28/12/2014 12:00 GMT+7

Thi THPT quốc gia: không nên chọn quá nhiều môn

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Đăng ký dự thi thế nào, thí sinh tự do nộp hồ sơ ở đâu, có nên chọn nhiều môn thi để tăng cơ hội xét tuyển… là những băn khoăn chính của học sinh Bình Định đặt ra cho ban tư vấn.

Học sinh Bình Định chăm chú theo dõi tư vấn - Ảnh: Minh Giảng

Trong suốt chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2015 do Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn Bình Định tổ chức tại TP Quy Nhơn sáng 28-12, rất nhiều câu hỏi của thí sinh đặt ra liên quan đến cách thức đăng ký dự thi cũng như sẽ dự thi ở đâu, thí sinh tự do muốn xét tuyển ĐH, CĐ phải làm thế nào.

Đăng ký dự thi ở đâu?

Giải đáp những băn khoăn này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho biết học sinh sẽ đăng ký dự thi THPT quốc gia vào tháng 3-2015.

Việc đăng ký dự thi vẫn như các năm trước đây. Học sinh đang học tại nơi nào sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại địa điểm do Sở GD-ĐT địa phương quy định.

Phiếu đăng ký dự thi cơ bản cũng như các năm trước. Tuy nhiên sẽ có điểm mới là lựa chọn mục đích đăng ký dự thi: xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét ĐH, CĐ hay chỉ xét vào ĐH, CĐ.

Từ mục đích này, thí sinh sẽ lựa chọn môn thi trong phiếu đăng ký - đây là điều rất quan trọng. Nếu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét ĐH, CĐ thì thí sinh buộc phải đăng ký bốn môn bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT là toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn. Bên cạnh đó, tùy vào môn xét tuyển của ngành ĐH, CĐ thí sinh muốn xét mà chọn thi thêm môn phù hợp.

Thí sinh có thể chọn thi cả 8 môn, tuy nhiên các em cần cân nhắc để có kết quả tốt nhất. Chỉ nên chọn số môn thi hợp lý, không nên chọn thi quá nhiều môn vì như thế kết quả ôn tập sẽ bị phân tán và kém hiệu quả.

Đối với thí sinh tự do, thí sinh chỉ cần đăng ký dự thi 3 môn hoặc nhiều hơn theo môn xét tuyển của ngành mà mình muốn xét tuyển.

Một điểm đáng chú ý nữa là thí sinh sẽ dự thi theo cụm. Tỉnh Bình Định có Trường ĐH Quy Nhơn và nhiều khả năng Bộ GD-ĐT sẽ giao cho trường tổ chức cụm thi THPT quốc gia tại đây.

Chương trình tư vấn cho khoảng 3.000 học sinh Bình Định - Ảnh: Minh Giảng
ThS Lê Văn Hiển - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - tư vấn cho học sinh - Ảnh: Minh Giảng

Đăng ký 8 môn, thi 5 môn được không?

Tại chương trình tư vấn, rất nhiều học sinh băn khoăn về việc nên lựa chọn bao nhiêu môn thi để tăng cơ hội xét tuyển. Liên quan đến vấn đề lựa chọn môn thi, một học sinh băn khoăn em đăng ký 8 môn nhưng vì lý do nào đó em chỉ thi 5 môn có được không,có ảnh hưởng gì đến kết quả không?

Giải tỏa băn khoăn này, một thành viên ban tư vấn chia sẻ: đối với việc xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi đủ 4 môn theo quy định và không thể bỏ, nếu bỏ môn nào đó sẽ không được xét tốt nghiệp THPT.

Đối với các môn xét tuyển ĐH, CĐ, nếu đăng ký nhưng không dự thi, các em sẽ không có kết quả môn đó, không bắt buộc phải dự thi như đối với các môn xét tốt nghiệp THPT. Tới tháng 3, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, học sinh cần cố gắng cân nhắc chọn môn thi phù hợp để tập trung ôn tập cho tốt chứ phân vân và chọn nhiều môn như vậy có thể kết quả các môn sẽ không tốt.

Chia sẻ thêm về vấn đề chọn môn thi thế nào cho hợp lý, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng việc được lựa chọn môn thi sẽ tạo thêm cơ hội cho thí sinh.

Cùng một ngành tuyển nhiều tổ hợp khác nhau, thí sinh yếu một môn nào đó có thể chọn thi môn mình có thế mạnh để tăng sức cạnh tranh. Như vậy, việc có nhiều lựa chọn môn thi giúp thí sinh có cơ hội chọn môn mình có thế mạnh nhất.

Tuy vậy, thí sinh nên cân nhắc, không nên chọn quá nhiều môn mà chỉ nên chọn số môn mình có thế mạnh để có thể tập trung ôn thi và đạt kết quả tốt nhất. Nếu chọn quá nhiều môn, kết quả sẽ bị phân tán và không có môn nào điểm tốt, giảm cơ hội trúng tuyển.

Phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Hoa Khá

TS Phạm Tấn Hạ -  trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - tư vấn trực tiếp cho học sinh - Ảnh: Hoa Khá

Bằng ĐH dược các trường có giá trị như nhau?

Một phụ huynh muốn cho con học ngành dược và băn khoăn hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này và liệu khi tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp có giá trị như nhau, có dễ xin việc hay không?

PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ: Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành dược, trong đó có nhiều trường mới mở ngành dược sau này.

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành dược chia ra làm nhiều chuyên ngành: dược y học cổ  truyền, dược kiểm nghiệm, bào chế dược…  Tuy nhiên văn bằng chung vẫn là dược sĩ.

Khi được phép mở ngành, các trường đã được thẩm định và bằng đều là dược sĩ. Điều quan trọng khi xin việc không chỉ đơn thuần là văn bằng mà là năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Văn bằng chỉ là điều kiện cần khi tuyển dụng.

 

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp