04/05/2017 01:14 GMT+7

Thi sĩ đảo chìm

MAI THẮNG
MAI THẮNG

TTO - Nhiều người lính đảo Đá Tây A, quần đảo Trường Sa biết làm thơ - những bài thơ vừa khắc họa cuộc sống ở biển đảo vừa vơi bớt nỗi nhớ đất liền.

Cuốn Thơ lính Trường Sa của thiếu tá Phan Khắc Hành - Ảnh: M.Thắng
Cuốn Thơ lính Trường Sa của thiếu tá Phan Khắc Hành - Ảnh: M.Thắng

Một trong nhiều chiến sĩ đa tài ấy phải kể đến thiếu tá Phan Khắc Hành - nhân viên cơ yếu ở đảo Đá Tây A. Với hơn 100 bài thơ sáng tác về cuộc sống đời thường, nhiệm vụ huấn luyện, canh biển, giữ đảo, tình yêu Tổ quốc, anh được mệnh danh là “thi sĩ đảo chìm”.

Một ngày làm việc của thiếu tá Hành bắt đầu bằng những bức điện mật mã báo cáo tình hình thời tiết, nhiệm vụ về đất liền, sau đó là huấn luyện chiến đấu, học tập và rèn luyện kỷ luật.

Cũng như những người lính đảo Đá Tây A khác, Hành “lăn, lê, bò, trường” trên triền đảo rát bỏng, hoặc huấn luyện ngắm bắn mục tiêu. Đây chính là chất liệu sinh động để Hành cho “ra lò” những chùm thơ mặn mòi sóng biển.

“Các động tác lăn, lê, bò, trườn, đi đều, canh gác đều được hình tượng hóa bằng thơ. Ở ngoài đảo nhớ đất liền, thời tiết luôn khắc nghiệt, thiếu thốn nhiều thứ. Những bài thơ mình làm không nói hết nhưng phần nào khắc họa được chân dung lính đảo chìm. Thơ giúp mình yêu đời, thi vị hơn; vơi bớt nỗi nhớ đất liền và luôn cảm giác yêu nghề, yêu biển, đảo của Tổ quốc” - anh Hành nói

Thiếu tá Hành cho biết thêm anh thường làm thơ vào ban đêm, cũng có khi ứng khẩu đột xuất ngay trong lúc huấn luyện, nên lúc nào trong túi áo anh cũng có cuốn sổ nhỏ và cây bút. Có bữa cả đảo huấn luyện điều lệnh, sau 15 phút giải lao giữa giờ Hành đã “ứng khẩu thành thơ” bài lục bát Nhịp bước đảo chìm, có đoạn:

“Giữa đảo Đá Tây nắng chang chang

Bước chân người lính giậm vang khắp nhà

Chúng tôi lính đảo Trường Sa

Ngày đêm canh giữ đảo xa chủ quyền

Ngoài đảo nắng gió triền miên

Gian lao vất vả nỗi niềm nên thơ”.

Anh Hành chia sẻ: “Những vần thơ con cóc giúp mình vơi nỗi nhớ nhà, quên đi mệt nhọc. Có bữa nhớ con gái quá, mình đem ảnh ra nhìn mà ứa nước mắt. Thực sự ở đảo mới thấy nhớ đất liền ghê gớm, nhất là mỗi đợt sóng to gió bão hoặc tết đến xuân về.

Cầm cuốn sổ bìa màu xanh, anh Hành khoe: “Tất cả thơ mình viết trong cuốn sổ này. Khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm, mình mang ra đọc cho họ nghe. Đi đảo nào mình cũng làm thơ riêng về đảo đó. Nhiều chiến sĩ trẻ cũng bắt chước. Trong này có hơn 100 bài thơ các loại đấy”.

Tôi lật cuốn sổ thơ. Trang đầu có phần nhật ký đề ngày 5-3-2014.

Nhật ký ghi: “Hôm xách balô ra đi, con gái níu áo bảo: Bố đi bao giờ về? Lúc đó tôi nghẹn lại. Ngồi xuống bế con lần nữa mà không cầm lòng được. Vợ tôi dỗ con, nói: Con ngoan. Để bố đi nào. Tết bố về với con nhé. Con gái bíu vào vai áo tôi rồi thả ra cho vợ bế. Vợ tôi không dám nhìn tôi. Mắt vợ đỏ hoe nhìn thương quá. Dẫu đã nhiều lần chia tay sao lần này thấy thương con quá! Nhưng nhiệm vụ Tổ quốc giao, Trường Sa vẫy gọi, đồng đội đang chờ, mình phải đi. Đây là niềm tự hào”.

“Ngoài đảo nhớ đất liền lắm, ngoài công việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, mình làm thơ cho vơi bớt nhọc nhằn. Có đêm mình thức trắng. Trong căn phòng của đảo chật hẹp, lấy ảnh cưới ra nhìn. Biết chẳng để làm gì nhưng ít nhất cũng vơi nhớ nhà. Những đêm như thế mình thường làm thơ. Mỗi bài thơ là một niềm riêng, một câu chuyện kể, song tựu trung lại đều mang hơi thở tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc và niềm tự hào kiêu hãnh được cống hiến sức cho Trường Sa. Không có điều kiện đánh máy, các bài thơ mình viết vào sách, đóng lại, anh em trong đảo chuyền tay nhau đọc” - anh Hành tâm sự.

MAI THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp