Cán bộ chấm thi ở trường ĐHSG |
Sáng 19-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tiếp tục kiểm tra công tác chấm thi tại một số trường ĐH ở TP.HCM. Tại đây, ông Ga đặc biệt lưu ý các trường việc chấm thi với các môn tự luận, đề thi năm nay ra theo hướng mở nên đối với những thí sinh làm bài không theo cách giải của đáp án nhưng có cách giải hay, đúng kết vẫn được chấm cho điểm.
Đề thi phát huy sáng tạo của thí sinh
Theo đánh giá của các cán bộ chấm thi việc Bộ GD-ĐT cải tiến cách ra đề thi các môn thi tự luận theo hướng mở đã phát huy được khả năng sáng tạo của thí sinh. Nhiều thí sinh làm các câu hỏi mở này khá tốt. Cụ thể ở môn địa với câu đầu yêu cầu thí sinh “Trình bày vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng?” Các cán bộ chấm thi cho rằng câu hỏi này khá gần gũi và là vấn đề thời sự nên thí sinh không khó để kiếm điểm. Rất nhiều thí sinh trình bày khá sâu những nội dung theo yêu cầu của đề, trong đó cập nhật sự kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền VN.
Tương tự ở câu 2 có nội dung “Vì sao tình trạng thiếu việc làm ở VN hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt? Trình bày các hướng giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta”, các cán bộ chấm thi ở Trường ĐH Sài Gòn cho biết phần lớn thí sinh cũng làm khá tốt câu này. “Nhiều thí sinh đưa ra các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, công tác hướng nghiệp cho học sinh với lập luận chặt chẽ, đồng thời đưa ra số liệu khá thuyết phục. Điều này cho thấy các em đã biết cách vận dụng kiến thức của mình, kết hợp với hiểu biết về các vấn đề thời sự của cuộc sống để làm bài…”- cô Đỗ Thị Kim Chung cán bộ chấm thi của Trường ĐH Sài Gòn nhận xét. Tại Trường ĐH Sài Gòn phổ điểm môn địa tập trung mức 6-7 điểm.
Cũng theo cán bộ chấm thi của các trường đáp án các môn thi tự luận, nhất là các môn khoa học xã hội cũng theo hướng mở nên việc chấm thi dễ hơn mọi năm. Ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phổ điểm môn sử phần lớn tập trung mức 4-6 điểm, số bài đạt 7,8,9 không nhiều. “Đề thi không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng. Đáp án của bộ cũng theo hướng mở nên dễ chấm hơn nhưng cũng dẫn chênh lệch điểm giữa các lần chấm. Vì thế trước khi chấm thi chúng tôi dành một buổi để thảo luận thống nhất cách chấm”- PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết.
Theo TS Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn nhà trường bắt đầu chấm thi từ ngày 14-7. Hiện tại hai môn môn toán, văn chấm sắp xong, đang giai đoạn kiểm dò và thống nhất điểm. Dự kiến cuối tuần tới nhà trường sẽ công bố điểm thi. Các môn trắc nghiệm đã chấm xong ngày 18-7. Trong đó, môn hóa có một bài đạt 9,75 điểm Đối với môn tiếng Anh khối A1 đã có thí sinh đạt điểm 10 và khối D1 bài đạt điểm cao nhất 9,75. Trong khi đó ở môn lý điểm cao nhất là 7,75, có đến bảy bài thi đạt mức điểm này.
Rất hiếm bài thi bị điểm 0
Trường ĐH Sư phạm bắt đầu chấm từ ngày 17-7. Ngoài chấm thi cho trường, nhà trường còn chấm cho hai trường khác với tổng số bài thi bốn môn tự luận (toán, văn, sử, địa) lên đến hàng chục ngàn. Nhà trường huy động lực lượng cán bộ chấm thi khá lớn (môn toán 72 người, sử 52 người, địa 40 người và môn văn 52 người). Nhà trường cho biết dù khởi động chấm thi trễ hơn so với các trường khác nhưng trường dự kiến ngày 29-7 sẽ hoàn tất chấm thi và công bố điểm sau đó..
Theo kết quả chấm thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đến nay bài thi môn toán cao nhất là 9,5 điểm, môn văn cao nhất là 8 điểm, môn sử cao nhất là 9,25 điểm. Trong khi đó kết quả chấm của Trường ĐH Sài Gòn đến nay môn toán vẫn chưa có điểm tuyệt đối, chỉ có một bài đạt 9 điểm, môn địa điểm cao nhất là 9,5, môn văn có bài đạt 9 điểm và môn sử điểm bài thi cao nhất là 8,75.
Theo các trường, một tín hiệu vui là số bài các môn tự luận năm nay bị điểm 0 rất hiếm. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tính đến sáng 19-7 chỉ có hai bài thi bị điểm 0 (môn văn và toán). Trong buổi làm việc với nhà trường Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã yêu cầu được xem hai bài thi này. Ông Ga xem rất kỹ bài thi này rồi cho biết: “Không thể tưởng tượng nổi thí sinh này làm bài kiểu gì. Em này vẫn vẽ đồ thị, vẫn làm bài nhưng cách làm không giống ai cả”. Về bài thi môn văn bị điểm 0, thí sinh này chỉ chép lại đề thi hết mặt giấy đầu tiên chứ không làm bài. Đến nay tại Trường ĐH Sài Gòn cũng vẫn chưa phát hiện bài điểm 0 nào ở môn địa, chỉ có một bài đạt 0,25 điểm (các môn còn lại chưa có thống kê).
Theo TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đến nay trường đã chấm xong môn toán khối B, trong đó cao nhất là 9,5 điểm và nhiều điểm 9. Môn hóa bài đạt điểm cao nhất 9,75, môn sinh 9,5. “Nhìn chung phổ điểm (mức điểm trung bình) năm nay tập trung nhiều từ 4 - 7 điểm. Số bài thi các môn bị điểm 0 rất hiếm, ít hẵn so với mọi năm”- ông Lý cho biết. Với kết quả điểm thi như trên, dự kiến điểm chuẩn năm nay của trường không thấp hơn năm 2013 (điểm chuẩn từ 15 - 21,5 điểm). Cũng theo ông Lý, dự kiến đến ngày 20-7 trường sẽ hoàn tất chấm thi, tiến hành kiểm dò và sẽ công bố điểm cuối tuần tới.
Đã có hai điểm 10 môn địa ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cũng cho hay, đến nay trường đã hoàn tất khâu chấm thi và đang kiểm dò và ráp điểm. Theo đó, môn toán (khối A,A1) cao nhất 9 điểm (12 bài), từ 8-8,75 điểm (125 bài). Môn toán (khối D) cao nhất 9 điểm (bốn bài), từ 8-8,75 điểm (32 bài). Môn địa có hai bài đạt điểm 10, ba bài đạt 9,75 điểm, từ 9-9,5 điểm (46 bài). Môn sử một bài 9,25, sáu bài 9 điểm, từ 8-8,75 điểm (61 bài). Môn văn (khối C) cao nhất 8,5 điểm (hai bài), từ 8-8,25 điểm (10 bài). Môn văn (khối D) có một bài đạt điểm cao nhất đạt 8,5, từ 8-8,25 điểm (hai bài), từ 7-7,75 điểm (52 bài). Nhà trường dự kiến công bố điểm cuối tuần sau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận