15/04/2023 08:28 GMT+7

Thi thay đổi, dạy và học phải đổi thay

Học sinh giỏi ở bậc phổ thông nhưng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không cao, vào trường đại học thì học "làng nhàng". Đó là những thực tế đặt ra bài toán phải đổi mới phương thức dạy và học ở nhà trường phổ thông.

Thi thay đổi, dạy và học phải đổi thay - Ảnh 1.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM vào sáng 26-3-2023 - Ảnh: D.PHAN

Theo phân tích kết quả điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 của Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội, mức điểm cao nhất 135/150 chỉ có 1 thí sinh. Mức 125 - 131 chỉ có 16 học sinh. 

Điểm trung bình của thí sinh dự thi là 79,3. Chỉ có 8% số thí sinh đạt 100 điểm trở lên và 1,6% số thí sinh đạt mức cao hơn 110.

Thay vì học thuộc lòng thì học sinh phải được tự tìm hiểu, và khi hiểu rõ cốt lõi rồi thì đâu cần phải học thuộc lòng nữa. Chính vì vậy trong kết cấu một môn học, chúng tôi dành khoảng 30% thời lượng cho các dự án học tập, 30% cho thực hành và ứng dụng kiến thức đó. Như vậy, chỉ có khoảng 40% là lý thuyết.

Bà Lê Tuệ Minh (chủ tịch hội đồng trường, hệ thống trường phổ thông liên cấp Edison)

Chật vật với "thước đo" mới

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết cuối tháng 4-2023 trung tâm mới có số liệu để đánh giá tổng quan kết quả thi năm nay. 

Nhưng kết quả của các đợt thi đã tổ chức không cao hơn năm trước, mặc dù lứa học sinh năm nay không bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 như lứa học sinh năm trước.

Điều đáng suy nghĩ là theo thống kê của Trung tâm khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội thì ở các năm trước, tốp thí sinh đạt điểm cao bài thi đánh giá năng lực lại không tập trung nhiều ở thành phố lớn, trừ học sinh trường chuyên. 

Trong khi đó, có những học sinh nông thôn lại đạt mức điểm trên 100.

Tương tự, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm nay chỉ có 0,17% số thí sinh đạt mức 1.000/1.200 điểm. Năm 2022, số thí sinh đạt mức điểm này cũng chỉ có 0,15%.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả học tập ở bậc THPT năm 2022, điểm trung bình các môn học trên cả nước đều đạt từ 7,27 điểm trở lên. 

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một trường THPT tốp đầu ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho thấy trong hơn 100 học sinh lớp 12 đã tham gia thi đánh giá năng lực năm nay, chỉ có hơn 10 em đạt mức 85 điểm trở lên, còn phần lớn học sinh chỉ đạt ở mức từ 40 - 80 điểm. 

Trong khi so sánh điểm tổng kết các môn toán, văn, các môn khoa học tự nhiên, xã hội của lứa học sinh này ở năm học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) cho thấy 90% học sinh đạt mức giỏi. 

Nhiều học sinh có điểm trung bình môn của tất cả các môn học trên 9,0 nhưng lại chỉ đạt 75 - 80 điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thi thay đổi, dạy và học phải đổi thay - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

"Chuẩn giỏi" khác nhau?

Cách ra đề thi đánh giá năng lực khác với thi tốt nghiệp và cũng khác với cách dạy học, kiểm tra đánh giá truyền thống. Đó là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng "học sinh giỏi thi đạt điểm trung bình". 

Học sinh ở các thành phố càng học thêm thì bài thi đánh giá năng lực lại càng vênh nhiều so với điểm học tập.

Ông Nguyễn Tiến Thảo cho rằng dù là chương trình phổ thông cũ hay mới thì học sinh cũng cần đạt được những năng lực về xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về hành văn, ngữ pháp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội... 

Bài thi đánh giá năng lực không chỉ đòi hỏi là phải nhớ kiến thức mà học sinh còn phải biết kiến thức đó để làm gì, được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. 

Qua kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ bộc lộ tất cả những gì đã tích lũy. Nhưng vì chưa làm quen với cách đánh giá mới nên nhiều học sinh đã không đạt được kết quả tốt như kết quả đánh giá ở trường.

Sự vênh nhau giữa học phổ thông và thi đánh giá năng lực còn có nguyên nhân là học sinh học lệch. 

Bài thi đánh giá năng lực yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức các môn học ở bậc phổ thông, trong khi học sinh chỉ chú trọng học các môn văn, toán mà lơ là kiến thức các môn khoa học tự nhiên, xã hội.

"Nhiều em đạt mức điểm đánh giá năng lực 60 - 70, trong đó chủ yếu điểm toán, văn cao, còn điểm phần khoa học thì rất thấp nên kéo tổng điểm xuống" - một giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhận xét.

Thước đo khác nhau thì kết quả khác nhau là đương nhiên. Nhưng rõ ràng từ việc này rất cần có các nghiên cứu thận trọng để từ kết quả các kỳ thi có thể soi chiếu lại cách dạy học và các tiêu chí đánh giá năng lực học sinh

"Chuẩn giỏi" phải là gì theo định hướng đánh giá năng lực người học vẫn là vấn đề chưa được nghiên cứu, bàn thảo thấu đáo. Vì thế mọi sự so sánh, bao gồm cả so sánh kết quả học tập THPT, chất lượng đầu vào đại học và chất lượng đào tạo sinh viên, đều chỉ phản ánh một góc hẹp mà chưa bao quát để có thể tạo nên động lực đủ mạnh tác động trở lại việc dạy học và đánh giá ở bậc phổ thông.

"Vênh" giữa học phổ thông và đại học

Tại tọa đàm về thành tích học tập bậc phổ thông dưới góc nhìn đổi mới tuyển sinh đại học do hệ thống trường phổ thông liên cấp Edison tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, phó viện trưởng Viện đào tạo báo chí và truyền thông - Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ ở học kỳ đầu tiên của sinh viên năm thứ nhất, nhiều em tỏ ra thất vọng vì trước từng đạt thành tích học tập cao, là học sinh đạt giải thưởng này giải thưởng kia, rồi được tuyển thẳng đại học, nhưng lại gặp khó khi học đại học.

Thực sự có sự vênh giữa kết quả học tập ở phổ thông và đại học. Và đằng sau đó là quan niệm về "giỏi" cũng thay đổi.

Người thầy nên hiểu bản thân khi sáng tạo phương pháp dạy họcNgười thầy nên hiểu bản thân khi sáng tạo phương pháp dạy học

Theo chuyên gia, việc áp dụng thêm một phương pháp dạy học mới chỉ như nhét thêm một món vào chiếc tủ lạnh đã chật chội, nếu người thầy không thấu hiểu chính mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp