04/04/2022 08:12 GMT+7

Thi học sinh giỏi để làm gì? Cuộc chơi bị biến tướng do ngộ nhận

Nhà hoạt động giáo dục GIẢN TƯ TRUNG  (viện trưởng Viện Giáo dục IRED) - HOÀNG THI ghi
Nhà hoạt động giáo dục GIẢN TƯ TRUNG (viện trưởng Viện Giáo dục IRED) - HOÀNG THI ghi

TTO - Về bản chất, những cuộc thi học sinh giỏi là cuộc chơi của tuổi học trò mà ở đó các bạn trẻ được giao lưu, tranh tài cùng nhau. Học sinh sẽ có dịp thử thách bản thân và có thêm kênh để khám phá nội lực, khả năng tiềm ẩn của mình.

Thi học sinh giỏi để làm gì? Cuộc chơi bị biến tướng do ngộ nhận - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2022 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Vốn là cuộc chơi giữa các bạn trẻ với nhau nhưng lại bị biến thành cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục, các cuộc thi học sinh giỏi đã ít nhiều phát sinh những sự cạnh tranh không có nhiều ý nghĩa. Thước đo thành tích ấy dễ làm chúng ta ngộ nhận về chất lượng giáo dục.

"Bệnh thành tích"

Lâu nay, chúng ta vẫn thường lên án "bệnh thành tích" trong giáo dục, nhưng tôi cho rằng thành tích không phải là "bệnh" vì đó cũng là động lực để con người phấn đấu và nỗ lực hướng tới trong công việc và cuộc sống.

Cái gọi là "bệnh thành tích" thực tế có thể phân thành hai loại. Một là "bệnh ngụy tạo thành tích", tức khả năng của chúng ta chưa đạt được một trình độ nào đó nhưng cố gắng thể hiện như thể mình đã vươn tới.

Hai là "thước đo thành tích bị bệnh", và khi chúng ta chạy theo cái thước bệnh này cũng sẽ làm cho mình bị bệnh luôn. Chúng ta có thể thấy điều này qua những cuộc thi học sinh giỏi ở Việt Nam hiện nay. Số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi của một trường, một địa phương thường được xem là thước đo thành công trong lĩnh vực giáo dục của trường, địa phương đó.

Từ đấy phát sinh việc nhiều trường đua nhau "luyện gà" để thi học sinh giỏi, nhiều tỉnh cũng tham gia "luyện gà" để thi đấu vòng quốc gia. 

Nhiều trường chuyên thay vì có nhiệm vụ phát hiện năng khiếu (về khoa học, nghệ thuật, thể thao...) để bồi dưỡng cho học sinh thì lại đi theo hướng ôn tập cho học trò đạt các thành tích trong những cuộc thi. Bởi càng có nhiều học sinh giỏi thì họ sẽ được nhìn nhận như những nơi có chất lượng giáo dục tốt. Học sinh đoạt giải cũng được tôn vinh như những nhân tài.

Nguy cơ bị "bệnh" vì đo sai

Ở Việt Nam, xây dựng các thước đo phù hợp cho giáo dục các cấp là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Một giáo sư giỏi không thể chỉ được đánh giá dựa trên số lượng các công trình nghiên cứu, số lượng sách xuất bản hay các công bố quốc tế. Một giáo viên dạy giỏi không thể chỉ được xem xét dựa vào việc số học sinh mà giáo viên ấy giảng dạy giúp đạt được điểm cao.

Nhìn rộng ra, trong công việc, thước đo giá trị của một nhân viên không nên là bằng cấp hay năng lực hay cấp bậc, mà nằm ở hiệu quả và thái độ của họ trong công việc. 

Trong cuộc sống, nếu xem thước đo thành công là tiền tài, địa vị, danh vọng, thế thì liệu những người không đạt được những tiêu chí trên, cuộc đời họ sẽ được xem là thất bại? Chúng ta nên đo cuộc đời của mình bằng thước đo gì? Do vậy, nếu "đổi thước" thì cũng sẽ "đổi đời" luôn.

Nguyên lý là như vậy, trở lại với giáo dục, việc thay đổi các thước đo thành tích, chẳng hạn qua những kỳ thi học sinh giỏi, cũng là một trong những bước đi đầu tiên để định hình lại giáo dục ở Việt Nam, để giáo dục nhân bản hơn và hiệu quả hơn. 

Để căn chỉnh lại thước đo thành tích của giáo dục, chúng ta lại phải quay về câu hỏi cơ bản nhất ở bất kỳ một nền giáo dục nào: Học để làm gì?

Sẽ có nhiều hướng tiếp cận, nhưng theo tôi, những năm học phổ thông là khoảng thời gian nên chú trọng vào việc giúp các bạn học để "làm người". Ở đó, hình mẫu trung tâm có thể là mô hình "con người tam tính" - bao gồm nhân tính, quốc tính và cá tính. 

Tất cả các môn học của giáo dục phổ thông cũng nên hướng về "tam tính" này. Toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa... chỉ thực sự quan trọng nếu chúng góp phần làm cho học sinh trở nên "người hơn", nhân văn hơn.

Ở những năm đại học, học không chỉ để "lấy bằng" mà còn học để "lấy nghề", và quan trọng hơn nữa là học để "giải quyết vấn đề". Một tổ chức sẽ không có giá trị nếu tổ chức đó không giải quyết được vấn đề gì của xã hội, và một nhân viên cũng sẽ không có giá trị gì nếu nhân viên đó không giải quyết được những vấn đề mà tổ chức đang cần. 

Học đại học không chỉ giúp bạn trẻ biết làm nghề ở trình độ cao, mà đại học còn là nơi để đào luyện đời sống tinh thần nhằm hình thành tầm vóc văn hóa.

Nhìn chung, một thước đo đúng đắn sẽ giúp nền giáo dục đi theo hướng thực chất, người dạy và người học đều sẽ thăng hoa. Thước đo đúng đắn cũng sẽ tạo động lực cho giáo dục phát triển, giúp người học biết cách khai mở được tâm trí và giải phóng được tiềm năng của mình. 

Ngược lại, thước đo sai, thước đo bệnh có thể sẽ khiến cho nền giáo dục bị bệnh, những thầy cô và học sinh chạy theo cái thước đo đó cũng bị bệnh, kéo theo đó là làm cho xã hội cũng bị bệnh luôn.

Nâng tầm văn hóa người học

Chất lượng của giáo dục không chỉ nằm ở điểm số, bằng cấp hay năng lực chuyên môn mà còn nằm ở nền tảng văn hóa và tầm vóc văn hóa của người học. Giỏi chuyên môn chưa đủ, con người cần phải được định hình để biết cách làm người, cách làm dân và cách làm nghề của mình.

Bởi lẽ con người thì khác với muông thú, cỏ cây và máy móc; con người tự do thì khác với con người hoang dã hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; đức tin thì khác với mê tín...

Tại sao không?

Liên quan đến việc có nên tiếp tục tổ chức thi học sinh giỏi các cấp hay không, có nhiều tranh luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này vì không cần thiết, lãng phí.

Cá nhân tôi cho rằng cần thiết duy trì kỳ thi này, vấn đề là đảm bảo quy mô kỳ thi phù hợp, có hướng phát triển, bồi dưỡng, sử dụng học sinh giỏi về sau cũng như hạn chế tối đa áp lực cho các em học sinh, giáo viên, nhà trường.

Kỳ thi học sinh giỏi là cần thiết bởi các lý do sau: Thứ nhất, có thi học sinh giỏi thì mới biết được, chọn được học sinh giỏi, người giỏi, xuất sắc thật sự. Từ đó, mới có định hướng phát triển các nhân tài này để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng thành người có ích phục vụ cho xã hội, đất nước về sau.

Thứ hai, quy luật là có cạnh tranh thì mới có phát triển. Nếu không có các kỳ thi học sinh giỏi thì sẽ không có sự cạnh tranh, phấn đấu trong học tập của các em học sinh, các trường, các địa phương. Như vậy, thành tích học, kiến thức của tất cả học sinh đều "sàn sàn" như nhau và dẫn đến tình trạng "giỏi cũng như không".

Có người lấy ví dụ một số nước không coi trọng và không tổ chức thi học sinh giỏi, vậy tại sao thế giới vẫn tổ chức các kỳ thi Olympic hằng năm - thực chất là thi học sinh giỏi - để chọn ra những người giỏi xuất sắc thật sự để vinh danh?

Ngoài ra, học sinh giỏi là vinh dự, tự hào cho các em, gia đình, thầy cô, nhà trường và địa phương, đất nước. Bên cạnh một số trường hợp cá biệt các em bị áp lực, học lệch, tiêu cực thì đa số học sinh khi được chọn là học sinh giỏi luôn tự hào, đều cố gắng và thành đạt.

Vì vậy, theo tôi, vẫn nên tổ chức kỳ thi học sinh giỏi các cấp hằng năm để chọn nhân tài. Vấn đề là cách thức tổ chức, quy mô phù hợp, không tạo ra áp lực, không quá đặt nặng thành tích cho các em.

Đặc biệt đối với các em tham gia thi học sinh giỏi phải có định hướng cho các em sắp xếp thời gian thích hợp để học tập, nghỉ ngơi, nhất là không vì môn thi học sinh giỏi mà học lệch, bỏ các môn học khác.

PHẠM VĂN CHUNG (Kon Tum)

Sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi? Sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi?

TTO - Tôi thiết nghĩ tại sao lại bỏ kỳ thi học sinh giỏi, mà hãy để sân chơi này cho các em học sinh được thoải mái đào sâu tìm hiểu tri thức mà mình yêu thích và lựa chọn.

Nhà hoạt động giáo dục GIẢN TƯ TRUNG (viện trưởng Viện Giáo dục IRED) - HOÀNG THI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp