
GS.TS Đỗ Đức Thái - khoa toán - tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại chương trình - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Nội dung trên được GS.TS Đỗ Đức Thái - khoa toán - tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn khoa học tự nhiên sụt giảm
Theo ông Thái, những vấn đề "cốt lõi" còn tồn tại trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chỉ có "bắt đúng bệnh" mới có thể đưa ra được những giải pháp khắc phục.
Bốn vấn đề tồn tại chính được đưa ra, gồm chuẩn hóa chương trình; đổi mới phương pháp dạy học; định hướng nghề nghiệp cho học sinh; thi cử và đánh giá giáo dục.
Theo ông, thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho thấy những năm gần đây số lượng học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp (và tuyển sinh đại học) theo khối ngành liên quan nhiều đến khoa học tự nhiên và công nghệ ngày càng giảm.
Tình hình trên sẽ trầm trọng hơn khi triển khai hoàn chỉnh chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở cả 12 lớp, kết hợp với phương án thi tốt nghiệp THPT đã thay đổi từ năm 2025.
Lý giải sự sụt giảm, theo ông chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh khi vào lớp 10 ngoài môn bắt buộc phải chọn 4 môn tự chọn. Đến khi thi tốt nghiệp THPT hầu như chỉ thi tốt nghiệp THPT theo 2 trong 4 môn tự chọn đó.
Nếu trong 4 môn tự chọn không có môn vật lý thì học sinh không thể thi tốt nghiệp THPT môn vật lý, do đó không thể xét tuyển đại học vào những ngành mà tổ hợp xét tuyển có môn vật lý.
"Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh không phải ở lớp 11, 12, mà phải từ bậc THCS, để học sinh chọn đúng tổ hợp môn tự chọn khi vào cấp 3", ông Thái nhấn mạnh.
Thi lớp 10 là "chuyện quốc gia đại sự"
Theo ông Thái, thi cử là khâu cuối nhưng có tác động lớn đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng cần thay đổi quyết liệt, bởi hiện nay hầu hết địa phương đang lựa chọn môn thi vào lớp 10 xoay quanh ba môn toán, văn, tiếng Anh.
Để cạnh tranh một suất vào lớp 10 công lập, ngay từ đầu cấp THCS, cả gia đình, nhà trường và thầy trò đều dồn sức học gạo 3 môn này và bỏ qua những môn học khác, trong đó có các môn khoa học tự nhiên, như vật lý, hóa học, sinh học...
"Khi học sinh đã không học môn tự nhiên thì không hiểu về môn học, khó có thể chọn tổ hợp tự nhiên khi vào bậc THPT", ông Thái nói và cho biết đây chính là sự bắt đầu của một vòng mắt xích luẩn quẩn, gây mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo ngành nghề, cơ cấu nguồn nhân lực, thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chủ trương đẩy mạnh mũi nhọn về khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Với kỳ thi vào lớp 10, ông Thái kiến nghị ngoài bài thi môn toán, ngữ văn, cần thêm một bài thi tổng hợp có phần nội dung của tất cả môn học đánh giá bằng điểm số ở THCS.
"Thi vào lớp 10 không còn là chuyện của ngành giáo dục, mà là chuyện quốc gia đại sự! Nguy cơ đó phải được nhìn nhận nghiêm túc ngay từ bây giờ tránh để vấn đề trở nên trầm trọng hơn, khó giải quyết hơn", ông Thái nói.
Quay trở lại dạy riêng lý, hóa, sinh là "bàn lùi, không bàn làm"
Hiện có một luồng ý kiến bậc THCS phải bỏ môn khoa học tự nhiên, phải quay trở lại dạy ba môn lý, hóa, sinh riêng biệt, ông cho rằng đây là luồng ý kiến tai hại, "bàn lùi, không bàn làm".
Việc xây dựng, sớm ban hành bộ chuẩn hóa chương trình môn khoa học tự nhiên ở THCS, cũng như bộ chuẩn hóa giáo viên dạy môn này, sẽ góp phần giải quyết tận gốc câu hỏi: "Môn khoa học tự nhiên do một hay ba giáo viên dạy?, bố trí lịch dạy học thế nào? kiểm tra đánh giá ra sao?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận