Phụ huynh trèo lên tường ném tài liệu cho con cái tại một ngôi trường ở bang Bihar hồi năm 2015. Khoảng 300 người, chủ yếu là cha mẹ của các học sinh khối lớp 10, đã bị bắt giữ sau đó - Ảnh: AFP
Chỉ vài phút sau khi bài thi toán cuối cấp tại trường cấp 3 ở thành phố Delhi bắt đầu, Raghav liền xin giám thị đi vệ sinh. Đứng trong phòng vệ sinh, cậu bắt đầu mở ảnh chụp bài thi mà cậu đã lén chụp, và nhắn câu hỏi cho một số điện thoại đã được cung cấp mấy ngày trước đó. Chỉ vài phút sau, đáp án xuất hiện trên màn hình điện thoại một cách kỳ diệu.
"Đó không phải là !" - bà Sunita, mẹ của Raghav, một mực khẳng định. Không rõ ngọn ngành thế nào, nhưng bà Sunita đã trả 16.000 rupee (245 USD) để lấy được số điện thoại "thần kỳ" trên cho con trai mình. "Đó chỉ là một cách thoát thân" - bà Sunita tiếp tục biện hộ.
Đặc trưng, có tổ chức và công phu!
Mùa thi hàng năm của Ấn Độ diễn ra hồi tháng trước đã thu hút sự quan tâm đáng kể khi hàng chục triệu học sinh vật vã với những bài thi căng não để đủ điểm giành được những chiếc vé hiếm hoi bước vào các trường đại học của Ấn Độ.
Và gắn bó với những mùa thi như thế này là một mạng lưới "mafia ". Đối tượng mà họ nhắm tới là những học sinh và phụ huynh đang nhọc nhằn với kỳ thi đại học. Cuộc canh tranh ở quốc gia Nam Á này đang rất khốc liệt khi mỗi năm ước tính 17 triệu người đi tìm việc nhưng chỉ có 5,5 triệu công việc chờ đón họ.
Tuần trước, đề thi của hai môn thi tuyển sinh cấp II ở Ấn Độ bị phát hiện đã được tiết lộ trên ứng dụng WhatsApp khoảng 90 phút trước khi giờ thi bắt đầu. Hơn 2,8 triệu học sinh ở thành phố Delhi và các khu vực lân cận buộc phải thi lại vào tháng 4 này.
"Đó là một sự tra tấn về tinh thần. Cháu đã dành cả ngày cuối cùng để học và thậm chí thức rất sớm để chuẩn bị" - Kirath Kaul, một học sinh 15 tuổi ở Delhi buộc phải thi lại môn toán trong tháng này, nêu cảm nhận.
Gian lận trong thi cử ở Ấn Độ là một vấn đề đặc trưng, có tổ chức và công phu, báo Guardian của Anh ngày 3-4 nhận định.
Tại Bihar, một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ, hồi tháng 2 vừa qua hơn 1.000 học sinh đã bị cấm thi vì gian lận.
Năm ngoái, học sinh có điểm thi tốt nghiệp lớp 12 cao nhất của bang này hóa ra là một người đàn ông 42 tuổi. Trong khi đó, học sinh có điểm tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất ở bang này hồi năm 2016 đã bị tước kết quả sau khi bị phát hiện gian lận. Trong một cuộc phòng vấn, học sinh này cho biết cô tin rằng khoa học xã học là môn "nghiên cứu về nấu ăn".
Hồi năm 2015, từ khóa "Bihar" đã xuất hiện rầm rộ trên các mặt báo tại Ấn Độ khi video quay lại cho thấy cảnh phụ huynh trèo lên một tòa nhà cao 5 tầng để "ném phao" cho con mình. Năm nay, để tránh tình trạng này xảy ra, bang Bihar đã cho lắp các camera giám sát trong phòng thi và quanh sân các trường.
Các tiệm bán sách ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal vào cao điểm mùa thi hàng năm của Ấn Độ - Ảnh: GUARDIAN
"Vỏ tốt, ruột hư"
Bà Sunita đã liên hệ với "mafia gian lận" thông qua trung tâm luyện thi mà cậu con trai của bà đã theo học trước kỳ thi cuối kỳ hồi năm ngoái.
"Giáo viên nói rằng ‘con trai của bà quá yếu’. Nó không thích học hành và tôi không muốn nó phải lưu ban" - bà Sunita nhớ lại.
Gia sư dạy Raghav đã yêu cầu cậu kết nối với một "người ẩn danh" để gửi câu hỏi và nhận đáp án trong các bài thi môn toán và môn kinh tế. Bà Sunita đã hùn tiền cùng 4 hay 5 gia đình khác để đăng ký "dịch vụ" này .
"Nó hoàn toàn phổ biến và ăn nên làm ra. Nhóm chúng tôi đã trả người đàn ông đó 60.000 rupee" - bà Sunita kể chi tiết. Và khi kỳ thi kết thúc, chẳng ai biết mặt ai.
Với sự giúp đỡ của "đường dây nóng", cậu học sinh Raghav đã yên ổn vượt qua các môn thi. Hiện cậu đang tham gia một lớp học chụp ảnh. Trong khi đó, cậu học sinh 15 tuổi Kaul lại đang "vắt óc" để chuẩn bị cho bài thi toán vào ngày 25-4 tới.
"Nhưng cháu lo là những bạn gian lận sẽ đạt kết quả cao hơn cháu. Cháu học rất chăm chỉ…nhưng mọi người chỉ nhìn vào kết quả mà thôi!" - Kaul bày tỏ.
Bà Yamini Aiyar, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu chính sách (CPR) tại Ấn Độ, đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy một hệ thống giáo dục bị "ốm yếu".
Bà cho rằng tình trạng gian lận trở thành "trào lưu" tại Ấn Độ là do áp lực thi cử để có được một tấm bằng đại học và do một hệ thống giáo dục mà chỉ rót tiền vào xây dựng cơ sở vật chất mới trong khi không quan tâm "cái ruột" như thế nào.
"Nghiên cứu cho thấy trung bình khoảng một nửa số học sinh học tới lớp 5 nhưng chỉ có thể đọc một bài học của lớp 2" - bà Aiyar chỉ ra điểm yếu.
Vị chuyên gia cho biết việc chạy theo số lượng thay vì chất lượng đã khiến tình trạng gian lận trong thi cử ở Ấn Độ trở nên nan giải. Theo bà, nhiều trường học đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên chỉ dựa trên số lượng học sinh đậu trong các kỳ thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận