Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tập thể đại diện UBND P.Long Bình, Q.9, TP.HCM - đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2014 - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, nêu gương cho quần chúng noi theo. Cán bộ càng cao thì yêu cầu gương mẫu càng cao |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang |
Tới dự đại hội có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cùng nhiều lãnh đạo trung ương và TP.HCM.
Tại đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ sau ngày thống nhất, TP.HCM là nơi khởi xướng nhiều phong trào như đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xóa đói giảm nghèo…
Những chương trình sau đó được hưởng ứng, trở thành phong trào của cả nước. Các phong trào thi đua đã tạo ra động lực và khí thế để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp TP giữ vững vị trí là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, hội nhập quốc tế của cả nước và khu vực.
Chủ tịch nước lưu ý thời gian tới TP cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thi đua. Phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ phát triển của TP.
Đồng thời phải hết sức quan tâm, khen thưởng người lao động, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang…
“Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, nêu gương cho quần chúng noi theo. Cán bộ càng cao thì yêu cầu gương mẫu càng cao” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng nhanh, từng bước bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong năm năm qua, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước.
Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, phát triển nhanh hệ thống bán buôn, bán lẻ, tạo nguồn nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, quy mô thị trường tăng gấp 2,38 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Công tác quản lý xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị cũng đạt nhiều kết quả quan trọng như phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2.000 toàn TP; phát huy dân chủ trong quá trình nghiên cứu, lập, thẩm định, phê duyệt, công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. TP xây dựng mới khoảng 39 triệu m2 nhà ở, nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư.
Nhiều công trình trọng điểm hiện đại được đưa vào sử dụng như cầu Phú Mỹ có thiết kế kiểu dây văng hiện đại, đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ là đoạn đường kết nối hai đầu đông bắc - tây nam của TP, hầm vượt sông Sài Gòn, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài kết nối trung tâm TP với các khu đô thị vệ tinh xung quanh…
Tại đại hội, TP.HCM đã được trao tặng cờ thi đua Chính phủ năm 2014. Có 26 tập thể được trao tặng cờ thi đua của Chính phủ.
Cha đẻ thuốc chữa bệnh tay chân miệng làm bằng lá trầu Bà Điểm
19 tuổi bước vào phòng thí nghiệm, 60 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu khoa học, GS Chu Phạm Ngọc Sơn (phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật TP.HCM) cho biết ông tâm đắc nhất lời dặn của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: phải luôn gắn bó đời sống khoa học với sự phát triển của TP và đời sống nhân dân. Kể từ đó, tất cả công trình nghiên cứu mà ông Sơn tham gia đều gắn với thực tiễn đời sống. Một trong những nghiên cứu có tính ứng dụng cao mà ông và các cộng sự thực hiện thời gian gần đây là chiết xuất, điều chế tinh dầu của lá trầu vùng Bà Điểm, Hóc Môn để phòng trị bệnh tay chân miệng. Ông Sơn kể: “Năm 2011 qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện trong lá trầu bé nhỏ là một nhà máy hóa sinh thực hiện các biến đổi hóa học đặc biệt mà không một nhà máy nhân tạo nào làm nổi. Sau gần năm năm nghiên cứu, chúng tôi đã điều khiển được “nhà máy” đặc biệt này, sản xuất được tinh dầu trị bệnh tay chân miệng”. Theo ông Sơn, đến nay nhiều đơn vị đã cùng vào cuộc như Đại học Y dược TP lo thử nghiệm lâm sàng - khâu này gần hoàn tất và cho kết quả khả quan, còn Trung tâm Công nghệ sinh học TP lo bảo tồn giống trầu Bà Điểm vì đây là giống trầu quý, chỉ có giống trầu này mới chiết xuất được tinh dầu có khả năng trị bệnh. “Tôi hi vọng mọi việc được suôn sẻ và trong thời gian không xa nữa, trẻ con Việt Nam sẽ được chữa khỏi bệnh tay chân miệng bằng thuốc sản xuất trong nước từ chính lá trầu dân dã của quê hương” - ông Sơn nói. “Để người Việt tự hào khi đeo trang sức Việt”
Chúng tôi gặp bà Cao Thị Ngọc Dung, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), ngay sau khi bà đi công tác ở Vũng Tàu về. Quần tây đen, áo hoa giản dị, mang đôi giày gót thấp đã cũ, không phấn son - một hình ảnh rất khác trong hình dung của nhiều người về bà chủ một thương hiệu trang sức có tiếng không những trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Bà cười: “Tôi không thích đeo trang sức, rất nhiều lúc trên người tôi không có món trang sức nào. Tôi vẫn nói mình là người được nghề chọn. Và khi nhận nhiệm vụ cửa hàng trưởng Cửa hàng vàng bạc đá quý Phú Nhuận, tôi hạ quyết tâm phải công nghiệp hóa ngành kim hoàn Việt Nam, tìm lại vị thế cho trang sức Việt”. Hiện trong số các nghệ nhân kim hoàn được cấp giấy chứng nhận của Việt Nam thì thợ của PNJ chiếm hơn 60%. “Với nguồn nhân lực đó, không một công nghệ mới nào trên thế giới mà chúng tôi không tiếp thu được. Nhưng điều tôi tự hào nhất là đã xây dựng được con người PNJ, văn hóa PNJ. Tất cả anh chị em lao động đều coi PNJ là ngôi nhà chung” - bà Dung chia sẻ. Đến nay, khi PNJ đã nằm trong top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, top 20 công ty sản xuất trang sức vàng bạc đá quý lớn trên toàn thế giới theo bảng xếp hạng của Tổ chức Plimsoll (Anh) nhưng bà Dung vẫn trăn trở: “Có những thứ mình thành công và nghĩ là mình làm đúng, nhưng khi tiếp cận với những kiến thức mới và nhìn nhận lại thì thấy nếu cứ tiếp tục, chưa chắc điều đó có thể dẫn dắt doanh nghiệp thành công”. Ở tuổi 58 - lứa tuổi nhiều người chuẩn bị nghỉ ngơi, bà lại cảm thấy còn quá nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần đổi mới. Bà bắt tay vào tự học: học từ sách báo, học từ đối tác, học cả cấp dưới của mình. Trên cơ sở kiến thức mới học được, bà bắt đầu tái cấu trúc doanh nghiệp, tiếp tục tìm tòi đổi mới công nghệ. Bởi mục tiêu của bà vẫn là đưa ngành kim hoàn Việt Nam phát triển bền vững, giữ vị trí hàng đầu châu Á và vươn ra thế giới. Làm sao để trang sức PNJ không thua kém bất cứ thương hiệu nước ngoài nào, để người Việt có thể tự hào khi đeo trang sức Việt. Sẵn sàng hi sinh để đổi lấy sự bình yên cho người dân
Là một trong 26 đại biểu được TP cử đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới đây, trung úy Võ Thành Công (phòng cứu nạn cứu hộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM) nói về công việc của mình: “Dĩ nhiên có vất vả, nguy hiểm nhưng anh em luôn xác định đó là nhiệm vụ của người lính, dù phải hi sinh để đổi lấy sự bình yên cho người dân cũng sẵn sàng”. Theo trung úy Võ Thành Công, để hạn chế những hiểm nguy và thiệt hại không đáng có, quá trình luyện tập của các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ càng phải nghiêm túc, khắc nghiệt bởi “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Anh và đồng đội không những phải thường xuyên rèn luyện thể lực mà còn phải học để sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại như bộ đàm dưới nước, camera dò tìm trong đống đổ nát... Làm công tác cứu nạn cứu hộ dưới nước tám năm nay, trung úy Công chứng kiến quá nhiều cảnh thương tâm từ những tai nạn không đáng có. Vậy là hằng năm anh - với vai trò phó bí thư Đoàn - luôn tích cực tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn cho người dân, tuyên truyền chống đuối nước. Anh Công nói: “Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, nên cần được đào tạo tốt các kỹ năng phòng tránh tai nạn và kỹ năng tự bảo vệ cho các em”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận