19/02/2005 06:04 GMT+7

Theo tàu Oparin nghiên cứu biển

Bài & ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Bài & ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

TT - Tàu Viện sĩ Oparin là con tàu nghiên cứu biển của Nga, được hạ thủy vào năm 1985. Kể từ ngày hạ thủy đến nay, con tàu đã liên tục hoạt động nhằm thu thập các mẫu sinh vật biển trong tất cả các vùng biển thế giới.

qf4NyvSN.jpgPhóng to
Tàu Oparin
TT - Tàu Viện sĩ Oparin là con tàu nghiên cứu biển của Nga, được hạ thủy vào năm 1985. Kể từ ngày hạ thủy đến nay, con tàu đã liên tục hoạt động nhằm thu thập các mẫu sinh vật biển trong tất cả các vùng biển thế giới.

Đã có 30 chuyến đi được thực hiện trong 20 năm như thế, mỗi chuyến thường kéo dài tới sáu tháng. Trong quá trình nghiên cứu biển của mình, tàu Viện sĩ Oparin đã ghé VN ba lần. Lần đầu tiên vào năm 1985 và lần thứ ba vào tháng 1-2005, đó là hai chuyến đi có các nhà khoa học VN tham gia.

Trên con tàu Viện sĩ Oparin

Tàu Viện sĩ Oparin có chiều dài trên 70m, ngang 15m. Tàu nặng gần 2.000 tấn, được thiết kế ba tầng với đầy đủ tiện nghi có thể hoạt động dài ngày ngoài khơi xa. Con tàu giống như một viện nghiên cứu biển lưu động, có phòng ngủ, phòng ăn, phòng thí nghiệm..., đã đến khắp các vùng biển cả năm châu lục. Con tàu thực hiện chuyến khảo sát vùng biển miền Trung VN kéo dài trong tháng 1-2005 với đoàn thủy thủ lên tới 69 người, trong đó gồm 35 nhà khoa học Nga của hai viện: sinh vật biển và sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương, với mục đích “nghiên cứu đa dạng sinh học vùng biển và ven biển Nam VN, định hướng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên biển; nghiên cứu các hoạt chất sinh học có nguồn gốc từ biển; thu mẫu sinh vật, vi sinh và mẫu địa chất để xây dựng bộ mẫu cho Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang”. Có những nhà khoa học Nga đã theo con tàu 30 năm nay như TS Tatyana Kuznetsova, TS Isakov... Trên con tàu, ngoài những tài liệu nghiên cứu khoa học còn có một cuốn sổ đã ngả vàng ghi chép những chuyến đi, có tên những nhà khoa học trên thế giới đã lênh đênh cùng con tàu trong mọi thời tiết với nhiều quốc tịch khác nhau. Trong đó có cả tên những nhà khoa học VN đi khảo sát biển khi con tàu vừa hạ thủy vào năm 1985, bắt đầu những chuyến lang thang trên biển đầu tiên như Nguyễn Văn Phụng, Lê Ngọc Trâm... TS Isakov cho biết trên đường tàu đến VN khảo sát là khi “những cơn sóng thần đang xảy ra ở các nước châu Á”.

Ông cười vui: “May mà tàu không vào vùng sóng giận dữ đó, nếu không thì chẳng gặp được các bạn”. Một màn hình lớn ngay phòng làm việc của tàu giúp mọi người có thể quan sát đáy đại dương một cách dễ dàng bằng những thiết bị theo dõi.Trên tàu Oparin có một nhà khoa học lớn tuổi, đó là TS Tatyana Kuznetsova, năm nay đã 65 tuổi nhưng nhiệt tình khoa học vẫn còn đầy ắp trong bà. 30 chuyến hải hành của tàu Oparin, bà đã nhiều lần tham gia và đây là lần thứ hai bà đến VN.

Bà nói: “Có thể tôi không nhớ hết những vùng biển đã đến, nhưng hai chuyến đi đến VN là không quên”. Bà cũng thích kể những câu chuyện vui về cuộc sống và trở thành người tâm đầu ý hợp với những nhà khoa học VN.

hwHK8KSe.jpgPhóng to
TS Tatyana Kuznetsova và chị Đào Việt Hà trong phòng thí nghiệm trên tàu Oparin
Những nhà khoa học VN trên tàu Viện sĩ Oparin

Có bốn nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học đã tham gia chuyến khảo sát khu vực biển miền Trung VN lần này của tàu Viện sĩ Oparin, trong đó có hai thạc sĩ là thạc sĩ Bùi Quang Nghị (37 tuổi) thuộc phòng sinh học và thạc sĩ Đào Việt Hà (36 tuổi), hiện là quyền trưởng phòng hóa sinh, là trưởng đoàn VN cùng hai chuyên viên khác.Anh Bùi Quang Nghị tốt nghiệp Đại học Đà Lạt. Anh cho biết cả 20 năm mới có một lần được lên tàu Oparin nên chuyến đi là một kỷ niệm lớn trong đời. Mới 5g30 đã thức dậy, đến 6g là hoàn tất mọi công việc để “đi làm”.

Hai chiếc canô đã sẵn sàng. Chiếc thứ nhất có nhiệm vụ lặn để lấy mẫu vật dưới đáy biển. Chiếc của anh Nghị có nhiệm vụ lấy mẫu vật ở các vùng triều. Ngày ngày canô tấp vào vùng triều với những rạn san hô nhỏ, đá, cả cỏ biển chen cùng. Mang đôi giày cho khỏi bị đá đâm, lội nước mà tìm kiếm.

Mỗi con ốc, mỗi sinh vật biển, hải sâm, san hô... đều được gắp bằng những đồ chuyên dùng. Ngay tức khắc chúng được xử lý hóa chất, cho vào chai lọ hoặc thùng đựng riêng. Anh Nghị nói: “Cả ba giờ đồng hồ mỗi ngày đến vùng triều soi mắt mà thu lượm. Mệt nhưng là công việc thú vị. Buổi chiều lại vào phòng thí nghiệm phân loại những gì vừa thu được trong buổi sáng. Trên tàu Oparin không có ngày nghỉ”.Chị Đào Việt Hà là người Hải Phòng, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, 14 năm công tác tại Viện Hải dương học. Hiện chị đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật. Đây không phải là lần đầu tiên chị đi biển, nhưng lại là lần đầu tiên có chuyến đi dài ngày với đoàn khoa học Nga.

Chị nói: “Đây là một chuyến đi lớn, mỗi một ngày là một ngày của công việc. Buổi sáng, khi mặt trời bắt đầu ửng đỏ trên biển là tiếng chuông điện báo thức cả đoàn thức dậy. 7g là bắt đầu vào công việc. Tùy theo sự phân công mà có người làm việc trong phòng thí nghiệm, có người sẽ theo canô đến địa điểm cần lấy mẫu vật nghiên cứu để đi biển. Những mẫu vật lấy được, chúng tôi phân loại khảo sát, lưu giữ. Chỉ một số ít được phân tích, còn lại là để sau chuyến đi”.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tắc An, viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang:“Sau chuyến khảo sát lần này của tàu Oparin, bạn đã cung cấp cho ta 200 mẫu sàng lọc chất hoạt tính. Đó là cơ sở ban đầu để ta có kinh nghiệm tiếp tục nghiên cứu, sử dụng thiết bị, tạo mẫu. Dù đang gặp nhiều khó khăn, Nga vẫn là một cường quốc trong lĩnh vực nghiên cứu biển. Theo thỏa thuận, tàu Oparin sẽ tiếp tục qua VN với những chuyến nghiên cứu mới và hợp tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ khoa học VN”.

Theo chị Hà, những chuyên viên ra tới độ sâu 20-50m, chiếc canô nhỏ bé được neo lại giữa biển mênh mông. Hai người ở trên canô, còn tất cả đều mang trang thiết bị lặn và phương tiện thu mẫu vật, nhảy xuống vùng biển khi ánh mặt trời chỉ mới vừa lan tỏa trên biển.

Để trở thành thợ lặn của tàu Oparin, các nhà chuyên môn cũng trải qua tập luyện không khác gì thợ lặn chuyên nghiệp. Độ sâu 20-30m dưới đáy biển là biết bao bí mật, và tất nhiên lặn xuống để lấy những mẫu vật, bảo toàn chúng đem về tàu không dễ dàng gì. Nhưng không chuyến lặn nào các nhà khoa học lại về tay không. Cứ mỗi ngày tàu Oparin lại đến một vùng biển, trong khi thời tiết từng ngày một đang diễn ra thất thường. Và câu chuyện nhớ đời của chị Đào Việt Hà chính là một ngày sóng lớn.

Chị kể: “Hôm đó biển động dữ dội, trong khi tàu ở một khu vực bao quanh chỉ là nước. Chiếc tàu ba tầng như thế mà sóng cũng chồm lên tận tầng ba, chúng kéo cả đồ đạc trong phòng ra ngoài khi chúng tôi chưa kịp đóng các ô cửa. Quả thật khi trải qua tình huống mình đang ở trên biển khơi khi sóng gió như thế mới cảm nhận sự bé nhỏ của con người. Và tôi cũng cảm nhận sức làm việc hết mình của những đồng nghiệp Nga”.Đến ngày thứ ba trên tàu thì chị Nga không ăn được thức ăn Nga nữa. “Kết thúc chuyến đi tôi sụt mất 3kg - chị nói - Nhưng không thể không ghi nhận là các bạn Nga đã dành những gì tối ưu cho chúng tôi. Những ngày trên tàu Oparin tôi nhận thấy các đồng nghiệp Nga sống rất nhân hậu và họ rất yêu nghiên cứu khoa học. Thường thì các nhà khoa học Nga có những chuyến đi nghiên cứu trên biển vài ba tháng là chuyện bình thường.

Cảm động nhất là những ngày kết thúc chuyến đi, khi lương thực trên tàu đã cạn, các bạn Nga đã ưu tiên lương thực cho đoàn VN. Chỉ nhìn bàn ăn là chúng tôi biết. Nhưng có ai biết rằng mỗi ngày làm việc như thế các nhà khoa học Nga chỉ được hưởng công tác phí là 3 USD. Nhưng với họ, những nhà khoa học, vấn đề không phải là tiền bạc”.Chuyến nghiên cứu biển kết thúc, nhưng công việc của những nhà khoa học Nga và cả VN sẽ còn kéo dài...

Bài & ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp