06/07/2015 11:10 GMT+7

Thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký xét tuyển

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Năm 2015 - năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia “hai trong một” được tổ chức. Kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên này là gì?

Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn tất thi môn sử tại điểm thi Trường THPT Gia Định thuộc cụm thi ĐHQG TP.HCMẢnh: NHƯ HÙNG
Niềm vui của thí sinh sau khi hoàn tất thi môn sử tại điểm thi Trường THPT Gia Định thuộc cụm thi ĐHQG TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

 Đâu là mặt được cần phát huy, đâu là mặt chưa được cần khắc phục trong những lần tổ chức thi THPT quốc gia sắp tới?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA chia sẻ:

- Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích nên chắc chắn chúng ta có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm để tổ chức những năm sau tốt hơn. Ban chỉ đạo kỳ thi của Bộ GD-ĐT sẽ họp bàn cùng với các trường, các sở GD-ĐT và các địa phương để xác định những mặt tốt sẽ phát huy và những mặt hạn chế cần được khắc phục.

Trong quá trình xét tuyển, nếu thấy khả năng trúng tuyển không cao thì các em có thể rút hồ sơ sang nộp trường khác hoặc thay đổi thứ tự các nguyện vọng để khả năng trúng tuyển cao hơn.

Thí sinh cần lưu ý sau đợt 1, các em còn ba giấy báo kết quả thi có thể sử dụng đồng thời. Do đó các đợt này số thí sinh ảo sẽ cao, khả năng trúng tuyển của các em vào ngành hay trường yêu thích sẽ thấp

Thứ trưởng BÙI VĂN GA

* Nhiều thầy cô giáo và thí sinh lại cho rằng đề thi phân hóa theo kết cấu 60 - 70% câu hỏi rất dễ và 30% câu hỏi rất khó, chỉ phân loại được học sinh trung bình, khá với học sinh giỏi mà không phân loại được học sinh khá với học sinh trung bình - vốn là phân khúc để thuận lợi cho xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy nhiều người cho rằng đề thi “hai trong một” năm nay chỉ “giúp” thí sinh dễ đạt tốt nghiệp THPT mà gây khó khăn cho xét tuyển ĐH, CĐ?

- Cần thấy rõ rằng đề thi đã được thiết kế đúng yêu cầu đảm bảo hai mục đích như đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố và có điều chỉnh cần thiết sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của đông đảo thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh.

Khoảng 60% thuộc kiến thức cơ bản nhưng không phải tất cả các câu hỏi này đều dễ. Khoảng 40% còn lại thuộc kiến thức nâng cao nhưng không phải tất cả đều khó. Điều này có nghĩa là đề thi có những câu dễ, câu vừa phải, câu khó và câu rất khó. Thí sinh có kiến thức và năng lực đến đâu làm đến đó. Do đó có phần giao thoa giữa những câu trung bình và khó giúp phân hóa được thí sinh trung bình và khá.

Mặt khác, bộ sẽ công bố thang điểm và đáp án chi tiết để hướng dẫn các cụm thi chấm bài thống nhất chung trong cả nước, nên các trường không nên quá lo lắng về phân khúc điểm thi gây khó cho xét tuyển ĐH, CĐ.

* Theo kế hoạch, từ ngày 1-8 các trường ĐH, CĐ bắt đầu xét tuyển. Tuy nhiên, không giống như mọi năm xét tuyển ĐH chỉ theo khối A, A1, B, C, D, năm nay các trường lập nhiều tổ hợp xét tuyển mới, vậy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có xây dựng cho tất cả các loại tổ hợp hay không? Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào, thưa thứ trưởng?

- Sau khi có kết quả thi, hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ họp để tư vấn cho bộ trưởng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Đó là giới hạn tối thiểu mà thí sinh có thể học được ĐH hay CĐ. Ngưỡng này được xác định dựa vào phân tích phổ điểm kết quả thi của từng môn đối với thí sinh trong cả nước. Hội đồng sẽ họp, thảo luận và quyết định nguyên tắc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp.

* Năm nay, sau khi có kết quả thi thí sinh mới đăng ký xét tuyển. Nhiều thí sinh vẫn băn khoăn về phương thức tuyển sinh này. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về phương thức xét tuyển mới và lời khuyên cho thí sinh sao cho các em có khả năng trúng tuyển cao nhất ở đợt 1 với ngành, trường phù hợp mức điểm đã đạt được?

- Năm nay thí sinh có kết quả thi rồi mới đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nên tránh được nhiều rủi ro khi điểm thi cao mà vẫn rớt như kỳ thi "ba chung” trước đây. Tuy nhiên, để có thể trúng tuyển vào ngành, trường mà các em yêu thích thì các em phải nắm vững quy chế xét tuyển, trong đó xét tuyển đợt 1 rất quan trọng. Kinh nghiệm kỳ thi “ba chung” trước đây thì đợt 1 các trường có thể tuyển đến 70% chỉ tiêu.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay thì đợt 1 thí sinh chỉ nộp đơn xét tuyển vào 1 trường với 4 nguyện vọng. Đối với thí sinh thì các nguyện vọng này theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Còn đối với các trường, khi xét tuyển thì tất cả nguyện vọng này có giá trị như nhau. Một khi các em đã trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Do đó khi đăng ký xét tuyển thí sinh phải cân nhắc cẩn thận thứ tự ưu tiên các nguyện vọng trong đợt 1.

Sẽ đưa quy định ký trên giấy thi của giám thị vào quy chế?

Lỗi ký nhầm vị trí của giám thị năm nào cũng xảy ra ít nhiều ở các điểm thi. Chính vì vậy bộ thường xuyên nhắc các hội đồng thi lưu ý cán bộ coi thi phải ký đúng vị trí. Trường hợp giám thị lỡ ký nhầm thì chỉ cần báo cho điểm trưởng để lưu ý khi chấm, không được yêu cầu thí sinh chép bài đã làm của mình vào tờ giấy mới để đảm bảo thời gian làm bài cho các em. Những bài thi bị giám thị ký nhầm này (xem như bài thi bị đánh dấu ngoài ý muốn), các hội đồng thi sẽ đưa ra chấm tập thể, không có gì quan trọng.

Sự cố xảy ra ở cụm thi Trường đại học Đà Lạt năm nay cũng tương tự sự cố đã xảy ra ở hội đồng thi Trường Sĩ quan thông tin Nha Trang năm 2011. Khi đó thí sinh một phòng thi bị giám thị ký nhầm cũng phải thi lại bằng đề thi dự bị. Thao tác giám thị ký vào giấy thi của thí sinh rất đơn giản, tưởng chừng không khi nào xảy ra sai sót nhưng lại gây sự cố lặp lại nhiều lần. Có lẽ đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm để bổ sung vào quy chế thi chính thức cho những năm sau.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp