Đào sá sùng ở bãi nổi Chương Xá - Ảnh: QUANG THẾ
Những ngày đầu tháng 12, khi con nước cạn về chiều, từng tốp phụ nữ vác mai ra bãi Chương Xá, thuộc địa phận xã Đông Xá, huyện Vân Đồn đào bới sá sùng, còn có tên gọi khác là con mồi.
Sá sùng được ngư dân ví như "vàng ròng" của miền biển vì giá trị kinh tế rất cao.
Mùa đông sản lượng sá sùng không như mùa hè nhưng chỉ sau vài giờ cầm mai, mỗi người dân cũng có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng - Ảnh: QUANG THẾ
Với chị Nguyễn Thị Toan (40 tuổi, thôn Đông Tiến, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), nghề đào sá sùng là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình chị, từ trang trải cuộc sống hằng ngày đến đóng tiền học cho con.
Chị Toan chia sẻ: "Chẳng biết làm gì ngoài nghề đào mồi sá sùng. Đã bao nhiêu năm nay người dân chúng tôi gắn bó với bãi Chương Xá này rồi. Ngày ít cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, ngày chính vụ có hôm đào được nhiều kiếm tiền triệu".
Chị Thao đào sá sùng mưu sinh - Ảnh: QUANG THẾ
Cũng như chị Toan, chị Nguyễn Thị Thao, thôn Đông Thành, xã Đông Xá cho biết nếu không đi đào sá sùng thì chị không biết kiếm nghề gì để sinh sống.
Chị Thao bùi ngùi kể: "Tôi về đây cũng được mười mấy năm rồi, không có nghề nghiệp, hằng ngày dựa vào con mồi sá sùng này. Đời nọ truyền đời kia, giờ các bà không đi làm nữa thì lại truyền cho các con. Các mẹ đi làm lo tiền học cho con, tiền trang trải cuộc sống".
Thành quả sau vài giờ lao động - Ảnh: QUANG THẾ
Đã hàng chục năm mưu sinh trên bãi nổi Chương Xá, bà Lý Thị Phương (tổ 3 khu 4, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) cũng bảo đào sá sùng không chỉ để mưu sinh mà còn là nghề truyền thống bao đời nay.
"Nghề sá sùng như cái duyên, cái nợ với người dân Vân Đồn - bà Phương nói - Hằng ngày ăn cơm xong chỉ mong ra biển đào sá sùng rồi cạo ngao. Một ngày không được ra bãi Chương Xá đào mồi là chúng tôi đã thấy buồn lắm rồi...".
Sá sùng thuộc ngành họ giun đốt, ở nước ta sá sùng phát triển mạnh ở một số vùng biển thuộc huyện Vân Đồn - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Phạm Văn Học - chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xá - thông tin: "Con sá sùng tập trung ở vịnh này nhiều và cũng đã nhiều đời nay bà con tham gia khai thác ở vùng biển này với thu nhập rất tốt. Giá trị của sá sùng 1kg khô có lúc giá 4,5-5 triệu đồng, chính vụ cũng được 3-3,5 triệu đồng".
Sá sùng thường được chế biến làm thuốc đông y, nấu ăn như thuốc bổ hoặc thực phẩm. Đặc biệt, trong món phở truyền thống của Hà Nội và Nam Định, sá sùng được thêm vào để góp phần làm ngọt nước dùng.
Do nhu cầu thị trường lớn nên sá sùng đào lên được thu mua ngay tại bãi Chương Xá - Ảnh: QUANG THẾ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận