24/05/2014 04:20 GMT+7

Thí điểm cắm mốc lộ giới tại TP.HCM

D.NGỌC HÀ thực hiện
D.NGỌC HÀ thực hiện

TT - UBND TP.HCM vừa ban hành quy định cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị. Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, cho biết thêm:

x97Nj3Cn.jpg
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Ảnh: Ngọc Hà

- Theo Luật quy hoạch đô thị, sau 30 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt thì UBND các cấp phải lập hồ sơ cắm mốc giới, và cắm mốc giới ở thực địa trong vòng 45 ngày kể từ ngày hồ sơ cắm mốc được phê duyệt. Tuy nhiên, lâu nay việc cắm mốc đồ án quy hoạch trên thực địa chưa được cơ quan quản lý quan tâm. Để chuẩn bị thực hiện cắm mốc quy hoạch, sở đã thành lập phòng quản lý sau quy hoạch nhằm trực tiếp thực hiện việc này.

Luật quy hoạch đô thị quy định cắm mốc giới cho tất cả các loại quy hoạch từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết. TP sẽ thí điểm cắm mốc giới trên đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).

Theo quy định cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch phân khu có ba loại: mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ và mốc ranh các khu vực cấm xây dựng (mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực quy hoạch).

Sở Quy hoạch - kiến trúc TP sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện chọn ra những tuyến đường có khả năng thực hiện trong vòng năm năm trở lại để thí điểm cắm mốc. Sau khi thành công sẽ rút kinh nghiệm, rồi mới tính đến chuyện cắm mốc đại trà cho cả đồ án quy hoạch.

* Các nhà quản lý quy hoạch xem cắm mốc giới trong thực địa là công tác khó khăn trong quản lý quy hoạch. Ông có dự liệu những khó khăn gì trong công tác cắm mốc giới sắp tới?

- Tôi biết sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai thí điểm cắm mốc giới theo quy hoạch vì đây là công tác mới hoàn toàn. Dễ thấy nhất là trường hợp cắm mốc chỉ giới đường đỏ hoặc chỉ giới xây dựng ở các khu dân cư hiện hữu khu vực nội thành. Nếu vị trí cột mốc nằm trong nhà dân thì làm sao cắm?

Có khả năng phải mượn mốc, cắm ở chỗ trống, khi triển khai dự án thì từ mốc mượn có thể xác định mốc chính xác.

Bên cạnh đó phải vận động để người dân hiểu và hợp tác với đơn vị cắm mốc. Nhiều khu vực đất công viên cây xanh hoặc công trình công cộng mà có nhà dân xây trái phép nhiều quá cũng rất khó cắm mốc trong thực tế.

Một cái khó nữa là khi điều chỉnh quy hoạch thì phải thực hiện cắm mốc lại trong thực địa. Ví dụ như khu cây xanh P.Thạnh Xuân (Q.12) vừa rồi được điều chỉnh giảm gần 100ha.

Nếu như quy hoạch 250ha trước đây có cắm mốc thì nay phải di chuyển, điều chỉnh trong thực tế. Hoặc mốc giới quy hoạch một tuyến đường đã cắm, nhưng khi triển khai thực tế cơ quan chuyên môn điều chỉnh (độ cong, hướng tuyến...) cho phù hợp với kỹ thuật cũng sẽ gây khiếu nại, mất lòng tin trong nhân dân về quản lý quy hoạch.

Vì vậy việc xác định mốc giới cần phải chắc chắn, cơ sở khoa học của đồ án phải chặt chẽ, sau khi cắm mốc phải quyết liệt giữ, hạn chế tối đa sự điều chỉnh.

Hiện tại bản đồ để làm hồ sơ cắm mốc chưa có, kinh phí cắm mốc cũng phải ghi vốn hằng năm... Đây là một công tác mới nên Bộ Xây dựng ủng hộ để TP đi đầu thử nghiệm. Khó khăn tới đâu TP sẽ kiến nghị tháo gỡ đến đó và sẽ là kinh nghiệm để bộ hướng dẫn những địa phương khác thực hiện.

* Mục đích cắm mốc là để Nhà nước giữ quỹ đất đã quy hoạch, vậy người dân được lợi gì trong chuyện này, thưa ông?

- Mốc giới công bố ở thực địa, người dân sẽ biết được nhà mình nằm trong quy hoạch bao nhiêu, còn bao nhiêu. Người dân biết đâu là giới hạn của đất dành cho công trình công cộng, công viên cây xanh, khu vực cấm xây dựng để không sang nhượng, xây cất trái phép hoặc nếu có xây dựng cũng chỉ xây dựng chừng mực, có thời hạn theo quy định. Đây là một bước công khai, minh bạch thông tin quy hoạch.

Hiện tại, Nhà nước đã công khai các đồ án quy hoạch ở UBND xã, phường nhưng bản đồ quy hoạch chỉ tương đối chứ không cụ thể, chưa kể không phải người dân nào cũng có khả năng đọc bản đồ quy hoạch mà biết nhà mình thuộc khu vực nào. Bản thân cán bộ quản lý còn chưa hiểu hết quy hoạch. Sau khi có mốc giới trên thực địa, Nhà nước quản lý dễ hơn, tránh sai sót do đo vẽ.

Hiện tại việc cắm mốc giới chỉ thực hiện đối với các dự án chuẩn bị triển khai để xác định ranh giới bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án chuẩn bị thực hiện thì chủ đầu tư và cơ quan nhà nước cắm mốc giới để chuẩn bị bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại TP.HCM hiện có hơn 1.500 tuyến đường có lộ giới chưa được mở hết, và khoảng 500 đồ án quy hoạch phân khu. Nếu như thực hiện cắm mốc giới trong thực địa cho tất cả các con đường và đồ án quy hoạch trên sẽ tốn rất nhiều thời gian và kinh phí.

D.NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp