26/08/2016 09:57 GMT+7

Thêm siêu dự án thép 
ven biển 10 tỷ USD

T.V.NGHI - TR.TÂN - N.AN
T.V.NGHI - TR.TÂN - N.AN

TTO - Một dự án thép khổng lồ với công suất trên 16 triệu tấn/năm đang được tính toán xây dựng tại hai xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Khu vực cảng Thương Diêm (xã Phước Diêm, Thuận Nam, Ninh Thuận) sẽ nằm trong dự án của Tập đoàn Hoa Sen - Ảnh: TRUNG TÂN
Khu vực cảng Thương Diêm (xã Phước Diêm, Thuận Nam, Ninh Thuận) sẽ nằm trong dự án của Tập đoàn Hoa Sen - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dự kiến đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có vốn đầu tư lên tới 10,6 tỉ USD (hơn 230.000 tỉ đồng), công suất 16 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, HSG dự tính đầu tư thêm bốn dự án: hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, nhà máy sản xuất ximăng; nhà máy nhiệt điện - năng lượng tái tạo cùng một nhóm dự án khai thác khoáng sản, vận chuyển, kho bãi, khách sạn du lịch...

1.500ha khép kín

Chủ đầu tư cho hay dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận mục tiêu sẽ xây dựng, vận hành và khai thác theo công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín. Khi dự án đi vào hoạt động, quy trình sản xuất sẽ được khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào (gồm quặng sắt, than, đá, đá vôi...) đến việc sản xuất các loại sản phẩm thép thành phẩm, bán thành phẩm (như thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo...) và các sản phẩm phát sinh (ximăng, điện).

HSG cũng dự tính xây cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với quy mô 25 bến tàu, lưu lượng vận tải hàng hóa 53 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 300.000 DWT trên tổng diện tích hơn 100ha, dùng để làm bến nhập than, xuất thép. Vốn đầu tư của dự án này cần khoảng 804 triệu USD nữa.

Ông Phạm Văn Hậu - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết dự án của HSG sẽ được triển khai trên diện tích đất 1.500ha. Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục để xin cấp phép đầu tư, tiến hành các bước đánh giá tác động môi trường, khảo sát thực địa.

Sẽ triển khai đầu năm 2017

PGS Nguyễn Sơn Lâm (bộ môn kỹ thuật gang thép Đại học Bách khoa Hà Nội):

Cán bộ phê duyệt phải có trách nhiệm

Đã làm luyện kim phải để ý đến môi trường. Cam kết là một chuyện, vấn đề là họ có làm đúng cam kết và có cơ chế đảm bảo không.

Muốn đầu tư đảm bảo môi trường sẽ phải thêm tiền, đó là câu chuyện về đạo đức kinh doanh.

Rút kinh nghiệm từ bài học Formosa, để thực hiện dự án này, các cán bộ phê duyệt phải có trách nhiệm.

Đánh giá tác động môi trường phải làm bài bản, mời chuyên gia có trình độ, tổ chức thành hội đồng, các bộ ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ.

Tôi lưu ý là phải làm rõ nguồn gốc thiết bị, nói là của nước ngoài nhưng là của nước nào, chất lượng, tiêu chuẩn thế nào, mức độ ảnh hưởng môi trường ra sao.

Ngọc An

Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo vụ chuyên môn của Bộ Công thương xác nhận dự án khu liên hợp luyện cán thép mà HSG đề xuất “đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Bộ Công thương đang tiến hành bổ sung dự án vào quy hoạch, trong tuần này sẽ hoàn thiện”.

Theo vị này, dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná dự tính được tiến hành trong nhiều giai đoạn, kéo dài đến năm 2025-2030.

Giai đoạn 1, tổ hợp này sẽ đưa vào vận hành 3-4 lò cao, mỗi lò có công suất 1,5 triệu tấn thép/năm. Dự kiến đến năm 2020, tổ hợp thép cán của Hoa Sen sẽ cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép. Tổng số lò cao dự kiến của toàn dự án lên tới 10 lò.

Trước băn khoăn VN đã có những dự án thép lớn, công suất sản xuất thép dư thừa sao vẫn ưu đãi đầu tư thêm siêu dự án, vị lãnh đạo Bộ Công thương nêu với mức tăng trưởng bình quân 6%/năm, dự báo ngay cả khi Formosa đi vào hoạt động giai đoạn 1, đến năm 2020 VN vẫn thiếu hụt 15 triệu tấn và năm 2025 thiếu hụt hơn 22 triệu tấn thép.

Nói về dự án này, ông Phạm Văn Hậu khẳng định: quan điểm của tỉnh rất rõ ràng, môi trường là quan trọng hàng đầu.

Tỉnh sẽ giám sát về công nghệ, vấn đề xử lý môi trường theo quy định. Bà Lê Thị Thanh Thủy - giám đốc Văn phòng phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận - cho biết theo kế hoạch, HSG sẽ triển khai dự án ngay đầu năm 2017. Bà Thủy nói HSG đang nộp hồ sơ và “đánh giá tác động môi trường thì làm song song”.

Hiện nay, HSG đang xin khảo sát thực địa trên nền dự án của Vinashin, dự kiến có mở rộng thêm.

Phải thận trọng

Mặc dù cho rằng dự án thép của HSG là cần thiết nhưng trả lời câu hỏi về tác động đến môi trường, vị lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công thương cho rằng “đây là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường”. Về công nghệ, vị lãnh đạo Bộ Công thương công nhận “công nghệ lò cao không có gì mới”, có tới 71% nhà sản xuất thép đang sử dụng công nghệ này.

Trước thông tin siêu dự án thép Cà Ná, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim VN, nói khi sử dụng công nghệ lò cao sẽ không chỉ phải kiểm soát xả thải môi trường giống như câu chuyện Formosa mà còn liên quan đến khí thải, hiệu ứng nhà kính và nhiều vấn đề khác...

Ông Cường cho rằng với thông tin của dự án như hiện nay, chưa thể nói được gì nhiều. “Tuy nhiên, cần xem xét và rút kinh nghiệm bài học Formosa. Cần phải có hẳn hội đồng kỹ thuật, phải xem xét tất cả các mặt, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các nguy cơ về môi trường” - ông Cường nói.

Còn ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho rằng không thể lạc quan về khả năng tiêu thụ khi thép đang dư thừa. Ông Sưa nói các nhà đầu tư phải thận trọng trong bối cảnh thị trường thế giới đang dư thừa thép. Về quản lý nhà nước, ông Sưa đề nghị cần siết chặt quy định môi trường, có cơ chế để doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định môi trường. 

“Nếu xảy ra sự cố môi trường, tôi giao hết tài sản cho Nhà nước”

Ông Lê Phước Vũ - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Lê Phước Vũ - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Tập đoàn Hoa Sen) LÊ PHƯỚC VŨ đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ. 

* Tại sao ông chọn một địa điểm có vị trí ven biển để làm thép?

- Nếu không đưa thép vào Ninh Thuận thì tỉnh này khó có được ngành công nghiệp nào để đột phá. Ninh Thuận chỉ có khí hậu quanh năm khô hạn, không thể phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, theo các công ty tư vấn mà chúng tôi đang làm việc, Ninh Thuận không chỉ là điểm làm thép tốt nhất VN mà còn nhất Đông Nam Á, thậm chí cả thế giới.

Nơi đây có cảng nước sâu đến 20m, đón được tàu tải trọng 200.000 - 300.000 tấn, giúp cho việc sản xuất quặng sắt giảm được khoảng 5 USD/tấn. Tôi cũng nghĩ VN cần phải có một tổ hợp thép do doanh nghiệp VN làm chủ để bảo đảm nguồn vật liệu cơ bản cho công nghiệp, hạ tầng... Hiện nay VN phải nhập thép hàng tỉ USD/năm.

* Cơ sở nào để HSG bảo đảm không xảy ra sự cố môi trường?

- Dự án của HSG do đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, nên trước mắt chỉ có thể nói sẽ xử lý theo công nghệ hoàn toàn khác Formosa. Chúng tôi sẽ xây hồ chứa sinh học rộng 20-30ha để xử lý nước đến khi đạt chuẩn, sau đó tái sử dụng. Tuyệt đối không để một giọt nước chưa xử lý nào lọt ra biển.

Các công đoạn sản xuất khác có thể tạo ra ô nhiễm như luyện cốc sẽ dùng công nghệ sạch và mới nhất: thu hồi toàn bộ khí thải, sau đó dùng cho phát điện. HSG cũng không sử dụng công nghệ dập cốc ướt, mà sử dụng công nghệ cốc khô để thu hồi toàn bộ chất thải và khí thải. Cái này khác hoàn toàn Formosa. 

Hiện chúng tôi đã thuê Công ty tư vấn GMC (Mỹ) lựa chọn công nghệ, giải pháp, giám sát, nghiệm thu thiết bị… để đảm bảo đáp ứng hoặc đáp ứng tốt hơn các quy chuẩn nghiêm ngặt của Chính phủ. Chúng tôi cũng sẽ mời các cơ quan quản lý về môi trường không chỉ của tỉnh, mà cả đơn vị thuộc các bộ tham gia dự án ngay từ đầu để bảo đảm về mặt công nghệ, giải pháp suốt quá trình thực hiện dự án. 

Bằng đạo đức của mình, nếu dự án của chúng tôi xảy ra tình trạng tương tự như của Formosa, tôi khẳng định và cam kết những cổ phần, tài sản đang có của tôi ở Tập đoàn Hoa Sen tôi sẽ giao hết cho Nhà nước. 

* Kinh phí HSG chi ra cho hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường là bao nhiêu?

- Đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường của ngành thép ước trên 20% tổng vốn đầu tư dự án. Để bảo đảm môi trường, chúng tôi sẽ chia nhỏ dự án thành từng giai đoạn. Ví dụ giai đoạn 1 là 1 triệu tấn thép, giai đoạn 2 là 3 triệu tấn/năm. Khi nào giai đoạn 1 đưa vào vận hành và kiểm soát được tối đa vấn đề môi trường, các tiêu chuẩn đều đạt mới tiến hành giai đoạn tiếp theo.

Với chúng tôi, khâu luyện cốc chỉ sẽ được đầu tư khi nào công suất đạt được 3-5 triệu tấn. Giai đoạn đầu chúng tôi sẽ nhập cốc từ nước ngoài.

T.V.NGHI thực hiện

T.V.NGHI - TR.TÂN - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp