Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Lực lượng kiểm lâm và WWF hộ tống Andrew ra khỏi rừng vì sốt rét Ảnh: Khu bảo tồn sao la Quảng Nam |
Kết quả chắc chắn ông Phú cũng đã biết trước, vì tìm sao la khó như mò kim đáy bể, may mắn người đàn ông ấy đã toàn mạng sống trở về. Người đàn ông đó là Tilker Riesen Andrew, chuyên gia về đa dạng sinh học người Mỹ.
Chuyên gia cũng bỏ cuộc
Có lẽ sức hút đầy quyến rũ từ loài “kỳ lân châu Á” đã đưa nhiều người từ khắp bốn phương về đây nghiên cứu, tìm tòi, đặc biệt là các đoàn làm phim và giới săn ảnh, làm Khu bảo tồn sao la Quảng Nam có thêm những người bạn chia sẻ đến từ phương xa. |
Chuyến đi rừng của chúng tôi và năm cán bộ ban quản lý Khu bảo tồn sao la Quảng Nam vào đúng những ngày không khí lạnh tràn về. Ngày như đêm, bóng cây che khuất mặt trời. Một màn sương muối phủ kín các sườn đồi, chỉ nghe tiếng suối róc rách, tiếng vỗ cánh ràn rạt của các loài chim phát hoảng khi nghe tiếng người. Tấm bạt lớn màu xanh căng lên giữa suối. Những thân cây to làm nơi treo võng. Anh Lê Ka Thắng, kiểm lâm viên kỳ cựu của đoàn công tác, dặn dò: “Đừng có cột võng xoay đầu ra suối nhé! Rồi ngủ mớ, rồi phát sốt như ông Andrew cho coi! Tôi nói thì phải nghe!” - anh Thắng nói như ra lệnh. Hơn 20 năm lặn lội rừng sâu, là người dẫn đường cho hàng chục đoàn công tác trong và ngoài nước đến với khu bảo tồn này, anh Thắng biết rõ mồn một từng hiểm nguy rình rập của rừng núi.
Hai giờ sáng, cái lạnh gần 6 độ C khiến chúng tôi phải bật dậy khỏi chiếc võng tìm củi đốt lửa sưởi ấm. Kéo một hơi thuốc thật sâu, anh Thắng kể anh đã có chuyến công tác hơn 20 ngày trong cánh rừng này cùng Andrew. Nhiệm vụ chính của anh Thắng là dẫn đường, cùng lấy mẫu máu từ các con vắt, đặt những chiếc bẫy ảnh cùng Andrew. “Mong mỏi nhất của ông ấy cũng như nhiều đoàn đến đây là tìm thấy sao la. Người Mỹ mà mình ăn cái gì trong rừng ổng cũng ăn được. Thuốc men đủ thứ mang theo, rứa mà đi mới 20 ngày là đổ bệnh” - anh Thắng nói. Chỉ vào chiếc võng chúng tôi đang nằm, anh Thắng kể đêm trước đó Andrew vẫn nằm đó, vẫn còn cười đùa, vẫn phải thức để sửa lại những chiếc máy định vị, những chiếc bẫy ảnh bị sự cố về cảm biến. “Rứa mà sáng hôm sau tôi thấy Andrew run cầm cập. Hai hàm răng cứng đơ ra, nhai lắp bắp, da tái xanh. Hoảng quá, tôi đưa cán rựa cho Andrew ngậm, nếu không sợ ông cắn lưỡi chết, rồi đi tìm một khúc cây nhét vào hàm răng. Đoàn công tác dẫn ông ra khỏi cánh rừng gần một ngày mới tới” - anh Thắng nhớ lại. Rít hơi thuốc thật sâu, anh Thắng kể tiếp: “Tôi bảo ông đi rừng đừng có cột võng đưa đầu quay ra suối, dễ bị ác mộng, dễ bị ốm, người đồng bào chúng tôi rất cấm kỵ, mà ông ấy không nghe. Đêm đó ông mớ kêu la ầm ĩ, có lúc chồm dậy như người mộng du”.
A Lăng Sáu, người Cơ Tu ở Tây Giang, cũng là người dẫn đường cùng anh Thắng trong chuyến đi cùng Andrew, tiếp lời: “Tụi em chuẩn bị sẵn sàng phương án khiêng ông ấy ra khỏi cánh rừng nếu ông không đi được. Thấy ông Tây cao 1,8m, nặng gần cả tạ, tụi em lo lo. Rứa mà ông không cho khiêng, không muốn làm phiền ai, hay thiệt!”. Nhiều người trong đoàn cho rằng Andrew không chịu nổi cái lạnh của rừng châu Á, nhưng A Lăng Sáu quả quyết rằng việc sốt thình lình là do nọc độc của con rắn lục có mang cắn Andrew trước đó. “Hôm đó con rắn lục đầu tam giác, đuôi đỏ chạch, bụng phì ra. Em đã dặn rồi, thấy rắn độc thì bỏ chạy đi. Đằng này ông xông tới đưa cái máy ảnh sát miệng hắn chụp ảnh. Nó đớp một phát, may mà đắp lá cây kịp thời, nếu không thì tiêu!” - A Lăng Sáu nhớ lại.
Đoàn làm phim của Đài ZDF (Đức) đến làm phim - Ảnh: Khu bảo tồn sao la Quảng Nam |
Suýt bị làng phạt 3 ngày no say
Bhnuoc Hơn, người làng Aur, huyện Tây Giang, vừa tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp nhưng chưa có việc làm nên tình nguyện dẫn đường cho các đoàn nước ngoài đến đây. Cuối đông 2012, có hai vợ chồng người Canada là Andessen đến khu bảo tồn xin ở lại săn ảnh sao la. Bhnuoc Hơn và Lê Ka Thắng lại là người dẫn đường. “Họ mang theo lều bạt rất chuyên nghiệp. Bảo chúng tôi dựng lều giữa rừng, căn lều tiệp hẳn trong màu cây rừng nên khó phát hiện vô cùng. Chỉ có cái lỗ nhỏ vừa để ống kính máy ảnh thò ra ngoài” - Bhnuoc Hơn nhớ lại. Hai vợ chồng Andessen ăn lương khô mật phục ở đó hơn bốn tuần nhưng không chụp được bất kỳ một tấm ảnh nào.
Nhắc chuyện này anh Thắng cười: “Con thú tinh lắm, làm chi mà rình được nó chứ, ngụy trang con người thì được nhưng thú đừng hòng. Tôi biết mà nói họ đâu có nghe”. Anh Thắng kể tiếp một buổi sáng thình lình hai vợ chồng nhiếp ảnh gia này bị người dân làng Aur mang xuống làng dọa phạt. “Họ đã vi phạm một điều cấm kỵ của làng là bước vào làng khi làng đang trong dịp dời mộ. Theo tục lệ, nếu có người trong làng dời mộ thì cổng làng đóng kín ba ngày ba đêm. Người ngoài không vào, người trong không ra. Nếu ai lỡ vào trước đó thì chịu khó ở lại no say ba ngày mới về. Họ đâu có biết, cứ rứa xông tới. Tôi phải giải thích, nhờ cả cấp trên xin già làng mới tha cho. Nộp phạt một chai rượu!”.
Tiến sĩ sẽ quay lại
Cũng nằm trong ước mơ cháy bỏng nghề nghiệp, tháng 7-2012, đoàn làm phim của Đài truyền hình ZDF, CHLB Đức gồm các phóng viên kỳ cựu đủ thành phần đến khu bảo tồn xin làm phim. Ông Hà Phước Phú nhớ lại: “Đoàn nào đến đây cũng hỏi tôi cặn kẽ về loài thú này, họ thiết tha về hình ảnh nhưng tất cả đều vô vọng”. Đoàn làm phim của Đài ZDF đã cùng đi, cùng ăn ở, cùng bắt vắt, tháo bẫy với các kiểm lâm viên của khu bảo tồn gần một tuần. Tất cả đều buồn bã vì “kỳ lân châu Á” mà họ mong mỏi vẫn ẩn mình trong thăm thẳm rừng xanh. “Không có sao la, chỉ có cây cầu mà họ bắt chúng tôi đi qua đi lại, đi tới đi lui hàng chục lần để quay. Họ phỏng vấn người dân bản địa, phỏng vấn kiểm lâm, rồi sau đó bộ phim cũng phát trên Đài truyền hình ZDF của Đức. Thêm một kênh quảng bá cho khu bảo tồn cũng đáng quý rồi” - ông Phú nói.
Ông Phú kể may mắn nhất có lẽ là Nicholas Wikison, nghiên cứu sinh người Anh, khoa địa lý Trường đại học Cambridge. Để làm đề tài tiến sĩ, Nicholas Wikison lặn lội từ Anh qua VN từ năm 2008. Anh chàng này lang thang từ Khu bảo tồn Vũ Quang (Hà Tĩnh) đến Khu bảo tồn sao la A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Khu bảo tồn sao la Quảng Nam. Hơn bốn năm lặn lội, nghiên cứu, tuần tra, lập ô tiêu chuẩn theo dõi, đặt bẫy ảnh nhưng không tài nào Nicholas Wikison tìm ra sao la, dù là một dấu vết.
Ông Phú nhớ lại: “Luận án tiến sĩ của Nicholas Wikison tưởng chừng xếp lại vì tuyệt vọng. Bất ngờ khi chúng tôi công bố ba tấm ảnh chụp được sao la tại Quảng Nam vào tháng 11-2012, chúng tôi mừng một, Nicholas Wikison mừng mười. Những số liệu, tư liệu về loài sao la tại VN chưa bị tuyệt chủng đã tiếp tục cập nhật vào đề án nghiên cứu của Nicholas Wikison. Và người bạn vượt rừng của chúng tôi ngày nào đã vui vẻ báo tin: anh đã là tiến sĩ và sẽ quay lại thăm, làm việc với chúng tôi trong một tương lai gần. Sao La VN có thêm những người bạn tứ phương như vậy”.
_____________________
Việc phát hiện và công bố thông tin về sao la khiến các chuyên gia, ngành lâm nghiệp và tỉnh Quảng Nam vừa mừng vừa lo. Vì sao phải lo?
Kỳ tới: Thách thức bảo tồn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận