21/09/2013 08:36 GMT+7

Thêm người mất tích trong lũ

VŨ TOÀN - TRUNG TÂN
VŨ TOÀN - TRUNG TÂN

TT - Ngày 20-9, trong khi việc tìm kiếm nạn nhân diễn ra khẩn trương thì tiếp tục có thêm người mất tích trong lũ ở một số vùng tại miền Trung.

Mk9N2tMt.jpgPhóng to
Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) trèo lên nóc nhà tránh lũ (ảnh chụp chiều 20-9) - Ảnh: Minh Đạt

Tại Nghệ An, các cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng tìm kiếm năm nạn nhân trong vụ ôtô bị lũ cuốn trôi. Tại Đắk Lắk, lực lượng tìm kiếm phát hiện thi thể ba nạn nhân vụ lũ cuốn bất ngờ tại Ea H’Leo.

Huy động tối đa lực lượng tìm kiếm

Sáng 20-9, lại xảy ra một vụ lũ cuốn tại đập tràn nối xã Nghi Mỹ sang xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Theo PV Đài TT-TH huyện Nghi Lộc có mặt tại hiện trường, khi nước lũ đang dâng thì có người trú tại xã Nghi Công đi trên năm xe máy qua đập tràn để về nhà. Hậu quả năm người này bị lũ cuốn trôi. Đến 15g30 lực lượng cứu hộ địa phương đã vớt được bốn người. Hiện còn một người mất tích là Nguyễn Sĩ Phúc, 17 tuổi, học sinh lớp 12, trú tại xóm 9, xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc.

Đến chiều 20-9, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn chưa tìm thấy thi thể năm nạn nhân trong vụ ôtô bị lũ cuốn trôi ngày 19-9. Có mặt tại hiện trường, ông Huỳnh Thanh Điền - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, người trực tiếp chỉ đạo cuộc tìm kiếm - cho biết gần 100 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An và Công an Nghệ An cùng bốn thuyền, năm xuồng cao tốc, một máy dò mìn, 11 thợ lặn có mặt.

Dưới trời mưa to, xuồng cao tốc và thuyền cứu hộ liên tục ngược xuôi trên khe Ang đã băng đầy, dâng mặt nước lũ lên 5m. 11 thợ lặn cũng thay nhau ngụp lặn nhưng đến chiều cùng ngày vẫn chưa tìm thấy vị trí chiếc xe gặp nạn. Hàng trăm người dân đội mưa đứng ngóng trông. Không khí tang thương nặng trĩu dưới trời mưa.

IQ2rjJ5v.jpgPhóng to
Chiều 20-9, nhiều nhà dân ở xã Tân Hóa vẫn còn ngập trong nước lũ - Ảnh: Minh Đạt

Có lỗi trong vận hành hồ thủy lợi

Ngày 20-9, ông Trang Quang Thành - giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến lũ lụt gây hậu quả nặng nề là do mưa lớn, đột ngột và khó dự báo. Tuy nhiên, lũ lụt nghiêm trọng cũng có nguyên nhân chủ quan từ quy trình vận hành hồ thủy lợi Ea Đrăng 1 (Ea H’Leo, Đắk Lắk). Ông Thành cho biết hồ thủy lợi có dung tích thiết kế 1,2 triệu m3 nước và đã được phê duyệt quy trình vận hành, xả lũ. Tuy nhiên UBND huyện Ea H’Leo lại giao việc vận hành này cho người không có chuyên môn (là hai cựu chiến binh) nên đã không thường xuyên kiểm tra, báo cáo mực nước lên và không chủ động xả lũ đúng quy trình. Ông Thành cho biết sáng 17-9, khi nước tràn qua có nguy cơ vỡ đập mới cho xả lũ ào ạt với lưu lượng 3.000-4.000m3/giây khiến nhiều nơi ngập lụt.

Lý giải về việc trước khi xả lũ, những người có trách nhiệm thông báo chậm để di tản người và tài sản, ông Thành cho biết tình hình khi đó rất khẩn cấp, nếu không kịp thời mở van xả lũ, với dung tích 1,2 triệu m3 của hồ Ea Đrăng 1 mà vỡ đập thì hậu quả sẽ khôn lường. Thông báo chỉ được đưa ra ít phút và một lần trước khi xả đập nên người dân chỉ kịp chạy tránh lũ, tài sản không thể di dời. Tuy nhiên việc có xử lý trách nhiệm những người để xảy ra việc xả lũ bất ngờ hay không thì ông Thành cho biết sẽ tiếp tục họp bàn, rút kinh nghiệm rồi mới tính đến việc xử lý các cá nhân...

Chiều tối 20-9, đại tá Nguyễn Ngọc Ánh - phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk - cho hay từ hiện trường cứu hộ, cứu nạn 12 người bị lũ cuốn trôi trên suối Ea H’Leo đoạn giáp ranh xã Cư Kbang và Ia J’Lơi (Ea Súp, Đắk Lắk) từ ngày 17-9 đã tìm thấy thêm thi thể ba nạn nhân trong trận lũ cuốn này. Đó là ông Đào Văn Dinh (thôn 14, xã Cư Kbang), cháu Đào Thị Thúy (7 tuổi, con bà Lý Thị Pằng, một trong bốn người may mắn được cứu sống sáng 19-9) và cháu Đào Thị Nhình (14 tuổi, trú thôn 14, xã Cư Kbang). Lực lượng cứu hộ đã cứu được bốn người còn sống và tìm kiếm được thi thể năm nạn nhân, hiện vẫn còn ba nạn nhân mất tích. Do trời tối, nước lũ vẫn còn cao và chảy xiết nên việc tìm kiếm phải tạm ngưng.

Quảng Bình: lũ ở đầu nguồn

Ngày 20-9, vùng đồng bằng tỉnh Quảng Bình nắng ráo nhưng ở huyện miền núi Minh Hóa nước lại dâng do mưa lớn đầu nguồn. Chiều 20-9, CTV của Tuổi Trẻ có mặt tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), nơi được xem là vùng “rốn lũ” của tỉnh, cho biết nước đã dâng ngập nhiều thôn của xã, trong đó 78 ngôi nhà ngập nặng. Ông Cao Văn Lục, chủ tịch UBND xã, cho hay do hầu hết hộ dân đã chuẩn bị nhà bè để cất giữ tài sản, dự trữ đầy đủ lương thực, nước uống, củi đốt... nên không còn phải chạy lên hang đá tránh lũ như trước. Tại xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), nước sông Son đã rút dần nên 30 hộ dân với 150 người đi tránh lũ từ đêm 19-9 đã trở về nhà.

UBND huyện Minh Hóa cho biết trong khi đi câu cá, ông Cao Xuân Phận, 73 tuổi, ở xã Trung Hóa, bị nước cuốn trôi khoảng 14g30 ngày 20-9 khi cố bơi qua vực nước. Đến chiều 20-9, toàn tỉnh vẫn còn 2.417 nhà bị ngập, trong đó nhiều nhất là huyện Lệ Thủy với 1.300 nhà dân và 33 trường học.

L.GIANG - M.ĐẠT

Bão vào bờ sớm hơn dự kiến 5-6 giờ

Trả lời Tuổi Trẻ vì sao việc dự báo bão không sát thực tế, ông Trần Văn Nguyên - phó trưởng phòng dự báo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ - cho biết chiều 18-9, trung tâm dự báo khả năng bão số 8 đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm 19-9. Dự báo ban đầu như vậy nhưng sau đó qua quan trắc, phân tích số liệu các nơi gửi về cho thấy sau khi tiến sát vào bờ thì bão số 8 có tốc độ đi nhanh hơn nên vào đất liền sớm hơn dự kiến 5-6 giờ. Qua theo dõi cho thấy bão số 8 đổ bộ vào đất liền khoảng 0g30 rạng sáng 19-9 và tâm bão nằm trên khu vực giữa Đà Nẵng với Quảng Nam. Khi bão đổ bộ, gió chỉ còn cấp 6. Chính vì bão đổ bộ sớm hơn dự báo nên sáng 19-9 gần như bão hoàn toàn tan ngay trên đất liền và khu vực miền Trung gần như không còn mưa gió.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Đà Nẵng, cho biết công tác chuẩn bị của Đà Nẵng đối phó với bão số 8 đổ bộ vào bờ sáng 19-9 như dự báo nhưng cuối cùng bão suy yếu, trời buổi sáng nắng đẹp. Tất cả các cấp, ngành khi nghe tin dự báo bão đều dồn hết sức tập trung chống bão, như ngành giáo dục cho tất cả học sinh nghỉ học ngày 19-9, các công trình xây dựng được yêu cầu hết sức nghiêm ngặt chống bão. Nhưng khi mọi người đang chống bão thì càng lúc bão càng suy yếu, đi vào bờ hầu như không gây thiệt hại gì. Ngư dân đêm trước chạy đôn chạy đáo khẩn trương đưa tàu lên bờ thì sáng hôm sau trời bình yên lại đưa tàu xuống biển.

Trong khi đó, chiều 20-9, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại sao bản tin của trung tâm phát lúc 21g30 ngày 18-9 dự báo bão số 8 sẽ vào đất liền rạng sáng 19-9, nhưng đến bản tin 23g30 trung tâm phát tin bão thành áp thấp nhiệt đới: “Việc dự báo trong bản tin lúc 21g30 dự báo rạng sáng 19-9 bão sẽ vào bờ là dựa trên các cơ sở, dữ liệu từ trước đó. Đến 22g ngày 18-9, dựa trên các chỉ số đo đạc và dữ liệu dự báo, khi bão còn cách đất liền chừng 50km, lúc đó mới có đủ cơ sở khẳng định bão đã giảm cấp thành áp thấp nhiệt đới, vì vậy trong bản tin phát lúc 23g30 trung tâm đã dự báo bão giảm xuống áp thấp nhiệt đới. Thật sự dù chỉ hai giờ hai bản tin đã có sự thay đổi nhưng ở đây phải hiểu quá trình dự báo phải có cơ sở, dữ liệu. Khi không đủ cơ sở để khẳng định bão đã hạ cấp thì không trung tâm nào dám nói bão đã thành áp thấp nhiệt đới, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho phòng tránh bão”.

Tại cuộc họp, ông Tăng cũng thừa nhận việc dự báo bão có thể thực hiện trước ba ngày nhưng chỉ có thể tin tưởng được kết quả dự báo trước một ngày. Tuy nhiên, vào lúc 23g30 ngày 18-9 trung tâm phát bản tin bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới thì lúc đó đã quá khuya, người dân cứ nghĩ bão sẽ vào sáng 19-9 nhưng sáng ra thì trời quang mây tạnh!

HỮU KHÁ - XUÂN LONG

VŨ TOÀN - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp