Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt và vợ hồi tưởng Hà Tiên có đá Vọng phu - Ảnh: SƠN LÂM
"Nơi phía Nam, giữa núi mờ/Ai bế con mãi đứng chờ". Tượng đá vọng phu ở xứ Hà Tiên cũng là một cảm hứng cho bản trường ca từng được nhạc sĩ Lê Thương chia sẻ. Thông tin ấy gây ngỡ ngàng đối với nhiều người, kể cả người dân vùng cuối đất Kiên Giang.
Cuộc kiếm tìm ngọn nguồn câu chuyện Vọng phu thạch ở vùng đất này cũng đầy bất ngờ và thú vị.
Tìm kiếm trong chuỗi mơ hồ
Nhắc đến Hà Tiên xưa nay, mọi người nghĩ ngay đến danh thắng hòn Phụ Tử nổi tiếng chứ nào phải hòn vọng phu. Cố gắng truy tầm tư liệu, chỉ thấy có nhạc phẩm Nàng Hà Tiên của Lê Thương sáng tác trước khi ra đời ba bài Hòn Vọng Phu.
Chẳng thấy ghi chép nào về câu chuyện đất Hà Tiên có đá "bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về". Phải chăng Lê Thương nhầm lẫn hay tự huyền thoại, "vọng phu hóa" một khối đá nào đó?
Lần theo lời nhạc sĩ từng chia sẻ, chúng tôi về đất Kiên Giang những mong kiếm tìm, minh định thực hư câu chuyện. Men theo bờ biển Tây, từ Kiên Lương cho đến Hà Tiên, quanh những khối núi đá vôi trải dài vươn ra tận biển này, khi nghe hỏi ở nơi nào có đá vọng phu, nhiều người nhìn chúng tôi như "từ trời rớt xuống".
Kể cả anh bạn nhà báo rất rành rẽ về đất Kiên Giang cũng quả quyết với chúng tôi: "Làm gì có. Hòn vọng phu ở đâu ngoài miền Bắc hay miền Trung kia chứ. Ở đây chỉ có hòn Phụ Tử, mà nay chỉ còn hòn Tử mà thôi. Hòn Phụ sụp hơn chục năm rồi".
Đến thăm chùa Hang bên eo biển xã Bình An thuộc huyện Kiên Lương; chùa nằm ở khối núi đá vôi sừng sững hướng ra khung cảnh hàng loạt núi đá nhô lên mặt biển trải dài.
Nổi bật hơn cả là hòn Phụ Tử giữa phong cảnh hữu tình, với trụ đá hơi cong chĩa lên trời. Bà Tư, chủ một quán nước trên đường dẫn vào chùa, ví von: "Tên là hòn Phụ Tử, nhưng kể từ ngày hòn Phụ sụp, nhiều người gọi tên là hòn Tử mồ côi, mà đúng vậy thiệt chớ!".
Bà Tư thao thao về hòn Phụ Tử ngày trước như một con thỏ, hai tai chính là Phụ và Tử đang giỡn đùa sóng biển đầy nắng gió. Thắng cảnh độc đáo này được kể với biết bao huyền thoại.
Thế rồi, cơn biển động rạng sáng ngày 8-9-2006, một phần "tai thỏ" cao hơn là hòn Phụ đổ ụp xuống biển mà tiếng "ầm" vang vọng đến tận nhà dân cách đó mấy cây số. Hòn Tử trở nên đơn côi, cũng tiếp tục được thêu dệt khá nhiều câu chuyện hết sức thú vị.
Thực địa quanh vùng, tuyệt nhiên không có lưu truyền câu chuyện, chi tiết nào liên quan đến môtip đá vọng phu. Các cụm dân cư sống quanh hàng chục khối núi cận kề biển Tây, men theo quốc lộ 80 cũng chẳng có chuyện kể tương tự nào.
Tưởng chừng vô vọng, một anh bạn chợt nhắc đến nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt ở TP Hà Tiên, người được "ông già Nam Bộ" Sơn Nam gắn cho biệt danh "nhà Hà Tiên học".
Bất ngờ thăm người trọng bệnh, chúng tôi phải chờ ông sửa soạn khá lâu để được đón tiếp. Người vợ là nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên hiểu biết nhiều về vùng đất từng sống mấy chục năm, rất bất ngờ trước điều chúng tôi đang tìm kiếm và cho rằng nhạc sĩ Lê Thương có lẽ đã nhầm, vì đất Kiên Giang chưa từng nghe có đá vọng phu.
"Ở đây mà nói có hòn vọng phu người ta cười; người ta chỉ biết có hòn Phụ Tử thôi" - tác giả năm đầu sách quen thuộc với người Kiên Giang khẳng định.
Tảng đá trắng trên núi Giếng Tượng, TP Hà Tiên được cho là một phần cảm hứng Lê Thương sáng tác Hòn Vọng Phu - Ảnh: SƠN LÂM
Vọng phu trên núi Giếng Tượng
Suốt gần buổi sáng trao đổi, "nhà Hà Tiên học" Trương Minh Đạt chia sẻ rất nhiều, từ địa chất địa mạo, lịch sử văn hóa, các giai đoạn mở đất định cư của những lưu dân người Việt, kể cả nhiều huyền thoại, truyền thuyết của vùng đất cổ Hà Tiên. Nổi trội trong số đó là chuyện Thạch Sanh cứu công chúa tại hang Thạch Động - một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố biển này.
Ông Đạt cũng cho rằng nhạc sĩ Lê Thương đã nhầm chăng, bởi suốt mấy chục năm nghiên cứu, chuyện liên quan vọng phu chưa từng được tìm thấy trong tài liệu nào.
Sau lời chia tay để về Sài Gòn, chợt ông Đạt nhắm mắt, với tay ra chiều suy nghĩ về điều gì đó. Hồi hộp chờ đợi, chúng tôi như "bắt phải vàng" từ lời nói khẽ của ông: "Hà Tiên đúng là không có chuyện hòn vọng phu được kể như nhiều nơi khác, và cũng không được ghi chép trong sách vở. Nhưng tui vừa nhớ có một tảng đá trắng cao trên núi Giếng Tượng, người ta từng truyền tai nhau, gọi đó là Vọng phu thạch, tức đá Vọng phu".
"Hòn đá trắng đó còn không? Người ta lên được không? Sao hồi đó đến giờ tui chưa nghe?" - bà Liên dồn dập hỏi chồng trong sự ngạc nhiên.
"Mình đi theo lộ ra bãi biển Mũi Nai, ngó lên là thấy ngay mà. Hồi nhỏ tui vẫn đi ngang và nghe chuyện, cũng từng lên tảng đá đó. Hi vọng nó vẫn còn, chưa bị "phá" như đá Vọng phu ngoài Bắc" - ông Đạt nói.
Chớp lấy sự hứng thú của cả hai người, chúng tôi ngỏ ý chở cả hai người tìm đến tận nơi xem khối đá đặc biệt kia có còn hay không.
Chúng tôi cho xe chạy theo lối hang Thạch Sanh rồi đi theo những con đường ngoằn ngoèo vòng quanh những khối đá vôi lớn tiếp nối mấy dãy núi cao, nào những núi Nai, núi Đèn, núi Lớn... Giếng Tượng là dãy núi đất cao hơn 100m, dài nhiều cây số toàn rừng trồng keo và tràm hoa vàng.
Chúng tôi cho xe chạy từ từ theo đường bêtông vòng quanh núi, dừng lại nhiều đoạn để nhà nghiên cứu 86 tuổi nhìn kỹ và soát xét trong trí nhớ. Xe chạy quanh hai vòng vẫn không ai thấy tảng đá trắng nào nhô cao.
Ông tỏ vẻ buồn và thất vọng lắm: "Có khi nào người ta gõ lấy đá rồi chăng?".
Chúng tôi dừng từng đoạn hỏi người địa phương về tảng đá trắng Vọng phu ở đâu, có còn không, ai cũng lắc đầu không biết. Thật may, trên một bờ ao ngay chân núi, một cụ già trả lời nhanh nhẩu: "Đá Vọng phu chứ gì, nó vẫn còn mà. Cứ đi vòng lại chỗ ủy ban phường Pháo Đài, tới một chút là đường vào. Tảng đá trắng đó ngay chỗ núi đang khai thác đất đó".
Đến nơi, khối đá nằm ngay sau dãy trại mà TP Hà Tiên làm chỗ cách ly COVID-19. Thì ra, đá Vọng phu mà người dân Hà Tiên xưa kia nhắc đến không ở tít trên cao như trong ký ức từ tấm bé của "nhà Hà Tiên học", cũng không mang dáng vẻ người mẹ bồng con.
Đó chỉ là khối đá lớn khoảng bằng đầu kéo chiếc container, nằm ở vách núi cao vài chục mét, màu trắng đục nổi bật giữa mảng đất đỏ và cây xanh.
Nhà nghiên cứu ra chiều đăm chiêu như đang sống trong dòng ký ức: "Đúng tảng đá này đây, chính vị trí này trông thẳng ra biển". Người vợ trong trạng thái phấn khích: "Thật đúng, xứ nào trên đất nước mình mà chẳng có cảnh vọng phu. Cho nên khi đến đây, người ta ghép những tình cảm nhớ trông đợi chờ mòn mỏi của người vợ cho khối đá này".
Lặng trông đá núi, chợt nghĩ đến người nhạc sĩ thủa hoa niên đã từng đến nơi, từng nghe câu chuyện, thấu cảm nỗi niềm vọng phu mòn mỏi được gắn cho tảng đá vô tri. Cũng có khi nhạc sĩ từng leo lên tảng đá kia hướng vọng biển xanh mà cảm thương đến người phụ nữ "lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm".
Nơi phía Nam giữa núi mờ
Ai bế con mãi đứng chờ
Như nước non xưa đến giờ?
Đường chiều mịt mù cát bay tỏa bước ngựa phi
Đường trường nếp tàn y hùng cường
vẫn còn bay trong gió
…
Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng bao nghìn năm
Tiếng gió cồn như tiếng trống dồn buổi khuya vắng
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang động trong lòng...
(Trích Hòn Vọng Phu 3 - Lê Thương)
Kỳ tới: Trường ca bất tử
Trường ca "Hòn Vọng Phu" được bước vào cổ điển, cả nhạc và lời đều bất tử, chứ không bị lãng quên như các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận