Ông Hiểu nói: "Giải sẽ tạo ra sân chơi bổ ích, nhiều ý nghĩa, thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp chăm lo sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động".
* Xin ông chia sẻ về kết quả mà Giải bóng đá công nhân toàn quốc 2023 (nay là Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024) đã đạt được trong năm đầu tổ chức?
- Với ý nghĩa là giải thể thao quy mô toàn quốc dành cho công nhân lao động, giải đã được Chủ tịch Quốc hội khởi động tại Diễn đàn Người lao động năm 2023. Dù là lần đầu tiên nhưng với tinh thần chuyên nghiệp, trách nhiệm cao của các đơn vị phối hợp tổ chức, giải đấu đã được tổ chức bài bản với sự tham gia thi đấu của hơn 1.100 cầu thủ của 62 đội bóng thuộc các liên đoàn lao động tỉnh thành, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động VN.
Tại một số địa điểm thi đấu vòng loại khu vực và vòng chung kết toàn quốc, ban tổ chức còn tổ chức "Ngày hội công nhân" với các hoạt động bán hàng giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng, sinh hoạt văn hóa văn nghệ giải trí phục vụ công nhân và người hâm mộ.
* Giá trị lớn nhất mà giải mang lại là gì để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ, VFF tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn để tổ chức mùa giải 2024?
- Bên cạnh hoạt động chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển bóng đá phong trào ở nước ta, có thể nói giá trị lớn nhất mà giải mang lại là tạo ra một sân chơi lành mạnh để đoàn viên, người lao động cả nước rèn luyện nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần; là cơ hội để giao lưu, học hỏi, tăng cường đoàn kết, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh theo chủ trương của Đảng và mong muốn của tổ chức Công đoàn.
Do đặc thù cường độ lao động cao, thời gian làm việc kéo dài, đời sống và thu nhập còn nhiều khó khăn; địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn... nên công nhân ít có điều kiện được tham gia rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt văn hóa. Với sức hấp dẫn của "môn thể thao vua", Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam năm 2024 sẽ tạo ra sân chơi bổ ích, nhiều ý nghĩa, thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp chăm lo sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động.
* Công tác chuẩn bị cho giải đấu năm 2024 đã được tiến hành ra sao, thưa ông?
- Giải đấu năm nay đã được chuẩn bị chu đáo, chỉ còn đợi giây phút bóng lăn. Ban tổ chức đã tiến hành sửa đổi, bổ sung điều lệ giải, khảo sát kỹ càng điều kiện sân thi đấu, xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thi đấu và các hoạt động bên lề phục vụ công nhân, viên chức, lao động. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành. Giải đấu đã sẵn sàng khởi tranh từ ngày 27-9 tại sân vận động Trường đại học Tôn Đức Thắng, mở đầu bằng những trận thi đấu vòng loại khu vực TP.HCM.
* So với mùa giải 2023, theo ông, giải năm nay có gì mới?
- Điểm mới đáng chú ý nhất là mở rộng đối tượng đoàn viên, người lao động tham gia. Mặc dù số lượng công chức, viên chức tham gia không nhiều nhưng thể hiện giải đấu là sân chơi của mọi đối tượng đoàn viên và người lao động, đồng thời cũng tạo điều kiện để giao lưu, tăng cường đoàn kết giữa các đối tượng đoàn viên, người lao động thuộc các thành phần và lĩnh vực khác nhau.
Thứ hai là giảm số lượng vòng loại khu vực từ 8 cụm xuống 4 cụm để tăng số lượng các đội tham gia vòng loại tại mỗi cụm. Số lượng đội tham dự vòng chung kết toàn quốc cũng được tăng từ 8 đội lên 16 đội để tăng quy mô và tính hấp dẫn cho cả vòng loại và vòng chung kết toàn quốc.
Tổng giá trị giải thưởng tăng hơn với cơ cấu giải thưởng phong phú hơn, đặc biệt là có giải thưởng dành cho đội có CĐV ấn tượng nhất nhằm khuyến khích đoàn viên, người lao động đến sân cổ vũ nhiệt tình, văn minh cho giải đấu, các đồng nghiệp và đội bóng mình yêu thích.
Ngoài ra, ban tổ chức đã thiết kế cúp vô địch và bộ nhận diện riêng của giải có đăng ký bản quyền để tạo dựng thương hiệu riêng cho sân chơi bóng đá của công nhân, viên chức, người lao động.
* Mùa giải năm nay, những hoạt động bên lề dành cho công nhân lao động còn được duy trì không, thưa ông?
- Các hoạt động bên lề là một phần mang đặc trưng riêng của giải đấu với mong muốn giải không chỉ là sân chơi rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn đam mê bóng đá của công nhân lao động mà còn là ngày hội để đoàn viên, người lao động được vui chơi giải trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần.
Mùa giải năm nay, báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức cùng các nhà tài trợ tiếp tục tổ chức các hoạt động bên lề theo hướng đổi mới, phục vụ thiết thực hơn nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Đó là những hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; các trò chơi vận động có thưởng; bốc thăm trúng thưởng...
* Dù là giải đấu phong trào nhưng giải được tổ chức rất chuyên nghiệp với đội ngũ chuyên môn từ VFF. Việc này có ý nghĩa thế nào với sự thành công của giải đấu?
- VFF, với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, là cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ công tác chuyên môn của giải đấu. Việc được vận hành chuyên môn bởi VFF đã tạo nên uy tín, chất lượng chuyên môn cho Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024.
* Ban tổ chức kỳ vọng điều gì vào mùa giải 2024?
- Với sự phối hợp chuyên nghiệp, trách nhiệm cao, chuẩn bị chu đáo của các đơn vị phối hợp tổ chức, tôi tin tưởng rằng Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 sẽ tiếp tục thành công hơn nữa. Tôi mong rằng giải đấu sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Sự đồng hành của các nhà tài trợ và các đơn vị, doanh nghiệp có cầu thủ tham gia. Sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình hơn nữa của các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước.
Tất cả những điều đó sẽ là điều kiện quan trọng, động lực to lớn để các đơn vị phối hợp tiếp tục nỗ lực duy trì tổ chức giải đấu thường niên như một sân chơi uy tín dành cho đoàn viên, người lao động và người hâm mộ cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận