02/04/2022 08:54 GMT+7

Thi học sinh giỏi để làm gì: Một kỳ thi 'không giống ai'

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - GS.TS Hoàng Xuân Sính có lần kể rằng, khi nghe Việt Nam đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, nhiều nhà giáo dục Pháp ấn tượng. Nhưng khi biết cách "luyện gà" của ta để có giải thì họ... lắc đầu!

Thi học sinh giỏi để làm gì: Một kỳ thi không giống ai - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp TP.HCM đang làm thủ tục vào phòng thi sáng 30-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ở Pháp, khi chọn học sinh đi tranh tài quốc tế, họ chỉ việc lấy ra những em có thành tích cao nhất trong kỳ thi tú tài, lập đội tuyển rồi gửi tham dự. 

Mỹ làm khác chút so với Pháp, nhưng điểm chung là nói không với hành khúc luyện học sinh giỏi để đi thi. Nhiều trường học tại Mỹ rầm rộ đón một đội bóng chày của trường vì đoạt thành tích cao trong thi đấu, nhưng vinh danh học sinh giỏi có thể không được như thế.

Biến tướng

Thập niên 1960, 1970 của thế kỷ trước đã có cuộc thi chọn học sinh giỏi. Trường công là chủ đạo, tài liệu cứng là chủ yếu, nhiều thầy trò để tiếp cận được là rất khó khăn. 

Thi chọn học sinh giỏi, khuyến khích giáo viên tự học, nâng cao tay nghề, giúp học sinh thêm cơ hội mở rộng, chuyên sâu kiến thức, kỹ năng; tạo cơ hội cho thầy trò các trường giao lưu, học hỏi; đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đáp ứng mục tiêu bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, đất nước.

Học sinh đoạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi được hưởng điểm khuyến khích, tuyển thẳng vào đại học, có suất du học. Thầy cô có học sinh giỏi thì được khen thưởng, tăng lương trước thời hạn, xem xét cất nhắc, đề bạt, tạo thương hiệu để dạy thêm... 

Trường có học sinh giỏi thì hiệu trưởng được vinh danh - bước cần thiết để vững vàng hoặc tiếp tục vị trí quản lý tốt hơn, cao hơn.

Thực trạng ấy khiến kỳ thi chọn học sinh giỏi mà sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, làm biến tướng mục đích ban đầu. Có người mua ắt có người bán, mà thi chọn học sinh giỏi không là ngoại lệ. 

Điều đó làm tăng áp lực tiêu cực không chỉ đối với học sinh dự thi, thầy cô luyện thi mà cả đối với số đông thầy trò còn lại, với những trường học vốn học sinh đến trường đầy đủ, được lên lớp là phải đánh đổi bằng những cố gắng thầm lặng và miệt mài.

Trên hết là thành tích!

Vào dịp hè, đầu năm học là các trường xoay với tuyển chọn, thành lập đội tuyển, bồi dưỡng học sinh giỏi, tính toán tiền bạc. Tùy chất lượng thực tế của trường, phải tính toán miễn sao là có giải, môn nào cũng được, trên hết là thành tích!

Đến vòng quốc gia, chủ yếu thi thố giữa các trường chuyên, họa hoằn lắm mới có học sinh đoạt giải ở trường THPT không chuyên. 

Cuộc thi cồng kềnh và rất tốn kém, nhiều khoản chi lấy từ ngân sách và linh hoạt (suy cho cùng vẫn là vận dụng ngân sách). Theo sát một số cơ sở giáo dục, sau những kỳ thi chọn học sinh giỏi, tôi thấy thầy cô chẳng mấy thay đổi về chuyên môn.

Từ khâu ra đề, coi, chấm, xét công nhận học sinh giỏi - dù có quy chế nhưng triển khai thực hiện còn những góc khuất mà chỉ người trong cuộc mới tận tường. 

Chả thế mà, sau kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, hơn 10 năm qua Bộ GD-ĐT không công bố đáp án, gần đây khi báo chí lên tiếng thì bộ mới thực hiện. Một kỳ thi nhiều quyền lực và đặc ân nhưng lại thiếu minh bạch làm cho kỳ thi chịu nhiều tai tiếng.

Đã đến lúc cải tiến

Bộ GD-ĐT cần tiến hành tổng kết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về kỳ thi chọn học sinh giỏi và học hỏi cách làm của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thi chọn học sinh giỏi cho ai, vì ai?

Những lợi ích của kỳ thi này đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là gì? Trong nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, xã hội thông tin, thi chọn học sinh giỏi giúp gì cho dân, cho nước?

Vì lợi ích trăm năm nên cần bàn bạc cẩn trọng, thông tuệ, công tâm và dân chủ. Kỳ thi chọn học sinh giỏi không có lỗi, vấn đề là ở hình thức tổ chức, việc triển khai và những con người tham gia vận hành. Tuy muộn để thay đổi, nhưng đó là việc không thể không làm vì một nền giáo dục liêm chính, tiến bộ, nhân văn.

Nỗi ám ảnh mang tên "thi học sinh giỏi"

Screen Shot

Tôi chỉ là một công nhân viên chức bình thường với đồng lương cố định hằng tháng. Mỗi lần họp lớp, bạn bè vẫn nhớ nhất về tôi là một học sinh giỏi - người đã từng đại diện lớp, trường, huyện, tỉnh đi thi các cuộc thi học sinh giỏi.

Nhưng các bạn lại không biết rằng chính tôi mới là người ngưỡng mộ các bạn - những người ngày xưa có thể chỉ học sinh khá, bình bình, nay đã là "ông nọ bà kia", có chức tước, giàu sang trong xã hội. Còn tôi, nhớ về thời đi học, có một nỗi ám ảnh không dám gọi thành tên - đó là "thi học sinh giỏi"...

Ngay từ khi còn học cấp THCS, tôi đã là một nhân tố được chọn đi dự các cuộc thi học sinh giỏi của huyện, của tỉnh. Hồi đó, được chọn đi dự thi là một hạnh phúc với tôi. Để phục vụ các cuộc thi, nhóm học sinh chúng tôi được xếp thành đội tuyển. Ngay từ thời điểm vào đội tuyển, chuyện học lệch bắt đầu diễn ra và được coi như một việc đương nhiên.

Lên cấp III, việc học lệch đối với tôi càng trở nên nghiêm trọng khi tôi vào được trường chuyên của tỉnh. Những giáo viên được xếp dạy lớp chuyên sẽ luôn là ưu tiên giáo viên giỏi nhất môn chuyên, các giáo viên bộ môn khác thì không cần.

Tôi cảm nhận được sự chán nản của thầy cô môn tự nhiên khi dạy các lớp xã hội, khi mà trong tiết học rất ít học sinh giơ tay phát biểu. Và trong nhiều giờ, nhất là sát đến ngày chuẩn bị cho các kỳ thi, họ lại phải chấp nhận một số học sinh vắng mặt vì đi học đội tuyển hay có khi có mặt nhưng lại cắm cúi học môn chuyên.

Năm cấp III với chúng tôi là những năm tháng kinh hoàng, khi chúng tôi phải quyết định các môn mình tập trung cho việc thi đại học. Thời đó, thi đại học đúng là một cuộc chiến.

Chúng tôi có 2 lựa chọn: một là học lệch hẳn để thi theo kiểu "được ăn cả, ngã về không", quyết giành giải quốc gia để chắc suất vào đại học; hai là từ bỏ để chỉ tập trung vào 3 môn quan trọng theo khối thi.

Tôi ôm trong lòng sự lấn cấn đó để vừa vùi đầu vào môn chuyên, vừa chạy tới các lớp học thêm 2 môn còn lại để phục vụ cho kỳ thi đại học. Một ngày, giáo viên chủ nhiệm đến nói chuyện với tôi, hỏi tôi về việc có quyết định tham gia kỳ thi quốc gia hay không. Tôi nhận ra rằng kỳ thi này mang lại cho tôi quá nhiều sự bấp bênh và lo lắng. Và rồi tôi đã quyết định dừng lại!

Thi học sinh giỏi để làm gì? Rất nhiều lần tôi đã hỏi mình câu hỏi đó? Tôi nhận ra sâu thẳm trong mình sự hứng thú với các kỳ thi này. Nó giúp tôi nhận ra mình có năng khiếu, đam mê, thiên hướng nào đó, được mọi người công nhận, khuyến khích và đôi khi là ngưỡng mộ.

Càng về sau tôi càng nhận ra rằng, từ năng khiếu và sự yêu thích đơn thuần, khi bị cuốn vào các kỳ thi học sinh giỏi, tình yêu đối với môn học đã trở thành áp lực, đôi khi là sự ám ảnh.

Việc dồn thời gian, tâm sức cho các kỳ thi này đã khiến chúng tôi đánh mất tình yêu với các môn học khác khi ngày càng thụt lùi vì không theo kịp kiến thức chung. Chạy theo các kỳ thi học sinh giỏi khiến thời gian ngồi trên ghế nhà trường trở thành áp lực. Và đúng là hết thi thì chúng tôi cũng hết... giỏi.

Vậy có duy trì cuộc thi này không? Tôi nghĩ là vẫn nên, nhưng đừng lấy đó là thước đo hay tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của giáo viên hay ngôi trường, địa phương nào nữa. Cuộc thi nên chỉ đơn giản là sân chơi để khơi dậy tình yêu đối với môn học, và phát triển tình yêu ấy hài hòa và song hành với các môn học khác.

TRẦN HẰNG

Mời tham gia Diễn đàn "Thi học sinh giỏi để làm gì?"

Có nên duy trì kỳ thi học sinh giỏi? Nếu có thì nên điều chỉnh, thay đổi như thế nào cho phù hợp?

Nếu không thì có cách thức nào phát hiện, tìm kiếm được nhân tài? Mời quý bạn đọc, thầy cô, phụ huynh và học sinh chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về câu chuyện này.

Bài viết xin email về [email protected].

Những bài được sử dụng trên nhật báo Tuổi Trẻ hoặc báo Tuổi Trẻ điện tử (tuoitre.vn) sẽ được chấm nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thi học sinh giỏi không dành cho số đông và những mặt trái bị ngó lơ Thi học sinh giỏi không dành cho số đông và những mặt trái bị ngó lơ

TTO - Có thể nói lợi ích thực sự của các kỳ thi học sinh giỏi không dành cho số đông, trong khi những tác động và hệ quả xấu của kỳ thi này ở địa phương và quốc gia thì ít được bàn tới, thậm chí bị ngó lơ.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp