Cục Đường bộ Việt Nam phản hồi ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết dù đã tập thuần thục trên đường trường và học đầy đủ lý thuyết nhưng thi mô phỏng không đạt. Theo anh Tú, phần thi này còn bất cập bởi 120 tình huống mô phỏng và thang điểm không thể ứng dụng vào thực tế.
Ví dụ trong thực tế, người lái xe muốn an toàn phải nhanh chóng xử lý tình huống gặp phải chứ phản ứng chậm tai nạn sẽ xảy ra. Thế nhưng, kết quả thi chỉ cần bấm sớm là lập tức bị 0 điểm.
"Không ít tài xế xe tải, xe du lịch kinh nghiệm lái xe hàng chục năm (trường hợp thi bằng lái quá hạn) nhưng không rành về công nghệ nên thi rớt phần mô phỏng. Cần phân biệt rõ kỹ năng lái xe và kỹ năng dùng máy tính không giống nhau", anh Tú nói.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh - chuyên gia công nghệ - cũng cho rằng thi mô phỏng lái xe hiện nay là không cần thiết, chỉ gây tốn kém thêm chi phí, thời gian. Các đơn vị cần xem xét lại phần mềm thi mô phỏng lái xe ô tô. Phần mềm này do đơn vị nào viết và có khảo sát ý kiến đánh giá trước khi đem vào áp dụng chưa?
Trong quá trình tổ chức thi, sở giao thông vận tải các địa phương nhận thấy phần mềm đánh đố người thi, tính điểm chưa hợp lý. Trong góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải các địa phương yêu cầu đánh giá lại tính thực tế và hiệu quả phần thi mô phỏng mang lại.
Có địa phương kiến nghị phần mềm mô phỏng lái xe chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên. Không đưa phần mềm vào phần sát hạch lái xe bắt buộc.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông nên là công cụ hỗ trợ đào tạo, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học vận dụng vào quá trình lái xe sau này. Việc đánh giá kỹ năng thực hành lái xe của người học đã được thực hiện ở nội dung sát hạch thực hành lái xe.
Vì vậy sở này đề xuất đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen nhưng không phải thi. Đồng tình với quan điểm này, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho rằng các đơn vị cần đánh giá lại tính thực tế và hiệu quả phần thi mô phỏng mang lại, từ đó kết luận có cần thiết duy trì hay không.
Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cũng đề xuất đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen, đồng thời bỏ quy định phải sát hạch nội dung này.
Sẽ có điều chỉnh, tạo thuận lợi hơn cho người đi thi
Trả lời Tuổi Trẻ Online về đề xuất của một số sở giao thông vận tải địa phương về việc chỉ đưa mô phỏng lái xe vào đào tạo, không đưa vào phần thi, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay việc áp dụng thi mô phỏng lái xe hiện nay là theo quy định của Chính phủ.
Các tình huống được mô phỏng để giúp người lái nhận biết tình huống nguy hiểm, rèn phản xạ có thể ứng dụng khi đi đường. 120 tình huống mô phỏng là những trường hợp mất an toàn giao thông đã xảy ra trên thực tế được các đơn vị tổng hợp, nghiên cứu.
Đối với các góp ý từ người thi, địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ tiếp thu và sẽ có điều chỉnh phù hợp. Hiện cục đang phối hợp cùng đơn vị xây dựng phần mềm tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh phần mềm. Theo đó, khắc phục những bất cập theo hướng tạo thuận tiện cho người thi hơn.
"Theo đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh các tình huống phù hợp thực tế. Đặc biệt sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có bằng lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn", vị đại diện Cục Đường bộ cho hay.
Học thật, thi thật
"Thật" ở đây là chuyện người học nghiêm túc và khâu sát hạch sát với yêu cầu thực tế. Có những người "thi đậu" nhưng khi lái xe ra đường lại không hiểu hết những bảng hướng dẫn, những vạch kẻ trên đường. Nhiều người cầm giấy phép lái xe xong phải đi thuê thầy kèm tiếp mới an tâm lái xe ra đường.
Tôi mong việc sát hạch chặt chẽ, nghiêm khắc hơn càng tốt. Cần sát hạch kỹ hơn kiến thức về luật giao thông, những kỹ năng xử lý thực tế trên đường, bớt đi những rủi ro khi thi với phần mềm mô phỏng. Như vậy mới đánh giá đúng kiến thức luật giao thông, ý thức người lái xe và kỹ năng thực tế trong điều kiện giao thông thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận