Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: XUÂN TIẾN
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - đào tạo, các trường chủ động giải quyết cho các trường hợp này. Nhưng hiện nhiều thí sinh lúng túng, không biết phải làm sao.
Nhiều thí sinh đậu thành rớt chưa được xem xét
Theo các thí sinh, do năm đầu đăng ký bằng phương thức trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo có nhiều bỡ ngỡ nên nhầm lẫn, không nắm rõ quy định đăng ký xét tuyển hoặc sai sót khi thực hiện quy trình trong đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Hầu hết những thí sinh này sau khi phản ảnh, cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được xem xét nên rất lo lắng.
Thí sinh B.N. (An Giang) cho biết: "Tôi đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Văn hóa TP.HCM với bốn nguyện vọng bằng cả điểm học bạ lẫn điểm thi tốt nghiệp THPT. Tôi đặt nguyện vọng 1 xét học bạ vào chuyên ngành truyền thông văn hóa. Điểm chuẩn ngành này 25,5 điểm trong khi tôi 27,35 điểm.
Nhưng sau khi có kết quả, tôi lên hệ thống tra cứu thì thấy đậu nguyện vọng 4 xét điểm thi tốt nghiệp THPT, không phải ngành tôi yêu thích nhất. Do vậy, tôi mong muốn được xem xét lại kết quả xét tuyển".
Thí sinh T.Q.T. (Vĩnh Long) nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và nhận được tin nhắn "đủ điều kiện trúng tuyển ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên" tại trường. Nhưng nay kiểm tra thông tin lại trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục - đào tạo lại không thấy tên.
"Do điểm thi tốt nghiệp THPT của tôi không cao và đã trúng tuyển sớm bằng học bạ nên tôi chỉ đăng ký lại duy nhất một nguyện vọng trên hệ thống. Nhưng giờ đăng nhập hệ thống kiểm tra lại thì không thấy thông tin gì. Vừa qua, tôi có liên hệ với nhà trường để xin xem xét nhưng chưa được giải quyết, không biết tôi còn cơ hội không" - Q.T. buồn bã nói.
Mới đây, đã có thêm thí sinh thí sinh M.H.N. (Thái Nguyên) gửi "đơn kêu cứu khẩn cấp" tới bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo vì đậu thành rớt. Tháng 7-2022, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải theo phương thức học bạ kết hợp điểm thi THPT và đã nhận tin báo từ trường là "đủ điều kiện trúng tuyển" vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô.
Thí sinh N. thừa nhận do năm đầu đăng ký xét tuyển trực tuyến nên nhiều bỡ ngỡ, không nắm rõ các quy định.
"Cứ nghĩ là mình đã trúng tuyển bên kia là yên tâm rồi. Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của bộ, tôi đăng ký vào ngành khác với ba nguyện vọng nhưng không đăng ký lại nguyện vọng đã trúng tuyển sớm. Tại lúc đấy tôi nghĩ hai phương thức khác nhau. Tôi cứ nghĩ đã đăng ký bên trường thì trường sẽ gửi về bộ nên tôi không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển nữa.
Sau này tôi gọi hỏi trường mới biết đăng ký như vậy không hợp lệ, vì bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng lại trên bộ. Tôi đã gửi đơn đến trường theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - đào tạo nhưng không biết trường hợp đăng ký sai sót của mình có được xem xét giải quyết hay không" - N. lo lắng.
Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh
Bộ Giáo dục - đào tạo đã yêu cầu khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại sai sót về thông tin (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, điểm xét tuyển, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển...) thì các trường đại học chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các trường có liên quan để giải quyết theo quy định bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, các trường có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.
Các trường phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết phản ánh, khiếu nại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro đã được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Cần liên hệ trực tiếp trường đại học
Thí sinh M.H.N. cho hay sau khi gửi đơn đến lãnh đạo Bộ Giáo dục - đào tạo, đại diện Vụ Giáo dục đại học đã phản hồi ngay và đã hướng dẫn cho thí sinh. Theo đó, vụ cho biết quy chế đã quy định rõ thí sinh cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ thì nguyện vọng đó mới được coi là hợp lệ.
Bộ Giáo dục - đào tạo đã hướng dẫn các trường về việc nếu thí sinh đã đăng ký nguyện vọng vào ngành đã trúng tuyển sớm đó trên hệ thống mà có nhầm về phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển thì mới xem xét đưa vào lọc ảo xét tuyển.
Trường hợp của thí sinh này là chưa đăng ký trên hệ thống, do vậy không có cơ sở để xét tuyển. Tuy nhiên, quy chế cũng quy định các trường cần hướng dẫn thí sinh sau khi trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký trên hệ thống của bộ mới là hợp lệ, nếu trường chưa hướng dẫn thì trường làm chưa đủ quy trình, do đó trường cần có phương án giải quyết rủi ro xảy ra này.
Đại diện Vụ Giáo dục đại học khuyên thí sinh này: "Em nên làm đơn gửi trực tiếp tới trường để được xem xét (em cũng nên làm rõ sai sót này là do em không nắm vững hướng dẫn trong khi các bạn khác vẫn làm được, hay là do trường không hướng dẫn). Bộ Giáo dục - đào tạo cũng đã hướng dẫn các trường chủ động giải quyết khiếu nại, sai sót".
Một số trường đã chủ động lọc danh sách thí sinh bị sai thông tin để linh hoạt giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Như Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có gần 300 trường hợp bị lệch thông tin mã ngành đăng ký trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục - đào tạo và của trường.
"Vừa qua, chúng tôi đã chủ động liên lạc từng thí sinh để xác nhận chính xác nguyện vọng và gửi danh sách chính xác lên cổng thông tin của Bộ Giáo dục - đào tạo. Nhà trường đang tiếp tục tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của thí sinh liên quan đến sai sót trong đăng ký xét tuyển để xem xét xử lý" - ông Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - cũng cho hay: "Nhà trường đã ghi nhận một số trường hợp thí sinh phản ảnh đậu thành rớt, nhưng qua kiểm tra thì do các em thao tác sai về mặt kỹ thuật. Những trường hợp này cần gửi lại thông tin rõ ràng tới nhà trường để chúng tôi kiểm tra, rà soát lại và xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi thí sinh".
Học viện Ngân hàng phát hiện nhiều thí sinh rớt hoặc đậu vào các nguyện vọng có thứ tự ưu tiên thấp hơn nguyện vọng đăng ký vào học viện ở phương thức xét tuyển sớm. Học viện đã thông báo tiếp nhận đơn kiến nghị điều chỉnh nguyện vọng và xem xét công nhận trúng tuyển của thí sinh đến 17h ngày 30-9.
Thí sinh cần chủ động
Theo các chuyên gia, những thí sinh có sai sót trong quá trình đăng ký xét tuyển cần sớm chủ động liên hệ với các trường đại học bằng cách gửi email đến bộ phận tuyển sinh, đồng thời gọi đường dây nóng hoặc gửi đơn trực tiếp tại trường để được xem xét.
Giao lưu trực tuyến: Cơ hội vào đại học bằng nguyện vọng bổ sung
Sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, nhiều trường đại học đã thông báo xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển nguyện vọng 1, hoặc đã trúng tuyển nhưng không phải ngành và trường mong muốn thì có thể tiếp tục xét tuyển để có thể theo học đại học ngành mình mong muốn.
Đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung có phải đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ Giáo dục - đào tạo như xét tuyển đợt 1 không hay đăng ký trực tiếp cho trường? Trường, ngành nào còn xét tuyển bổ sung, chỉ tiêu và thời gian xét tuyển thế nào? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến "Cơ hội vào đại học bằng nguyện vọng bổ sung", do báo Tuổi Trẻ tổ chức từ 9h đến 11h30 ngày 27-9.
Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; ThS La Vũ Thùy Linh - phụ trách phòng đại học Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Buổi giao lưu trực tuyến cũng sẽ có sự tham gia của một số trường đại học khác có xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Ngay từ bây giờ, mời quý phụ huynh và thí sinh đặt câu hỏi cho các vị khách mời tại tuoitre.vn. (MINH GIẢNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận