Các chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Việt kiều cũng chỉ cần xin địa phương cấp phép. Trong ảnh: ca sĩ Khánh Ly và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong live concert Người về bỗng nhớ - Ảnh: BTC
Lý tưởng nhất là cần loại bỏ hoàn toàn việc cấp phép tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhà quản lý chỉ cần đưa ra danh sách rõ ràng những điều không được làm, bài hát không được biểu diễn.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng
Rất nhiều điểm mới trong dự thảo nghị định quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật được Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa tổ chức lấy ý kiến nghệ sĩ, nhà quản lý tại Hà Nội cho thấy sự cầu thị của cục trong quản lý biểu diễn nghệ thuật sau nhiều góp ý trước đây, nhưng một số điểm có lẽ vẫn cần phải được bàn bạc thêm.
Phân quyền mạnh cho địa phương
Một trong những điểm đáng quan tâm của dự thảo nghị định là tăng phân quyền về cho địa phương.
Theo đó, các chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ tổ chức ở đâu thì xin giấy phép (trong dự thảo được thay bằng từ "văn bản chấp thuận") ở đó, gồm cả các chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Việt kiều đang cần xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Một chương trình biểu diễn khi được diễn ở các tỉnh thành khác nhau sẽ phải xin phép địa phương đó, nên có khả năng tỉnh này cấp phép nhưng tỉnh khác lại từ chối.
Ông Nguyễn Quang Vinh giải thích quy định "diễn ở đâu xin phép ở đó sẽ giúp tránh tình trạng địa phương phải bắt buộc tiếp nhận thứ không hợp với địa phương". Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng không đồng tình với quan điểm này.
Ông cho rằng lý tưởng nhất là cần loại bỏ hoàn toàn việc cấp phép tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhà quản lý chỉ cần đưa ra danh sách rõ ràng những điều không được làm, bài hát không được biểu diễn.
Không chỉ thêm quyền cấp phép, địa phương và thậm chí là chủ địa điểm biểu diễn sẽ có quyền xem xét ra quyết định hủy một chương trình biểu diễn, đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê địa điểm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Quang Vinh nói quy định này sẽ giúp địa phương có thể xử lý nhanh với những trường hợp vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng lại phản biện cách này là "chọn cái dễ cho nhà quản lý và đẩy cái khó cho doanh nghiệp".
Lê Âu Ngân Anh tham gia một cuộc thi Người đẹp quốc tế và đã bị yêu cầu xử phạt sau đó
Thêm "giấy phép con"
Đáng chú ý, dự thảo lần này lại có quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu.
Ngoài giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, doanh nghiệp tổ chức thi người đẹp, người mẫu được xếp vào loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần phải có thêm giấy chứng nhận của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Và một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận này đó là người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn nghệ thuật của doanh nghiệp phải có bằng trung cấp ngành Nghệ thuật biểu diễn trở lên; còn doanh nghiệp tổ chức thi người đẹp, người mẫu thì người đại diện hợp pháp trực tiếp điều hành tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu phải tốt nghiệp đại học ngành Nghệ thuật biểu diễn.
Đại diện tiếng nói của đơn vị quản lý địa phương, ông Nguyễn Văn Trực, trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa, thể thao Hà Nội, rất đồng tình với việc thêm giấy phép nói trên bởi nếu doanh nghiệp vi phạm thì cơ quan quản lý có thể thu hồi giấy này.
Còn như hiện nay Hà Nội từng có đơn vị khi tổ chức biểu diễn để xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện từ phía doanh nghiệp lại không đồng tình. Ông Nguyễn Quốc Tính - giám đốc Công ty truyền thông CSC (Hà Nội) - cho rằng những quy định này là thêm rào cản với doanh nghiệp.
Ông Tính cho biết ở công ty ông điều hành tổng thể, bao gồm cả các hoạt động Nghệ thuật biểu diễn, bản thân ông không có bằng cấp liên quan tới ngành Nghệ thuật biểu diễn nhưng đã có hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Minh Đức - phó trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - cũng cho rằng những quy định này với doanh nghiệp trong dự thảo mới "đi ngược lại chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ".
Ông Đức phân tích theo nghị định 79, doanh nghiệp chỉ phải xin giấy phép biểu diễn nghệ thuật cho từng chương trình. Với dự thảo mới, doanh nghiệp muốn kinh doanh phải làm 2 thủ tục hành chính.
Các cuộc thi hoa hậu từ nay không phải là điều kiện tiên quyết để thí sinh có thể đi thi Người đẹp - Hoa hậu quốc tế nữa?
Rộng đường cho người đẹp thi quốc tế
Trong khi siết chặt hơn với các doanh nghiệp kinh doanh biểu diễn nghệ thuật và doanh nghiệp tổ chức thi người đẹp, người mẫu, bản dự thảo nới rộng đường hơn cho các người đẹp đi thi nhan sắc quốc tế khi chỉ cần là công dân Việt Nam có đủ năng lực hành vi dân sự, không vi phạm pháp luật... và có thư mời của ban tổ chức cuộc thi quốc tế, chứ không cần phải đạt danh hiệu nào ở trong nước.
Tuy nới rộng đối tượng dự thi, nhưng các người đẹp muốn đi thi nhan sắc quốc tế vẫn cần gửi hồ sơ xin phép tới sở Văn hóa, thể thao và du lịch hoặc sở Văn hóa, thể thao nơi mình sinh sống hay làm việc (chứ không phải gửi về Cục Nghệ thuật biểu diễn như hiện nay) và đợi văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, á hậu 4 cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa Lê Âu Ngân Anh - người từng bị Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu xử phạt vì đi thi hoa hậu quốc tế khi chưa được cấp phép nhưng cô chưa từng nhận được yêu cầu này - nói cô rất hoan nghênh sự đổi mới theo xu hướng quốc tế.
"Với sự đổi mới này, cơ quan quản lý của chúng ta đã có bước hòa nhập hơn với thế giới" - Ngân Anh nói. Theo dự thảo, đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch xem xét quyết định nhưng mỗi năm không quá 2 cuộc thi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức lấy ý kiến nghệ sĩ, doanh nghiệp, nhà quản lý tại TP.HCM, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo.
Không còn khái niệm "ca khúc trước 1975"
Dự thảo mới cũng xóa bỏ quy định riêng cho ca khúc trước 1975 - "một vấn đề rất nhạy cảm mà lâu nay chúng ta vướng vào" như ông Vinh nói.
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ không "ôm" quyền công bố danh sách bài hát được phép phổ biến nữa, mà tất cả ca khúc sáng tác ở các thời điểm khác nhau đều bình đẳng như nhau, quyền công bố tác phẩm thuộc về tác giả, chỉ cần tuân thủ các quy định như: không có nội dung chống phá nhà nước, xuyên tạc lịch sử, chủ quyền, xúc phạm vĩ nhân, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt chủng tộc, kích động bạo lực, trái thuần phong mỹ tục...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận