08/02/2019 08:59 GMT+7

Thênh thang Hiệp đi để trở về

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Nếu Trần Đặng Đăng Khoa 'băng' ra thế giới thì Hoàng Minh Hiệp ngược lại. Hiệp đã đi, đã từng xem Nhật là ngôi nhà thứ hai nhưng anh cũng đã trở về dù chưa biết sẽ làm gì trên quê hương.

Thênh thang Hiệp đi để trở về - Ảnh 1.

Hoàng Minh Hiệp là cái tên quen thuộc trong cộng đồng người Việt yêu văn nghệ tại Nhật Bản. Hiệp cũng là "người quen" của bạn đọc Tuổi Trẻ khi từng trình diễn trong chương trình Câu chuyện hòa bình - Và hoa sẽ nở vào tháng 4-2016. Khi đó, Hiệp vẫn đang là kỹ sư của Hãng Panasonic.

Được học bổng du học Nhật Bản từ năm 20 tuổi, học và làm việc tại Nhật với một vị trí nhất định suốt 17 năm, ít ai ngờ Hiệp sẽ quay về hẳn Việt Nam ở độ tuổi đang sung sức.

Người quen thân quý của Câu chuyện hòa bình

là cựu học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), từng có thời ca hát rất sôi nổi cùng các đồng môn như ca sĩ Đức Tuấn, ca sĩ Hà Anh Tuấn, MC Tùng Leo, nhạc sĩ Trần Lê... 

Sau này, khi qua Nhật học, Hiệp vẫn nuôi giữ niềm đam mê ca hát bằng cách tham gia ban nhạc trong trường và sau là công ty mình làm việc. 

Cuối tuần, Hiệp cũng thường hát ở các sự kiện, trong đó có những dịp hát lễ tết tại lãnh sự quán (ở Osaka), nhờ đó được giới thiệu hát quốc ca cho Kirin Challenge Cup 2011 trận Việt Nam - Nhật Bản ở sân vận động Kobe.

Nhưng những gì Hiệp làm cho đam mê của mình còn nhiều hơn thế. Tham gia Câu chuyện hòa bình tại Nhật, ngoài việc biểu diễn, Hiệp còn kết nối với các đối tác phía Nhật cho ban tổ chức. Hiệp cũng tìm kiếm và giới thiệu đến ban tổ chức nguồn ca khúc tiếng Nhật phù hợp với chủ đề của chương trình.

Anh chàng sinh năm 1980 này còn tham gia dịch song ngữ 4 ca khúc gần như là "chủ lực" của Câu chuyện hòa bình 2016 là Sekai ni hitotsu dake no hana - Hãy là đóa hoa duy nhất, Genki wo dashite - Hãy vui lên, Tự nguyện và ca khúc chủ đề Tình yêu hòa bình.

Hiệp nói: "Ở Nhật, tôi gần như không ăn chơi gì, chỉ cắm đầu học và làm nên nếu không có âm nhạc, chắc tôi khó mà sống vui vẻ, cân bằng". Đó là lý do vì sao trên Facebook cá nhân của Hiệp thường có những tâm tình về âm nhạc hay thi thoảng là những đoạn clip anh khoe giọng trong các tác phẩm mà anh yêu thích.

Thênh thang ngày trở về

Hoàng Minh Hiệp quyết định về hẳn Việt Nam vào đầu năm 2018 sau một vài lần đi đi về về. Và thật bất ngờ, anh bỏ hẳn nghề kỹ sư mình đã theo đuổi nhiều năm qua.

Hiệp trải lòng: "Ban đầu tôi chỉ định quay về chứ không định bỏ nghề. Tôi vốn là kỹ sư R&D nghiên cứu về vật liệu nano cho TV plasma. Tôi làm công việc đó suốt gần 10 năm với vài cái bằng phát minh, sáng chế cho công ty. Sau này, khi muốn về Việt Nam, tôi đã xin chuyển qua các bộ phận khác với hi vọng được đưa đi "thường trú" nhưng trầy trật mãi vẫn không được".

Hiệp cũng không giấu lý do mình quay quắt muốn trở về: "Áp lực công việc ở Nhật là có thật. Tôi được nghỉ thứ bảy và chủ nhật nhưng dù nghỉ, đầu óc tôi vẫn cứ nghĩ về công việc, không bao giờ được thảnh thơi. Với cường độ làm việc cao, tôi cũng rất khó có "bạn". Tôi nhận ra rằng với những gì đã tích lũy được, tôi có thể tung tăng cùng đam mê của mình".

Điều khiến Hiệp lấn cấn nhất khi quay về chính là nỗi lo của ba mẹ. "Trong mắt ba mẹ, tôi luôn là con ngoan, trò giỏi nên chắc sẽ mãi là một công chức tận tụy ở Nhật. Nghỉ việc mà tương lai vô định có thể làm ba mẹ tôi lo lắng, phiền lòng. 

Nhưng thật hạnh phúc khi ba mẹ tôi đã rất chia sẻ rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống nên hãy sống sao cho thật hạnh phúc mà không phương hại đến ai". Thế là a lê hấp, Hiệp trở về!

Tôi sẽ làm giáo viên

Việc đầu tiên sau khi nghỉ việc, Hiệp cùng bạn bè du lịch "bụi" khắp nơi trên thế giới rồi tìm về các danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam, thứ mà Hiệp đã bỏ lỡ suốt quãng đời tuổi trẻ của mình. 

Hiệp kể: "Tôi qua Nhật vào năm 2000 và chỉ đi tham quan vòng quanh nước Nhật cho đến năm 2008 mới được giáo sư của mình dắt sang Pháp để tham gia phát biểu tại Hội nghị khoa học ở Lyon. Đó là lần đầu tôi đi nước ngoài (ngoài Nhật) và thấy cả một thế giới rộng mở trước mắt mình. 

Ở Nhật, sinh viên sắp ra trường thường có một chuyến du lịch cùng nhau, gọi là graduation travel. Tháng 4-2008, tôi đã có chuyến đến Ý cùng bạn bè để chuẩn bị tốt nghiệp và tôi cũng đã quay lại Pháp vì quá yêu nét lãng mạn của đất nước này".

Giờ đây, sau gần một năm trở về Việt Nam, Hiệp vẫn chưa định danh được nghề nghiệp của mình. "Tôi cho mình một năm để thử tất cả các nghề. Một năm qua, tôi vừa đi dạy tiếng Nhật, vừa đi dịch, vừa dắt tour đi Nhật hoặc dắt tour cho khách Nhật tại Việt Nam... 

Mỗi công việc đều mang đến cho tôi một niềm vui riêng, trải nghiệm rất thú vị. Công việc tôi yêu thích nhất có lẽ là nghệ thuật nhưng tôi đã không đủ dũng cảm, quyết tâm để dấn thân khi còn trẻ.

"Bây giờ, không làm nghệ thuật thì tôi thấy thích hợp với mình có lẽ là giáo viên. Đứng trên bục giảng cũng như đứng trên sân khấu. Trên bục giảng, giáo viên cũng là diễn viên, làm sao để thu hút học trò và truyền cảm hứng đến cho họ là một nghệ thuật" - Hiệp nói. 

Và con tim yêu nhạc vẫn đập mạnh mẽ trong lồng ngực Hiệp khi cuộc trò chuyện này phải khép lại để Hiệp chuẩn bị cho buổi ghi âm một ca khúc mình yêu thích, dành tặng bạn bè, người thân vào cuối năm - ca khúc Mary, did you know?

Hoàng Minh Hiệp

“Tôi không hiểu vì sao mình lại học tốt về kỹ thuật dù thật tình tôi không thích ngành kỹ thuật hay làm kỹ sư. Vì vậy, từ những ngày đầu qua Nhật học, tôi đã nghĩ rằng kiểu gì mình cũng sẽ “giữa đường đứt gánh”, giỏi lắm là đến năm 35 tuổi.

Nên tôi đã học tập chăm chỉ, cần mẫn làm việc, tích lũy cho ngày trở về. Thời gian trở về của tôi dù lâu hơn dự kiến nhưng vào lúc quyết định tôi đã quyết định thật nhanh”.

Gương mặt công dân trẻ TP.HCM: Những người trẻ sáng tạo, đam mê

TTO - Sự kiện tuyên dương 9 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM do Thành đoàn tổ chức sáng nay 2-1 là một trong những hoạt động đầu tiên chào đón năm mới 2019 với sự tham dự của các lãnh đạo cao nhất của TP.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp