Phóng to |
Những con bò tót đầu tiên PV tiếp cận được - Ảnh: Viễn Sự (cắt từ clip) |
Phóng to |
Những con bò tót đầu tiên xuất hiện tại tiểu khu 377, Đồng Phú (Bình Phước) - Ảnh: Viễn Sự (trích từ clip) |
Những người dân ở vùng rừng tả ngạn sông Mã Đà, thuộc hai xã Tân Hòa và Tân Lợi (Đồng Phú) cho biết đã từng phát hiện dấu tích của bò tót từ gần 30 năm trước. Nhưng gặp chúng tôi trước lúc vào rừng, không mấy ai tin sẽ gặp được đàn bò tót.
Ông Sáu Dinh, một thợ săn đã giải nghệ ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, lắc đầu: “Bò tót hung dữ và rất thính hơi người. Tụi tui đi rừng hiếm lắm mới nhìn được cái lưng đen trũi là bò đã phóng ngược vô rừng”.
Còn ông Nguyễn Văn Cao - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đồng Phú - cho biết chỉ mới một lần bò tót được ghi hình khi ba con bò tót mò ra bìa rừng ăn cỏ và được một kỹ sư nông nghiệp ghi lại bằng điện thoại di động. Chi cục Kiểm lâm Bình Phước cũng từng phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên tìm cách ghi hình bò tót nhưng chỉ thấy dấu vết mà không ghi lại được hình ảnh con bò tót nào.
Đối mặt bò tót
Dẫn đường cho chúng tôi là một dân quân xã Tân Lợi và anh Phạm Xuân Bá, tổ trưởng tổ cơ động, phòng cháy chữa cháy Hạt kiểm lâm Đồng Phú.
Hành trình bắt đầu từ chân đồi Xương Rồng ở tiểu khu 376 thuộc ấp Thạch Màng, nơi bò tót thường hay ra phá rẫy vào ban đêm. Nhưng nửa ngày quần nát từ chân đồi lên đến đỉnh đồi, vẫn không có một dấu tích nào của bò tót xuất hiện.
Phán đoán những cơn mưa đầu mùa đã giúp đàn bò tót có đủ cỏ và nước nên không mò ra đồi Xương Rồng kiếm ăn, anh Bá quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm trên một vùng rừng dài hơn 5km, từ tiểu khu 376 sang tiểu khu 377, 379, 386, 389...
Ròng rã bằng cả xe máy lẫn cuốc bộ, chúng tôi đi từ những lõm rừng da beo chen lẫn cao su xâm canh, vào đến tận lõi rừng già theo hướng bờ sông Mã Đà. Nhưng chỉ gặp được chồn, sóc, chim rừng nhảy loi choi và dấu guốc chân của nai, hoẵng. Bóng dáng bò tót vẫn biệt dạng.
Xế chiều 25-4, khi chân đã mỏi nhừ và mặt trời sắp tắt bóng, cơ hội ghi hình được bò tót tưởng chừng cũng tắt theo thì từ lô cao su cặp sát mé rừng tiểu khu 377 bỗng xuất hiện ba khối đen trùi trũi, chân trắng toát đang gặm cỏ.
Chúng tôi chỉ kịp kêu lên hai tiếng: “Bò tót!” và không còn kịp chờ xe dừng đã nhảy xuống trảng cỏ, khom người bật máy quay phim ngắm thẳng vào ba con bò tót ở cự ly khoảng 50m.
Phía sau, ở khoảng cách xa hơn, chừng 70m, một máy ảnh cũng hướng ống kính về đàn bò. Cả ba con bò tót, theo anh Bá, đều là bò đực vì sừng cong dài, vai, cổ rất vạm vỡ, trong đó con đứng giữa to nhất, nặng ước chừng 1 tấn.
Ba con bò tót có lẽ cũng bất ngờ với sự xuất hiện của con người ở cự ly mà theo lệ thường chúng đã kịp đánh hơi để gọi bầy lẩn vào rừng nên đứng sững cả lại, nhìn thẳng vào đám người lố nhố và phồng mũi, mắt long lên.
Đã từng ghi hình bò tót ở Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận) nên kinh nghiệm cho chúng tôi biết phồng mũi chính là dấu hiệu muốn tấn công của bò tót. Và 50-70m là khoảng cách quá đơn giản để bò tót bắt kịp trong “cuộc đua nước rút” nếu muốn.
Tuy nhiên, cả ba con bò tót đã không tấn công mà “hựựứ...m...m” một tiếng rền cả vạt rừng rồi quay đầu nhắm thẳng vào phía rừng già.
Anh Bá cho biết đó là tiếng báo động của con đầu đàn và khoát tay kéo phóng viên khom người di chuyển ngay theo hướng bò tót chạy. Kinh nghiệm của một người hơn 30 năm gắn với rừng đã không thừa.
Tiến thêm chừng 100m nữa thì không chỉ ba mà trước mắt chúng tôi là cả một bầy bò tót tám con nữa đang kéo đàn phóng vào rừng. Trong đó ít nhất hai bò tót con lông vàng hoe chạy sau lưng bò tót mẹ, chứng tỏ đây là đàn bò vẫn đang phát triển về số lượng.
Khoảnh khắc may mắn tuyệt diệu từ thiên nhiên ấy chỉ lọt vào ống kính của chúng tôi chưa đầy 10 giây. Cả đàn bò tót phóng nhanh qua những cây cao su và khuất dạng theo những tia nắng chiều le lói phía rừng già. Chỉ còn những tiếng “hựựứ...m...m” vang rền của bò tót đầu đàn vọng lại, trong nỗi vui mừng lẫn tiếc nuối của tất cả mọi người.
Phóng to |
Một bò tót con trong bầy bò tót tại tiểu khu 377 - Ảnh: Thuận Thắng |
Bò tót và người tranh nhau đất sống
Nhiều năm nay, nỗi ám ảnh về bò tót đã trở nên thường trực với nông dân tại Tân Hòa và Tân Lợi. Đầu năm đến nay đã có hơn 4ha khoai mì và bắp trỉa xung quanh đồi Xương Rồng bị bò tót phá nát, còn rộng hơn thì khó ai thống kê được.
Ở Nông lâm trường Tân Lập, cũng có hơn 100 cây cao su hơn ba năm tuổi bị bò tót húc gãy. Anh Liêu Văn Thanh, làm rẫy cạnh đồi Xương Rồng, kể bò tót phá rẫy đã nhiều năm nên khôn đến mức biết gặm gốc khoai mì nhổ lên và nhai sạch củ.
Nhưng những thiệt hại ấy, nói như ông Nguyễn Văn Cao, chỉ là hệ quả tất yếu vì bầy bò tót đã bị dồn vào đường cùng.
Ông Cao kể bầy bò tót này đã sống ở vùng rừng Đồng Phú mấy chục năm, lúc rừng còn nhiều, không mấy ai gặp được bò tót vì chúng yên tâm sống trong lõi rừng. Nhưng từ năm 2006 đến nay, khi hơn 3.000ha rừng đã bị ủi trống để trồng cao su thì bò tót mất dần đất sống, trở nên hung hãn hơn, đi xa hơn tìm nguồn thức ăn.
Leo lên đỉnh đồi Xương Rồng nhìn về phía sông Mã Đà mới thấy mái nhà của đàn bò tót Đồng Phú đã bị băm nát. Trong tầm mắt, cánh rừng nối dài đến sông Mã Đà đã bị xé nhỏ thành hàng trăm khoảnh, vây bọc bởi những lô cao su đã khép tán. Con suối duy nhất để bầy bò tót uống nước tại tiểu khu 377 giờ đã thành hồ chứa nhân tạo, sau khi ngăn dòng để tưới cao su.
Hạt kiểm lâm Đồng Phú cho biết ngay gần vị trí mà chúng tôi ghi hình được bầy bò tót, trong các năm 2010 và 2012 có một bò tót trưởng thành, một bò tót con bị giết chết.
Nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa tìm ra nhưng ông Nguyễn Văn Cao nói tính mạng của bầy bò tót bây giờ đâu chỉ bị đe dọa bởi thợ săn mà từ cả việc phun thuốc sâu, từ thuốc diệt cỏ, từ cả những lon chất nổ tự chế bằng carbua canxi bỏ vào ống tre, giăng đầy trong các rẫy cao su để đuổi bò... Và bởi thế, “bò tót, chứ không phải con người, mới là nạn nhân, là kẻ thua cuộc trong cuộc tranh giành đất sống” - ông Cao khẳng định.
Giới hạn cuối cùng Đó là nỗi lo lắng của anh Phạm Thanh Chính - trạm trưởng chốt kiểm lâm liên xã Tân Lợi, Tân Hòa - khi nói về khả năng tấn công người của đàn bò tót tại đây. Anh Chính cho biết tại đây hiện còn hai bầy bò tót, khoảng 20-22 con nhưng chỉ còn khoảng 1.000ha rừng liền khoảnh. Nếu không giữ được vùng rừng này bò tót sẽ chết vì suy kiệt nguồn thức ăn hoặc sẽ tồn tại với sự hung tợn, tấn công con người để bảo vệ sự tồn tại của bầy đàn. Trước nguy cơ này, đầu tháng 4-2013, Chi cục Kiểm lâm Bình Phước đã có công văn đề nghị Kiểm lâm vùng III hỗ trợ di dời đàn bò tót và bò rừng tại đây sang khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai bên kia sông Mã Đà. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Cao, việc di dời đàn bò tót khó khả thi về kỹ thuật và vì bò tót quen sống lâu dài ở một khu vực. “Tốt nhất là ngưng lại các dự án chuyển đổi rừng và lập khu bảo tồn để có kinh phí và cơ chế bảo vệ đàn bò tót và những loài thú quý hiếm khác” - ông Nguyễn Văn Cao kiến nghị. |
Lập dự án nhưng không báo cáo về bò tót Đây là kết luận trong công trình khảo sát về vùng sinh cảnh của bò tót tại huyện Đồng Phú do Viện Khoa học và công nghệ VN và Viện Sinh học nhiệt đới thực hiện năm 2011. Các nhà khoa học của hai viện này đã hết sức bất ngờ khi UBND tỉnh Bình Phước từng cấp phép khai thác đá tại đồi Xương Rồng, nơi bò tót đã tồn tại nhiều năm nhưng trong báo cáo tác động môi trường không nhắc gì đến bò tót. Công trình khảo sát ghi rõ: “Các báo cáo không hề quan tâm đến sự tồn tại của bầy bò tót tại khu vực đồi này hay nói chính xác chỉ là thủ tục hành chính, không hề có dữ liệu khảo sát đa dạng sinh học”. Còn theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước năm 2011, trong số hơn 3.500ha của 9 dự án trồng cao su tại vùng sinh cảnh của bò tót, có đến 6 dự án trên diện tích hơn 3.200ha vào thời điểm được cấp phép (năm 2011), không có báo cáo tác động môi trường, không đề cập đến bò tót. |
___________
*
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận