Vì sao là đọc báo mà không phải đọc sách? Theo Trần Thế Phong thì đọc báo là sinh hoạt phổ biến hằng ngày, cứ sáng đi ra phố là thấy người ta mua báo, đọc báo. Hình ảnh đọc báo có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu. Báo chí là nhịp cầu thông tin nhanh nhạy, mang hơi thở cuộc sống một cách sôi nổi nhất.
Theo quan sát của Trần Thế Phong, người đời thường có hai thú vui chính đó là nghe nhạc và đọc báo. Bản thân anh cũng là người thích đọc báo, xem báo chí là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Cũng từ thông tin báo chí mà Trần Thế Phong lên đường chụp nhiều loạt ảnh, trong đó có loạt ảnh về cơn bão Chanchu năm 2006 (đoạt giải nhất báo chí TP.HCM năm 2006).
Nhưng có một nguyên nhân sâu xa khiến Trần Thế Phong theo đuổi dự án ảnh Đọc báo, là bởi anh từng là trẻ bụi đời, kiếm sống bằng nghề bán báo dạo từ năm 6 tuổi. Từ khi là một đứa trẻ bán báo dạo, Trần Thế Phong đã quan sát đời sống thị dân, trong đó có những người đọc báo. Không phải ai cũng có tiền mua báo đọc, có người đọc ké, có người đọc cọp, có người đọc báo từ những mẩu giấy báo gói đồ vứt đi, có người không biết chữ nghe đọc báo từ người khác... Bây giờ khi chụp ảnh đọc báo, Trần Thế Phong như sống lại ký ức tuổi thơ hè phố.
Với 80 bức ảnh, xuyên suốt một chủ đề Đọc báo, Trần Thế Phong cung cấp cho người xem hình ảnh đọc báo dọc theo chiều dài đất nước VN, từ Hà Nội đến Cà Mau. Trên hè phố, trong tiệm hớt tóc, ngoài bến phà, trong công viên, ngoài bãi biển, trên máy bay... đâu đâu cũng thấy hình ảnh đọc báo. Hỏi Trần Thế Phong trong khi rong ruổi để ghi lại hình ảnh đọc báo, anh thấy người dân đọc báo nào nhiều nhất, Trần Thế Phong trả lời ngay: “Có ba tờ báo mà tôi thấy đọc nhiều nhất là Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Công An TP.HCM. Còn nếu ai muốn thử làm cuộc điều tra thì đến xem triển lãm của tôi sẽ rõ”.
Đọc báo, đó là hình ảnh mà ai cũng từng thấy, nhưng khi xem ảnh của Trần Thế Phong chúng ta thấy cuộc sống hiện ra một cách chân thật và sống động hơn. Có khi trong một bức hình, ta thấy bên cạnh một chiếc laptop vẫn có người mở tờ báo giấy ra say sưa đọc. Rồi ta lại thấy hình ảnh một đứa trẻ (chưa biết chữ) vẫn nhìn chăm chú vào tờ báo, cùng người thân của nó. Những khoảnh khắc như ngưng đọng lại, để rồi sau này, rất có thể khi nhìn vào những tấm ảnh đọc báo, chúng ta sẽ nhớ lại những tháng ngày với những thông tin hình ảnh, đã vô tình lưu lại trên tay người đọc.
Triển lãm Đọc báo diễn ra tại Nhà triển lãm Thành phố (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) từ ngày 19 đến 22-5-2012. Nhân dịp này, Trần Thế Phong sẽ ra mắt tập sách ảnh Những nẻo đường tuổi thơ (NXB Trẻ) dày 160 trang với 152 ảnh, chụp trong 12 năm. Số tiền bán sách ảnh (giá bìa 450.000 đồng/cuốn) sẽ được trích giúp trẻ em nghèo học giỏi ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận