11/08/2019 18:59 GMT+7

Thí điểm tự chủ bệnh viện: 'Cởi trói' về cơ chế để hoạt động tốt hơn

LAN ANH Thực hiện
LAN ANH Thực hiện

TTO - Nghị quyết 33 của Chính phủ vừa cho phép 4 bệnh viện (BV) lớn là Bạch Mai, Việt Đức, K (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là các BV không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Thí điểm tự chủ bệnh viện: Cởi trói về cơ chế để hoạt động tốt hơn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Viết Tiến - Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Tuy nhiên, việc này đang nảy sinh lo ngại: liệu có chuyện BV sẽ tăng viện phí, tăng chỉ định dịch vụ để tăng nguồn thu... trong khi đây là 4 BV lớn nhất nước, số lượng bệnh nhân đông. Trả lời TTCT, ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, cho biết:

- Chính phủ đã cho phép 4 BV trên thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, sau 2 năm sẽ có tổng kết xem hiệu quả thế nào, có nên mở rộng không. Đây là hướng đi tôi cho rằng hiệu quả, phù hợp tình hình hiện tại. 

Tự chủ không phải là tự nâng viện phí, mà quyền của chủ tịch hội đồng quản lý BV được nâng lên, ví dụ lẽ ra việc này, dự án này trước đây phải trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, bây giờ chủ tịch hội đồng quản lý có thể phê duyệt. Đó là tạo hành lang pháp lý để các hoạt động của BV thuận lợi hơn. Đó là cơ chế tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

* Vậy hiện có cơ chế kiểm soát nào để hạn chế chỉ định không cần thiết, hạn chế những vướng mắc có thể xảy ra vì BV hoàn toàn được giao quyền?

- Với các BV uy tín, bác sĩ uy tín thì chỉ định gì phải đúng là người bệnh cần, người bệnh không cần mà cứ chỉ định thì tự BV và bác sĩ sẽ mất uy tín. 

Tôi cũng là bác sĩ, không bao giờ làm những chuyện lẽ ra không cần mà mình lại hướng bệnh nhân làm, hoặc nếu BV không làm được kỹ thuật ấy thì phải hướng dẫn bệnh nhân đến BV khác, vì quyền lợi của người bệnh. Làm được như vậy mới giữ được uy tín của BV và bác sĩ. 

Người dân không phải lo việc để BV tự chủ thì thích làm gì thì làm. Trong ngành y không thể như thế, bởi trong BV cũng có một cơ chế tự kiểm soát nhau.

* Như ông nói, cách kiểm soát đó vẫn dựa trên niềm tin và ý thức của cá nhân. Nhưng ở đây các BV này đều là BV công lập, mỗi ngày trung bình có trên 20.000 người đến khám, hàng chục ngàn người điều trị nội trú?

- Nói về cơ chế, thông thường theo cách hiện hành, các dự án, hoạt động của BV phải trình lên Bộ Y tế. Còn khi giao tự chủ toàn diện thì chủ tịch hội đồng quản lý BV tự xem xét, quyết định. 

Nhưng tự quyết định vẫn có kiểm soát, ví dụ: trong hội đồng quản lý của BV luôn có 7-11 người, 1 người trong đó là cục trưởng/cục phó hoặc vụ trưởng/vụ phó của Bộ Y tế tham gia. Nếu có gì bất thường thì báo Bộ Y tế ngay, Bộ Y tế vẫn có quyền kiểm tra kiểm soát bất kỳ lúc nào, không phải là thả lỏng.

Giá cả (viện phí) không thể quyết linh tinh được, bởi quyết linh tinh là ông chủ tịch hội đồng quản lý BV chịu trách nhiệm đầu tiên. Các văn bản pháp luật đã có rồi. 

Cái khác nhất so với trước là trước đây các BV phải trình lên, "xin" Bộ Y tế cho phép mua cái này, cho phép sửa sang cái khác chính bằng tiền BV, chẳng khác gì bảo "bố ơi, cho con dùng tiền của con". 

Có khi khâu "trình, duyệt" mất cả tháng trời chưa xong. Nay những chuyện đó không có nữa, các BV tự quyết và công việc tiến hành rất nhanh, hôm nay có dự án, có khi ngày mai, ngày kia đã có thể triển khai rồi. Như vậy là thông thoáng, cải cách hành chính, phù hợp xu thế...

Thí điểm tự chủ bệnh viện: Cởi trói về cơ chế để hoạt động tốt hơn - Ảnh 2.

Nguồn: tổng hợp - Đồ họa: L.T.

* Người bệnh được lợi gì trong cơ chế đó, thưa ông?

- Người bệnh được hơn nhiều chứ, ví dụ những phòng bệnh dột nát, cần phải mở rộng trước có khi 2-3 tháng sau chưa xong vì có thể người được giao nhiệm vụ quản lý đi công tác, đi họp, BV lên hỏi: "Bác đã duyệt cho em chưa?", câu trả lời là: "Chưa, tôi còn phải đi họp"! 

Nay hội đồng quản lý họ quyết là có thể sửa chữa nhanh. Và nhiều vấn đề khác ở BV cũng được giải quyết nhanh như vậy.

* Liệu các BV đã sẵn sàng để đổi mới hay chưa?

- Các BV đã sẵn sàng, chính BV mong muốn thế nên mới đề đạt lên Bộ Y tế, lên Chính phủ. Giờ mới thí điểm, nhưng tương lai sẽ mở rộng, bởi trước khi cho thí điểm các cơ quan chức năng đã nghiên cứu kỹ rồi. 

Còn nếu thấy có mầm mống làm sẽ không thành công, không tốt thì sẽ không đưa ra thí điểm. Việc cho phép các BV tự chủ hoàn toàn, theo tôi, là giải quyết được phần nhiều những vướng mắc của cơ chế hiện hành, chứ không thể một sớm một chiều giải quyết hết, cái gì chưa giải quyết được thì chúng ta tiếp tục tìm cách.

* Chúng tôi biết vẫn có BV được giao tự chủ hoàn toàn nhưng còn e ngại. BV chưa được giao tự chủ cũng nhìn cách làm này với cặp mắt e dè. Theo ông, còn những hạn chế nào đối với cách làm mới này?

- Hạn chế là hạn chế chung, ở chỗ: nếu những người được giao quyền luôn nghĩ rằng phải làm sao đổi mới, quyền lợi ở đây là cho cả tập thể, biết tận dụng những điểm mạnh thì BV phát triển. 

Còn người nào "vung tay quá trán", quá đà, chuyên quyền thì "quyền lợi" trở thành "quyền hại". Mặc dù không có đề án tự chủ này, BV hoạt động theo cơ chế cũ, vẫn có những giám đốc mắc phải "quyền hại" vì lạm quyền.

Như bây giờ, phó giám đốc BV tuyến trung ương phải được Bộ Y tế xem xét, bổ nhiệm, không phải là êkip gì đâu nhưng cũng có khi người mới không hợp cách vận hành hiện tại của BV, làm không tốt. 

Nhưng nay thì chủ tịch hội đồng BV có thể xem xét, bổ nhiệm đến cấp phó giám đốc. Trước kia BV chọn người nhưng chưa chắc Bộ Y tế đồng tình và ngược lại. Như vậy, tự chủ không những "cởi trói" về xây dựng, về đầu tư trang thiết bị, mà kể cả về con người, cách làm việc... BV được quyết định hết, miễn là luôn khách quan, công tâm, đúng quy định.

Giảm chi hàng trăm tỉ đồng/năm

Ông Nguyễn Tuấn Hưng, phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết đề án tự chủ của BV Bạch Mai đã được thẩm định qua các cấp, được các bộ ngành góp ý và đang chờ Thủ tướng xem xét, ký quyết định.

Ba đề án của các BV Chợ Rẫy, Việt Đức, K cũng đã qua khâu thẩm định, đang tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng cho phép thí điểm hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, các BV sẽ triển khai hoạt động theo cơ chế mới. Với tiến độ này, BV Bạch Mai có thể sẽ triển khai đầu tiên, dự kiến quý 3-2019.

Theo ông Hưng, khi các BV thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, ngân sách nhà nước sẽ ngừng cấp lương, phụ cấp cho cán bộ y tế, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị… Với tổng số nhân lực từ bốn BV trên khoảng 10.000 người, khoản chi lương, phụ cấp và các chi phí khác lên tới hàng trăm tỉ đồng/năm.

"Riêng BV Bạch Mai và Việt Đức có cơ sở 2 mới xây dựng ở tỉnh Hà Nam thì trước mắt ngân sách vẫn hỗ trợ, nhưng về lâu dài sẽ cắt khoản hỗ trợ cơ sở 2 này.

Các BV sẽ chuyển sang tự chủ, như BV K mặc dù chưa có quyết định chuyển sang tự chủ toàn diện nhưng gần đây đã dành vốn tự tích lũy cộng với các nguồn đầu tư khác mua máy xạ trị trên 100 tỉ đồng" - ông Hưng cho biết.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 33 về thí điểm tự chủ 4 BV thuộc Bộ Y tế: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và K và có hiệu lực kể từ ngày ký (19-5). Mục đích nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Nghị quyết cũng lưu ý phải bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ BHYT, đối tượng chính sách, bệnh nhân nghèo… trong tiếp cận dịch vụ y tế. Không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu. Thời gian thí điểm 2 năm.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT: áp dụng theo giá do Bộ Y tế ban hành. Riêng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu do Bộ Y tế ban hành khung giá để các BV trên áp dụng.

Tự chủ bệnh viện có khiến chi phí

TTO - Liên doanh, liên kết với khu vực tư, việc đẩy giá trị của nhiều máy móc, thiết bị khi vào bệnh viện lên gấp đôi, đồng nghĩa với việc chi phí trả cho máy sẽ kéo dài thời gian hơn, 'đè' người bệnh.

LAN ANH Thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp