc biệt sẽ có các bài thi bao gồm kiến thức liên môn - là điều khiến nhiều phụ huynh, thí sinh và cả giáo viên phổ thông lo lắng...

Cân nhắc hai phương án

Thực tế Bộ GD-ĐT đang cân nhắc hai phương án: hoặc yêu cầu học sinh THPT phải thi đủ năm bài thi mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT; hoặc thí sinh chỉ thi bốn bài gồm ba bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và lựa chọn thêm một bài thi hoặc khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Phương án thi thứ nhất trùng hợp với ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục mang tư tưởng đổi mới kỳ thi theo hướng “học môn nào thi môn đó”, thí sinh cần phải thi tất cả các môn đã học ở chương trình THPT và cách thức để giảm số buổi thi, giảm căng thẳng là xây dựng các bài thi tích hợp từ nhiều môn học.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản biện thể hiện sự băn khoăn về cách đổi mới có phần đột ngột và nghiêng về phương án thứ hai vì cho rằng như vậy thí sinh sẽ đỡ căng thẳng hơn, đồng thời phù hợp hơn với xu thế phân luồng, tăng cường học phân hóa ở bậc THPT.

Cô Bùi Thu Thủy, giáo viên THPT tại Hà Nội, nhận xét: “Thực tế không có nhiều thí sinh học đều tất cả các môn, mà thường học tốt các môn xã hội sẽ yếu hơn ở các môn tự nhiên và ngược lại. Vì thế nếu buộc phải làm cả bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cộng với các môn vẫn được xem như bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ thì sẽ quá nặng và không cần thiết. Vì việc xét tốt nghiệp THPT còn căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình học”.

Phải học nhiều môn

GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - bày tỏ sự ủng hộ hướng đổi mới trong dự thảo của Bộ GD-ĐT, nhưng ông vẫn cho rằng chưa nên thay đổi mạnh ở cách thức ra đề thi, số lượng môn thi.

“Nếu thay đổi theo hướng thí sinh phải thi tất cả các môn sẽ lại gây quá tải. Cách thức ra đề tích hợp nhiều môn thi trong một bài thi là hướng tốt. Nhưng nếu thực hiện ngay trong năm nay thì tôi e là hơi vội, cần có lộ trình, cần có thời gian để giáo viên, học sinh THPT làm quen, thực hành nhiều hơn nữa” - GS Thuyết nói.

GS Thuyết cho rằng nếu áp dụng đề thi tích hợp liên môn thì không chỉ khó cho thí sinh ở thời điểm hiện tại, mà còn khó khăn cho cả công tác ra đề. Nhưng nếu bài thi khoa học xã hội và khoa học tự nhiên chỉ bao gồm các câu hỏi của các môn học khác nhau xếp cạnh nhau thì đơn giản hơn. Tuy nhiên, như vậy để vượt qua kỳ thi năm tới, thí sinh vẫn phải bắt buộc học nhiều môn học khác nhau, đây là điều sẽ có nhiều thí sinh lo lắng.

 

Dự kiến những thay đổi kỳ thi THPT quốc gia năm 2017

1. Thời gian thi:

Hai ngày trong tháng 6-2017 (năm 2016 thi bốn ngày vào đầu tháng 7).

2. Số môn thi, bài thi: 

- Phương án 1: Thi năm bài đối với thí sinh hệ giáo dục THPT gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (gồm lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thi bốn bài gồm toán, ngữ văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên;

- Phương án 2: Thí sinh hệ giáo dục THPT thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

3. Nội dung đề thi: Trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

4. Hình thức thi:

- Bài thi ngữ văn thi tự luận với thời gian thi 120 phút.

- Các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Trong đó các bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, toán là 90 phút, bài thi ngoại ngữ 60 phút.

5. Tổ chức cụm thi:

- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một cụm thi chung cho mọi đối tượng thí sinh do sở GD-ĐT chủ trì. Các trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ giám sát kỳ thi.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp