26/02/2017 09:25 GMT+7

Tư vấn tuyển sinh: Học gì để... đỡ thất nghiệp?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Rất nhiều câu hỏi của thí sinh dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội bày tỏ băn khoăn liên quan tới việc đăng kí tổ hợp môn thi như thế nào để có thể xét tuyển vào ngành mình mong muốn

Các tiết mục sôi nổi của các bạn sinh viên mở màn ngày hội tư vấn - Ảnh: Nam Trần
Các tiết mục sôi nổi của các bạn sinh viên mở màn ngày hội tư vấn - Ảnh: Nam Trần

“Em cần nắm rõ hơn về các quy định mới trong kì thi năm nay, nhất là việc đăng kí dự thi sao để đảm bảo tận dụng các cơ hội xét tuyển ĐH”, em Ngô Thị Liên, học sinh ở Thường Tín, Hà Nội, chia sẻ mong muốn khi tới dự Ngày hội.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, đã dành 15 phút đầu tiên của phiên tư vấn buổi sáng để trao đổi ngắn gọn nhất về những điểm mới của kì thi, trong đó đặc biệt lưu ý những điểm quan trọng nhất mà thí sinh cần ghi nhớ đó là việc đăng kí môn thi, thời điểm thay đổi nguyện vọng, điều chỉnh thông tin theo các hình thức trực tiếp hoặc qua mạng (online), việc  kiểm tra mã đề thi khi làm bài thi tổ hợp sao cho các môn thi thành phần phải có cùng mã đề thi....

PGS.TS: Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ DG-ĐT - Ảnh: Nam Trần
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cụ khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ DG-ĐT cung cấp thông tin cho thí sinh - Ảnh: Nam Trần

“Năm nay được đăng kí nhiều nguyện vọng, có nên đăng kí quá nhiều không?”, trả lời một câu hỏi của thí sinh, TS Vũ Viết Bình (Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội) khuyên thí sinh không nên cố tận dụng tối đa nguyện vọng, mà cần có sự tìm hiểu kĩ, có đầy đủ thông tin và tập trung lựa chọn một hướng đi mà mình thấy chắc chắn nhất.

Rất nhiều câu hỏi tập trung vào những băn khoăn liên quan tới việc đăng kí tổ hợp môn thi như thế nào để có thể xét tuyển vào ngành mình mong muốn. Cùng một ngành đào tạo của một trường có được đăng kí nhiều tổ hợp môn thi không?

Một bạn học sinh đặt câu hỏi với các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Nam Trần
Một bạn học sinh đặt câu hỏi với các thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: Nam Trần

PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho rằng: “trường hợp thí sinh dự thi nhiều tổ hợp môn thi khác nhau và xét tuyển vào cùng một ngành thì em có thể sử dụng tổ hợp có điểm thi cao hơn để xet tuyển”.

đang diễn ra cả ngày tại Hà Nội, tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 

Mỗi trường có một gia vị khác nhau....

Khá nhiều thí sinh Hà Nội đã chọn được ngành mình mong muốn nhưng các em vẫn băn khoăn nên học ngành đó ở trường nào.

“Kế toán thì trường nào tốt nhất?”, các thầy cô trong nhóm kinh tế cho rằng đây là câu “khó trả lời nhất”.

PGS-TS Bùi Đức Triệu, trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng: “Mỗi trường có một gia vị khác nhau. Ví như ôtô của Mỹ và Đức đều tốt nhưng mỗi loại có những tiện ích, ưu việt và cũng có những nhược điểm khác nhau. Vì thế các em thí sinh cần theo dõi trang web của các trường trong khối ngành mình định chọn để tìm hiểu về cả mặt ưu, nhược điểm và cân nhắc”.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - Ảnh: Nam Trần
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT trả lời câu hỏi tại chương trình - Ảnh: Nam Trần

“Trường ĐH Kinh tế quốc dân trong những năm gần đây đứng đầu trong 25 ngành mà thí sinh lựa chọn. Thí sinh có thể đăng kí ngay từ năm đầu tiên và đăng kí học song ngành”, thầy Triệu thông tin thêm.

Nhiều câu hỏi về báo chí truyền thông

TS Vũ Thị Kim Hoa, phó trưởng Ban Đào tạo, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, đã phải rất vất vả vì có rất nhiều câu hỏi về ngành báo chí - truyền thông. Không chỉ hỏi về cơ hội việc làm, nhiều học sinh hỏi rất cụ thể về các ngành truyền thông thì có thể làm công việc gì, cần trang bị kiến thức kĩ năng cứng và mềm như thế nào, có cần năng khiếu mới trở thành nhà báo không? Nhiều câu hỏi nóng cho thấy đây đang là ngành được các bạn học sinh Hà Nội quan tâm.

TS Vũ Thị Kim Hoa khẳng định báo chí - truyền thông là một trong những ngành thú vị, đa dạng trong việc lựa chọn nghề tương lai. Tuy nhiên, TS Hoa cũng cho rằng để làm tốt công việc này, các bạn học sinh cần rèn luyện để có khả năng linh hoạt xử lý trong các tình huống, có sự hiểu biết rộng bên cạnh kiến thức chuyên ngành.

PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, phó trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Nam Trần
PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo, phó trưởng ban đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội trả lời câu hỏi của học sinh - Ảnh: Nam Trần

TS Hoa lưu ý cho thí sinh muốn trở thành nhà báo thì ngoài nhiệt huyết, bản lĩnh, còn cần có sức khỏe, trong đó nhiệt huyết, đam mê là tố chất rất quan trọng để các em thành công sau này.

Trái với ngành báo chí - truyền thông, khối ngành Kinh tế giảm nhiệt so với các năm trước. Tại khu vực tư vấn nhóm ngành này, nhiều học sinh khu vực nội thành cho biết “ sợ học kinh tế vì khó xin việc”. Cũng có học sinh cho biết “ bố mẹ vẫn thích kinh tế, nhưng em muốn tìm một ngành nào khác thú vị hơn”.

Người đặc biệt môi trường toàn nam giới

Em là nữ nhưng lại có mong muốn học ngành cơ khí. Tuy nhiên, bố mẹ em phản đối lựa chọn này của em. Thầy có thể cho em lời khuyên để em có lựa chọn phù hợp? Ở ngành đào tạo cơ khí của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ trước đến nay, có nữ theo học không?

Một bạn học sinh đặc câu hỏi - Ảnh: NAM TRẦN
Một bạn học sinh đặt câu hỏi - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS Trần Văn Tớp: Em có thích đặc biệt trong môi trường toàn nam giới không? Tất nhiên, sinh viên nữ học cơ khí không nhiều, nhưng em sẽ có lợi thế của một người đặc biệt trong môi trường có nhiều bạn trai hơn.  Song cũng bật mí cho em rằng giảng viên nữ ở Viện Cơ khí không nhỏ chút nào.

Tôi chỉ có lời khuyên dành cho em nếu đã đam mê thì nên quyết tâm theo đuổi đam mê ấy.

Nếu lựa chọn sai cánh cửa vào đời, ai cũng sẽ phải trả giá. Nên trước khi quyết định lựa chọn ngành nghề để học, các em phải tìm hiểu thật kỹ để khẳng định niềm đam mê ấy thực sự “cháy” mạnh mẽ trong bản thân mình.

Trước khi xác nhận nguyện vọng xét tuyển, em hãy tìm hiểu kỹ về ngành mà mình sẽ lựa chọn. Khi đã tìm hiểu kỹ, em sẽ có nhiều lợi thế trong thuyết phục bố mẹ.

Còn nếu đã thuyết phục mà vẫn chưa nhận được sự đồng ý của bố mẹ, thì em có thể liê hệ với tôi, tôi sẽ giúp.

Tại sao Trường ĐH Y Hà Nội không xét tuyển khối A?

Em thấy ngay cả ngành bác sĩ đa khoa Học viện Quân y cũng tuyển cả khối A (toán - lý - hóa) và khối B (toán - hóa - sinh). Vậy tại sao Trường ĐH Y Hà Nội lại giới hạn ước mơ với những học sinh giỏi khối A? Muốn học y nhưng lo không đỗ, em có lựa chọn nào khác không?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yến, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội, việc xác định tổ hợp xét tuyển toán - hóa - sinh là quy định đã có từ rất lâu trong tuyển sinh của trường. Điều này xuất phát từ ngành nghề đào tạo, môn học của trường liên quan nhiều đến ba môn học này.

PGS.TS Nguyễn Thị Yến, trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội - Ảnh: Nam Trần
PGS.TS Nguyễn Thị Yến, trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội - Ảnh: Nam Trần

Tại sao không chọn khối A? Vì khối B đã có 2/3 môn khối A. Với môn vật lý, dung lượng các môn học liên quan rất ít. Môn sinh gắn với các môn học của Trường ĐH Y HN hơn.

Nếu có niềm đam mê, thì bên cạnh môn lý, em nên học thêm môn sinh để thực hiện được ước mơ của mình.

Trường ĐH Y Hà Nội hiện có nhiều hệ đào tạo. Ngoài các ngành y, còn có các ngành cử nhân. Trong đó ngành y tế công cộng điểm thường thấp hơn hẳn so với các ngành đào tạo khác cùng trường.

Sau khi tốt nghiệp em có thể học liên thông lên ngành đào tạo bác sĩ để thực hiện ước mơ của.

Bằng đại học hay tay nghề cao?

Cơ quan nào tuyển dụng lao động cũng đòi hỏi có bằng đại học, vậy học nghề có xin được việc không?

TS Phạm Mạnh Hà tư vấn tâm lý và giải đáp thắc mắc cho học sinh - Ảnh: NAM TRẦN
TS Phạm Mạnh Hà tư vấn tâm lý và giải đáp thắc mắc cho học sinh - Ảnh: NAM TRẦN

Với câu hỏi này, ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề, Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: Thị trường lao động hiện nay đòi hỏi người đáp ứng ở các vị trí lao động chứ không chỉ nhìn vào các em có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Hiện nay ở rất nhiều trường đào tạo nghề, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao. Nhiều trường nghề cũng đổi mới chương trình để gắn với yêu cầu về nhân lực, cả về số và chất lượng), đặc biệt chú trọng đào tạo người học để có kĩ năng hành nghề tốt.

Có bằng đại học chưa chắc đã có việc nhưng có tay nghề tốt thì lại “đắt giá” nếu vị trí công việc cần người có kĩ năng thực hành thực tế,  đáp ứng được yêu cầu công việc cụ thể.

Học gì để... đỡ thất nghiệp?

“Em muốn học ngành kinh tế nhưng đọc thông tin trên báo chí thì thấy nhu cầu lao động ở nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là kế toán, đã bão hòa. Em muốn theo đuổi ước mơ nhưng cũng rất sợ học xong ĐH lại rơi vào cảnh thất nghiệp”, một thí sinh lo lắng hỏi.

Đại tá Vũ Xuân Tiến, trưởng Ban Thư ký, Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, trả lời những thắc mắc về tuyển sinh quân sự  - Ảnh: NAM TRẦN
Đại tá Vũ Xuân Tiến, trưởng Ban Thư ký, Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng, trả lời những thắc mắc về tuyển sinh quân sự - Ảnh: NAM TRẦN

PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng trong thời đại hội nhập thì cơ hội “học một ngành, nhưng làm nhiều nghề” sẽ nhiều, nếu người học biết cách tích lũy kiến thức, và bổ sung thêm nhiều kĩ năng mềm.

Theo PGS- TS Bùi Đức Triệu, có lẽ chỉ còn các trường ĐH Y khoa là không đào tạo kế toán - kiểm toán. Tuy nhiên, học sinh cần biết không phải cứ học kế toán kiểm toán ra làm kế toán, kiểm toán mà cơ hội việc làm rất rộng mở, nhưng đòi hỏi sự quyết tâm và sự kiên trì tích lũy của các em khi ngồi trên giảng đường.

Rất dễ để đưa ra bằng chứng khi cùng học ngành kế toán, nhưng có những người được các công ty lớn tuyển chọn, nhưng có người lại không được như vậy. Đó là do kết quả tích lũy của sinh viên, chứ không phải do ngành đào tạo quyết định.

Và thất nghiệp hay có nghề nghiệp tốt, lệ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của người học.

“Nếu em thực sự đam mê thì hãy tìm hiểu kỹ thông tin đồng thời lắng nghe chính bản thân mình để có lựa chọn đúng đắn”, thầy Triệu gợi ý.

Thích sáng tạo thì học nghề gì?

Câu hỏi này của một học  sinh tại Khu tư vấn nhóm ngành Kĩ thuật, Công nghệ, Y dược  gây hứng thú cho nhiều thầy, cô trong ban tư vấn.

PGS-TS Nguyễn Việt Hà, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG HN, cho rằng các trường ĐH đều hướng đến việc đào tạo cho sinh viên khả năng sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau. Cả những ngành tưởng như khô khan như trong khối ngành kĩ thuật - công nghệ thì cũng cần có óc sáng tạo mới tìm tòi, khám phá và tạo được những sản phẩm công nghệ mới.

Ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, bày tỏ: Các em đừng nghĩ “sáng tạo” là điều gì to tát mà chỉ ở các trường đại học lớn mới có thể giúp các em thỏa mãn. Ở nhiều trường đào tạo nghề, người học cũng cần tích lũy kiến thức, kĩ năng để sáng tạo.

Ví dụ thay đổi một khâu nào đó trong quy trình công nghệ như mẫu mã, kiểu dáng, tính năng hay sự thân thiện, tiện ích trong sử dụng một sản phẩm nào đó cũng là sáng tạo.

“Bắt đầu từ cái nhỏ nhất, để sản phẩm được thị trường chấp nhận tốt hơn, cũng là những sáng tạo mà hành trình hướng tới nó cũng đầy thú vị”, ông Giang chia sẻ.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp