“Đá vọng phu” theo cảm xúc và cách nhìn của Lê Thương trên đỉnh núi Đá Bia cao 706m - Ảnh: THÁI LỘC
Ngọn núi ẩn chứa biết bao huyền tích, dấu ấn văn hóa lịch sử đất nước đã trở thành một phần xúc cảm cho bản trường ca trứ danh.
Có người bảo Lê Thương nhầm lẫn. Nhưng ấn tượng và cảm xúc của vị nhạc sĩ tài hoa có lý lẽ riêng của nó...
Đỉnh thiêng độc đáo
Đến chân núi Đá Bia giữa buổi trưa giao mùa, chúng tôi hỏi người dẫn đường lên núi trong một quán cơm gà ở thôn Hảo Sơn (Hòa Xuân Nam, Đông Hòa, Phú Yên), một cậu thanh niên bưng cơm nói ngay:
"Em sẽ dẫn anh đi, lâu rồi em cũng muốn thăm đỉnh núi thiêng". Đó là Hùng - sinh viên khoa thủy sản Trường ĐH Nha Trang, về quê phụ việc gia đình khi trường tạm nghỉ chống dịch.
Theo quốc lộ 1 hướng lên đèo Cả, chúng tôi gửi xe ở quán nước cạnh tảng đá "Di tích thắng cảnh quốc gia Núi Đá Bia - Đèo Cả", băng qua cây cầu bêtông nhỏ tiến vào hệ thống tam cấp dẫn lên đỉnh núi.
Một cụ bà sống trong căn nhà tạm bợ ngay chân bậc cấp bảo: "Mấy chú lượng sức mà đi, dốc cao, khó tới nơi. Mấy nay mưa nhiều, nhiều chỗ trơn trượt dễ vấp ngã lắm, hay mấy chú chờ ít hôm nắng ráo rồi đi".
Con đường lên núi gồm hàng ngàn bậc tam cấp làm bằng đá chẻ, nhiều đoạn quanh co theo chân những tảng đá rất lớn, có đoạn là những chiếc "thang" bêtông vượt lên khối đá cao mấy tầng lầu. Đường khá dốc mỏi bước chân đi, nhưng cảnh sắc luôn thay đổi khi xuyên qua nhiều thảm rừng khác nhau.
Đoạn thì dày đặc cây bụi, dây leo, nhiều nơi bạt ngàn chuối rừng hay tre trúc. Cây thân gỗ cao không nhiều, chỉ mọc thành từng cụm xen kẽ với những đám thân cột họ cau dừa. Nhiều điểm dừng chân là những cái hang tạo bởi những khối đá lớn, chằng chịt dây leo như trong cổ tích.
Hùng cho hay tuyến đường dài hơn 2 cây số này được làm trên con đường mòn cũ do người dân đi lại, khai thác rừng từ xa xưa. Thú rừng ở đây không nhiều, thỉnh thoảng người dân bắt gặp heo, mang, chồn, cầy, trăn, rắn, các loài gà và nhiều loài chim.
Thỉnh thoảng cũng có đoàn khách mang vác đồ chuyên dụng đến chân núi thuê người dân dẫn vào rừng rồi cắm trại canh ngắm những loài chim quý...
Sản vật được xem quý giá nhất của cánh rừng mang lại cho dân địa phương chính là nguồn dược liệu.
Rất có thể khối núi cao toàn đá nằm sát biển luôn có sương giăng và thường có gió "cực đoan" đảo chiều nóng lạnh này trở thành nơi sinh trưởng của nhiều cây thuốc quý.
Đặc biệt quý trong số đó là loài cam thảo Đá Bia, đến thời điểm này là nơi duy nhất tìm thấy (đặc hữu) tại Việt Nam. Hùng nói trước đây cam thảo Đá Bia rất nhiều, được dân trong vùng xem như "thần dược" chữa bệnh nhức đầu lâu năm.
Các loại vết thương, sưng tấy, ghẻ lở thì dùng nước nấu, rửa qua vài lần là khỏi ngay. Hoa cam thảo cũng là món khoái khẩu của dân Hảo Sơn. Vì sự "đa năng" ấy mà cây bị khai thác triệt để, ngày nay rất hiếm khi tìm thấy.
Người ta tin rằng vị thuốc quý này giúp nhanh hạ đường huyết và trị bệnh tiểu đường. Loài cam thảo này được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2007 trong tình trạng EN (nguy cấp), ngày nay chỉ còn tìm thấy vài cây nằm rải rác ven các khe đá nhỏ ở độ cao khoảng 500m trên núi.
Được biết, loài cây đang được nghiên cứu, ươm trồng và nhân giống nhằm mục đích thành mũi nhọn kinh tế cho dân địa phương.
Núi Đá Bia kỳ vĩ nhìn từ quốc lộ 1 đoạn lên đèo Cả - Ảnh: THÁI LỘC
Vọng phu trong lòng nhạc sĩ
Sau hơn 2 giờ mới đến tận nơi, sự đồ sộ của khối đá ngay giữa đỉnh núi nhô thẳng lên cao, đặc biệt ngoài sức tưởng tượng. Những mệt mỏi chợt tan biến bởi làn gió mạnh đến từ biển cả phả hơi sương buốt lạnh.
Được đặt tay và tựa lưng vào khối đá thiêng, lòng dâng trào cảm xúc trước bao câu chuyện văn hóa lịch sử.
Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông trong chuyến mở cõi đất phương Nam đã dừng lại nơi đây, tương truyền đã cho khắc chữ lớn lên khối đá ở độ cao 706m này ghi dấu mốc giới bờ cõi, thành Thạch Bi Sơn, tục gọi Đá Bia. Đến thời Minh Mạng, ngọn núi nằm trong dãy Đại Lãnh được vua cho khắc vào Cửu Đỉnh biểu tượng vương quyền.
Về sau, ngọn núi thiêng từng được các nhà hàng hải phương Tây xem là "ngón tay của Chúa"... Sự độc đáo của ngọn núi, của khối đá và cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái rất đáng để cất công chinh phục, trải nghiệm.
Nhạc sĩ Lê Thương từng chia sẻ lúc sinh thời: chuyến vào Nam năm 1934, khi đến ranh giới Phú Yên - Khánh Hòa "thấy tượng đá vọng phu trên núi Đá Bia". Ngọn núi trở thành một trong những cảm hứng để sáng tác trường ca trứ danh. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu địa phương tin rằng nhạc sĩ Lê Thương đã nhầm.
Khi thực hiện công trình văn hóa dân gian vùng Vũng Rô - Đèo Cả - Đá Bia, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc cho biết: Đá Bia chưa từng được người địa phương xem là đá vọng phu. Ông Nguyễn Đình Chúc phỏng đoán rằng Lê Thương đã nhìn khối đá mang hình vọng phu từng được một số tác giả ghi nhận nằm trên đèo Cả chăng?
Tương tự, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Phú Yên, tác giả sách Đá Bia huyền ảo: Hình tượng Đá Bia trong văn học nghệ thuật, cũng cho hay: "Đá Bia không phải là đá vọng phu".
Soát trong trí nhớ, ông Sơn bỗng giật mình: "Phú Yên cũng có núi vọng phu đấy, nhưng cách Đá Bia khá xa". Núi này còn có tên Mẹ Bồng Con trong mạch Trường Sơn, gồm hai đỉnh cạnh nhau, cao 1.762m và 2.021m, chỗ giáp ranh ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Theo công trình "Các truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng Phú Yên" của Đào Minh Diệp và Đoàn Việt Hùng, truyền thuyết liên quan đến núi Vọng Phu - Mẹ Bồng Con có khá nhiều dị bản. Trong đó có chuyện người chồng "ngậm ngải tìm trầm" trong rừng sâu, người vợ ôm con chờ chồng cho đến chết và hóa thành đá...
Trở lại đỉnh thiêng Đá Bia, còn có câu chuyện khối đá không "cô đơn" như những huyền tích vọng phu. Một tên gọi khác về khối đá cao 70m trên đỉnh núi 706m này là hòn Ông.
Bốn đỉnh thấp hơn gần đó là Bà Ứng, Bà Chớp, Bà Hiền và Bà Từ. Đá Bia có lẽ chưa từng là đá vọng phu, song cảm xúc dâng trào thành nên nhạc phẩm như "một sự đã rồi".
Bởi vì, trong mắt, trong trái tim của người nhạc sĩ đại thụ tài hoa Lê Thương, khối đá đã trở thành một biểu tượng người vợ ôm con chờ chồng đến hóa đá, góp phần cảm hứng để lại cho đời bản trường ca Hòn Vọng Phu bất hủ...
"Những cảm hứng đã thôi thúc tôi sáng tác Hòn Vọng Phu còn mấy yếu tố quan trọng nữa, đó là chuyến tôi vào Nam năm 1934, khi qua đèo Cù Mông đến ranh giới hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tôi thấy tượng đá vọng phu trên núi Đá Bia phía đông đèo Cả" - nhạc sĩ LÊ THƯƠNG (Tâm tình văn nghệ sĩ, Lê Phương Chi, NXB Thanh Niên 2001).
****************
"Nơi phía nam, giữa núi mờ/ Ai bế con mãi đứng chờ". Một trong những hình tượng khơi gợi cảm xúc để Lê Thương sáng tác Hòn Vọng Phu là "Vọng Phu thạch" ở Hà Tiên.
Kỳ tới: Nơi phía Nam giữa núi mờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận