Phóng to |
Ba ứng viên phó hiệu trưởng bốc số thứ tự để vào phòng thi - Ảnh: Sơn Lâm |
Anh Võ Minh Lâm - phó khoa kinh tế, xã hội và nhân văn Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - là thí sinh đầu tiên bước vào thi.
Căng thẳng “trường thi”
Bài thuyết trình của anh về việc “phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo không chính quy và đầu tư, quản lý cơ sở vật chất tại Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp” vượt quá thời gian quy định vài phút.
Trong phòng chờ, thí sinh Phan Văn Đạt (trưởng khoa kinh tế, xã hội và nhân văn) và anh Trịnh Xuân Việt (trưởng khoa nông nghiệp, thủy sản) tiếp tục tranh thủ ôn lại phần diễn thuyết của mình.
Ngay sau phần thuyết trình, một vị giám khảo bập ngay vào câu hỏi: “Nếu trở thành lãnh đạo, anh sẽ đầu tư thế nào để quản lý và sử dụng vật tư của trường thật sự hiệu quả, kết quả đầu ra một, hai năm tới sẽ như thế nào?”. Dường như gặp câu hỏi khó, anh Lâm ngập ngừng hồi lâu mới trả lời.
Một vị giám khảo khác hỏi tiếp: “Làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo cho đối tượng học không chính quy, tại chức?”.
Với câu hỏi này, anh Lâm trình bày khá mạch lạc rồi đúc kết: “Quan trọng nhất là chúng tôi phải xây dựng được giáo trình, chương trình dạy một cách hoàn thiện, thích hợp với thực tế của nhà trường và từng đối tượng học”. Khi nghe điều này, một vài vị giám khảo gật gù tâm đắc.
"Người lãnh đạo thắng được cuộc thi là người thật sự có trình độ, phong cách và chiều sâu trong chuyên môn. Sau mỗi cuộc thi, điểm của các thí sinh sẽ là điểm trung bình cộng của các thành viên trong ban giám khảo. Ai có điểm thi cao nhất là người đó thắng. Kết quả này sẽ được trình UBND tỉnh công bố sau năm ngày kể từ khi kết thúc đợt thi" Ông Phan Văn Tiếu |
Đến phiên anh Trịnh Xuân Việt bước vào phần thi vấn đáp. Anh cũng khá vất vả với câu hỏi “Làm sao để nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng sử dụng cho cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học trong thời gian tới?”.
Ngắc ngứ trình bày một hồi, giọng run run, anh Việt thừa nhận: “Tôi chưa thật sự chuẩn bị cho câu hỏi này”.
Cùng chung tâm trạng như anh Việt, khi bước ra khỏi “trường thi”, anh Lâm tiếc nuối và cho biết chưa hài lòng lắm về phần trả lời của mình vì “tôi không nói được việc đưa phần công nghệ thông tin vào ứng dụng để quản lý”.
Trong khi ngồi chở đến lượt thi, dường như cảm nhận được độ nóng của “trường thi”, anh Phan Văn Đạt chia sẻ: “Từng thi rất nhiều lần trong đời, kể cả lần bảo vệ luận án thạc sĩ cách đây hai năm cũng thấy bình thường, nhưng lần thi này tôi hồi hộp thật sự”.
Và anh cho biết mình đã làm phần tiểu luận khá tốt. “Tôi đã từng có bốn năm làm công tác đào tạo không chính quy, nhưng chủ đề thi khá rộng và nhất là mới mẻ hoàn toàn ở lĩnh vực quản lý cơ sở vật chất. Chúng tôi phải rà soát lại thực trạng công việc của trường gần ba năm qua và phải tư duy những hướng mới mẻ để đưa ra hướng quản lý, hoạt động trong thời gian tới” - anh Đạt tự tin nói.
Nhận xét về nội dung thi, anh Lâm cho rằng đề thi lần này hơi “tréo ngoe” so với công việc chuyên môn của mình, dù anh đã được phân công kiêm nhiệm “lãnh đạo” trung tâm ngoại ngữ của trường trong mấy năm qua.
“Ngay khi nhận được thông tin về cuộc thi, tôi đã hướng mình vào mục tiêu cao nhất là xem thử năng lực mình tới đâu. Việc thắng ở cuộc thi thì chắc chắn là mừng rồi, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là biết được mình có thật sự đủ khả năng làm phó hiệu trưởng hay không” - anh nói.
Trong ba thí sinh, anh Việt là người trẻ nhất, mới 34 tuổi và cũng chỉ mới làm quen với vai trò lãnh đạo được vài tháng với chức vụ trưởng khoa nông nghiệp, thủy sản.
Những câu hỏi hóc búa
Trước đó, ngày 2-1, hai ứng viên Nguyễn Trường Khánh (chánh văn phòng Sở TN-MT) và Nguyễn Nhựt Pháp (chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở TN-MT) đã bước vào kỳ thi tuyển chức danh phó giám đốc Sở TN-MT.
Theo ông Phan Văn Tiếu - phó giám đốc Sở Nội vụ Đồng Tháp, tại đợt thi này, câu hỏi mà ứng viên nào cũng phải trả lời là “nếu được trúng tuyển vào chức danh phó giám đốc Sở TN-MT phụ trách khiếu nại, tố cáo về đất đai thì ứng viên sẽ làm gì?”.
Trả lời câu hỏi, ông Pháp cho rằng mình sẽ phân thành những nhóm vấn đề chính để giải quyết như: nhóm nào khiếu nại về cơ chế thì giải quyết theo cơ chế, nhóm nào khiếu nại về đền bù giải tỏa thì giải quyết theo đền bù giải tỏa.
“Tuy nhiên để giải quyết việc khiếu nại tố cáo nhiều, kéo dài, vượt cấp thì ba cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh phải thường xuyên tập hợp để gặp gỡ, đối thoại, cùng giải quyết khiếu nại tố cáo cho người dân. Ngoài ra cũng phải phân trách nhiệm cụ thể cho từng cấp chính quyền, các sở ngành để giải quyết ngay việc tố cáo, khiếu nại của người dân. Nếu không giải quyết được vấn đề ngay từ đầu thì cấp, ngành đó phải chịu trách nhiệm” - ông Pháp trình bày.
Nhận xét về việc trả lời của các “thí sinh”, ông Tiếu cho biết các ứng viên đã gây bất ngờ, thú vị lớn cho ban giám khảo. “Qua phần trả lời này, các ứng viên bộc lộ độ sâu về hiểu biết nghiệp vụ, độ nhạy trong công tác và có được cá tính, phong cách của người lãnh đạo cho tương lai” - ông Tiếu nói.
Trong ngày 6-1, tham gia thi tuyển cho chức danh phó giám đốc Sở GTVT, thí sinh Lê Minh Phong - trưởng phòng thẩm định kỹ thuật Sở GTVT - thừa nhận có những vấn đề, câu hỏi mà ban giám khảo đặt ra khá hóc búa. Như câu hỏi của giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lê Minh Châu: “Trong thời gian tới, việc xã hội hóa trong quy hoạch giao thông có làm được hay không?”. Theo ông Phong, đây là câu hỏi khó nhất nhưng cũng là câu hỏi ông tâm đắc nhất.
Để tìm người cho chức danh phó giám đốc Sở TN-MT, phó giám đốc Sở GTVT và phó giám đốc Đài truyền hình tỉnh Đồng Tháp, đề thi mang tính định hướng công việc lãnh đạo tương lai cho các thí sinh. Nói cách khác, ngoài khả năng tư duy các giải pháp và thể hiện năng lực về công việc chuyên môn, bài thi cũng là một “lời hứa” của các thí sinh nếu họ được chọn để làm lãnh đạo.
“Nếu cứ được bổ nhiệm theo kiểu sống lâu lên lão làng thì không biết mình sẽ làm những gì vào ngày nhậm chức, hoặc ít nhất cũng phải mất khá nhiều thời gian để hiểu thêm trọng trách của mình” - anh Đạt chia sẻ.
Xóa bỏ lối mòn “cơ cấu”
Bà Trần Thị Thái, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trưởng ban giám khảo, nói: “Trước đây nhiều khi nói bổ nhiệm cán bộ này cán bộ kia, mình cũng chưa hình dung ra người được bổ nhiệm là ai, năng lực ra sao, làm việc như thế nào. Có những cuộc thi như thế này mới dễ tiếp cận và biết năng lực của từng cán bộ để khai thác cho hiệu quả”.
Và theo bà Thái, những cuộc thi như thế này sẽ góp phần đẩy lùi được việc tiêu cực: “Thể hiện năng lực trước bao nhiêu người, ai giỏi ai hay để cộng đồng nhận định. Những cuộc thi công bằng minh bạch như thế này được nhân rộng thì sẽ không còn cảnh chạy chức, chạy quyền trong tương lai, dần dần xóa bỏ được lối mòn cơ cấu nhân lực lãnh đạo”.
Xét về mặt tư cách của những thí sinh thi tuyển trong đợt này, bà Thái cho biết mỗi thí sinh đều trải qua một bước xét tuyển, sàng lọc kỹ lưỡng và qua quá trình đánh giá họ trong công tác nhiều năm nên có thể yên tâm.
Tiến sĩ Lê Bảo Lâm, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM, thành viên ban giám khảo cuộc thi, nhận định: “Khi biết được lãnh đạo phải trải qua những cuộc thi như thế này thì người dân sẽ đặt lòng tin vào họ nhiều hơn. Tôi thấy mô hình thi tuyển lãnh đạo khá phù hợp, có thể nhân rộng đến nhiều địa phương khác”.
Ngoài ra, ông Phan Văn Tiếu giải thích thêm: việc tổ chức những đợt thi các chức danh phó giám đốc Sở TN-MT, Sở GTVT, phó giám đốc đài phát thanh truyền hình và phó hiệu trưởng lần này cũng là đáp ứng thực tế các đơn vị trên đang khuyết vị trí lãnh đạo.
Những ứng cử viên dự thi đã được xem xét hồ sơ cẩn thận, đạt tiêu chuẩn như nhau về trình độ, lý lịch, thời gian công tác, thuộc đối tượng quy hoạch...
Ông Tiếu nêu so sánh, việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo theo truyền thống trước đây thì chỉ có cấp trên đánh giá năng lực, khả năng của người được đề đạt. Còn thông qua đợt thi các chức vụ lãnh đạo lần này, việc đánh giá ấy sẽ được mở rộng hơn, công khai hơn và đạt được sự đồng thuận cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận