Theo số liệu năm 2021, thế giới có gần 40 triệu trẻ em bỏ lỡ liều vắc xin sởi, bao gồm 25 triệu trẻ em bỏ lỡ liều đầu tiên và thêm 14,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ hai.
Tỉ lệ bao phủ vắc xin giảm mạnh do ảnh hưởng bởi làn sóng tâm lý của nhiều bậc phụ huynh lo sợ các tai biến sau tiêm phòng xảy ra với con trẻ. Các hoạt động tiêm chủng bị gián đoạn, chậm trễ do đợt bùng phát của dịch bệnh COVID-19...
Tháng 2-2023, tôi có cơ hội tham gia và trở thành tình nguyện viên cùng các cán bộ y tế theo chân chuyến hành trình cõng vắc xin lên thăm huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là khu vực thuộc vùng sâu vùng xa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ y tế cũng như tiêm phòng vắc xin cho con trẻ còn hạn chế.
Và là một trong số những nơi được lựa chọn để thực hiện đợt tiêm chủng vắc xin sởi nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
7 giờ sáng chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã A Đớt. Mọi công tác đều được chuẩn bị khá chu toàn, hứa hẹn một ngày tiêm phòng đầy năng suất.
Nhưng dường như mọi thứ đi ngược lại với những gì chúng tôi nghĩ. Mặc dù đã được chính quyền địa phương phát loa thông báo trước đó nhưng số lượng người dân đăng ký đưa trẻ đến tiêm chỉ đếm trên đầu ngón tay, rất ít so với chỉ tiêu đã đề ra.
Từ sáng sớm đến lúc mặt trời đứng bóng cũng chỉ rải rác có mấy chục lượt tiêm. Chúng tôi ngỡ ngàng bảo nhau có lẽ vì đường xa nên người dân ngại không ra trạm xá. Với tình hình này thì khả năng còn dư thừa vắc xin là quá cao.
Hiểu rõ trách nhiệm của mình và việc tiêm chủng là điều cấp thiết lúc bấy giờ để mang cơ hội được sống khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh tật tới gần nhất với các em.
Chẳng do dự hay đắn đo, các y bác sĩ cùng tình nguyện viên quyết định thu dọn hành trang, vật tư y tế để vào ba lô, những liều vắc xin được xếp gọn bảo quản trong thùng phích chuyên dụng. Tất cả sẵn sàng để băng rừng, vượt suối vận động bà con và tiến hành tiêm chủng lưu động ngay tại chỗ.
Thời tiết không mấy ủng hộ chuyến "cõng vắc xin lên núi" bởi trận mưa dông bất chợt. Sau một hồi tránh trú, mưa cũng ngớt hạt, cả đoàn chật vật di chuyển. Con đường đất đá trơn láng sình bùn dẫn chúng tôi vào tận bản xa nhất của A Lưới, giáp ranh gần khu vực biên giới.
Những ngôi nhà cách nhau mấy con dốc, nằm sâu hút trên những ngọn đồi cao. Với tiêu chí đi từng ngõ gõ cửa từng nhà, chúng tôi quyết tâm tiêm hết những liều vắc xin mới về.
Sự khởi đầu khá suôn sẻ khi nhiều gia đình vui vẻ mở cửa chào đón chúng tôi. Những mũi tiêm lần lượt được thực hiện. Đi một chặng đường dài không biết mỏi, cả đoàn ai nấy đều mừng vì vắc xin cạn dần.
Có nhà cha mẹ địu theo con cùng lên nương lên rẫy làm việc nên chưa thể tiếp cận được, đành hẹn dịp quay lại sau. Điểm tiêm kết thúc là lúc trời đã vào tầm xế chiều, chúng tôi tìm đến nhà có hai mẹ con người dân tộc Cơ Tu.
Người mẹ kể tập quán của họ lúc trẻ đau ốm sẽ mời thầy làm lễ cúng bái thay vì dùng thuốc rồi thẳng thừng từ chối khi nghe ý định tiêm phòng. Nhìn đứa trẻ ốm yếu đoán chừng mới hơn một tuổi, mặc dù gặp khó khăn khi họ ít hiểu và không giao tiếp được nhiều bằng tiếng Kinh, cả đoàn vẫn kiên trì thuyết phục...
Cho tới lúc trời tối hẳn vẫn chẳng có chút cử động nào, các thành viên đã tính đến phương án bỏ cuộc. May thay người chồng trở về đúng lúc chúng tôi định rời đi. Sự vỡ òa được gọi lên khi mọi nỗ lực cố gắng giải thích đã nhận được cái gật đầu đồng ý.
Mũi vắc xin cuối cùng được hoàn thành dưới bóng đèn thắp tạm, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng...
Đó là một kỷ niệm đáng nhớ vẫn thường được nhắc lại mỗi khi chúng tôi có dịp ngồi chuyện trò với nhau.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận