Gạo mùa là thứ gạo mới toanh sau một vụ mùa. Nông dân ở quê sau khi phơi lúa sẽ đem đến xưởng máy gạo, người quê dùng từ rất dân dã: sạc lúa. Hạt gạo vừa sạc xong trắng ngần, mây mẩy, thơm lựng mùi sữa gạo.
Thứ gạo này nông dân thường chỉ bán quanh trong làng, cho các gia đình không làm nông nghiệp. Mà cũng chỉ có đâu chừng mươi ký trở lại, bởi "độ bền" của gạo này gần như bằng không. Trong vòng một tháng chưa ăn hết, gạo sẽ sinh sâu, sinh mọt.
Bù lại, bữa cơm với gạo mùa, chan mắm thôi cũng thỏa mãn. Nấu vừa sôi đã muốn mở nắp vung hít hà mùi thơm. Hạt cơm vừa dẻo, vừa tơi. Hẳn cơm Việt ngon nhất thế giới, không sai! Mà cũng hẳn, một khi đã rời xa nước Việt, bữa cơm thơm lựng mùi xứ sở đó sẽ chỉ còn là thương nhớ.
Quay trở lại với buổi chợ hôm nay trên đất Mỹ, người đàn bà đứng tuổi cũng đang lui cui tìm kiếm. Bà nói: "Tui tìm gạo Sóc Trăng, đi mấy chợ ở khu người Việt đều không có. Tui quê Sóc Trăng, đợt rồi về Việt Nam tui bị kẹt dịch Covid không quay lại Mỹ. Ăn riết 6 - 7 tháng gạo Sóc Trăng, giờ tui không muốn ăn loại nào khác.
Ngon lắm, đúng là ngon nhất thế giới không ngoa đâu". Rốt cuộc, như tôi, như bao người Việt khác ở khu chợ Dalat này, bà buộc phải chọn một bịch gạo Thái mang tên "Ông địa". Tôi chọn "Con ngỗng bay", một người khác lấy "Ba cô gái"... Bao bì nào cũng thuần túy tên Việt, chữ Việt nhưng xuất xứ Thái Lan.
Chưa bàn về chất lượng, ngay trong chợ Việt, số lượng gạo xuất xứ từ Việt Nam rất khiêm tốn. Cùng một loại gạo thơm, gạo Thái có trên dưới 10 loại với các tên gọi khác nhau thì gạo Việt Nam chỉ có "Gạo thơm Hương Lài". Gạo Thái đã phong phú về nhãn hiệu lại còn đa dạng về khối lượng. Những bịch gạo được đóng đủ cỡ, từ 5 - 50lbs (khoảng 2 - 25kg). Nếu mua 25lbs là 22 USD, mua 50lbs giá 40 USD. Trong khi đó, gạo Việt Nam chỉ có một cỡ, một loại với giá rẻ hơn chừng 5 USD nhưng lại ít người mua có lẽ vì ít có sự lựa chọn.
Rồi tôi cũng tìm mua được gạo Sóc Trăng ST25 bằng cách đăng đàn hỏi trên một nhóm chuyên mua bán đồ ăn Việt nhà làm ở quận Cam. Thì ra gạo ST25 đã được quảng cáo trên các đài báo Việt ngữ nhưng chỉ có số điện thoại để lại.
Ai muốn mua thì gọi, có người đem đến tận nhà. Đa số phản hồi của người dùng đều khen gạo ST25 dẻo, ngon, hạt cơm đều, tuy không thơm đậm bằng gạo Thái. Nhưng đã là người Việt, ai cũng hào hứng vì đó là gạo Việt Nam chính gốc.
"Lễ Tạ ơn vừa rồi, tôi mua gạo ST25 tặng cho người quen thân. Ai cũng quý lắm. Mỹ họ tặng gà Tây, còn người Việt mình nấu cơm trắng dẻo ăn gà đi bộ" - cô Thanh Tâm, một cư dân của TP Westminter, chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng khá nhiều người tỏ ra ngờ vực. "Nếu tôi thấy gạo ST25 có bán ở bất cứ cửa hàng nào ở Bolsa thì chắc chắn phải mua về ăn thử. Nhưng quý vị có đọc báo chưa, gạo này đã bị làm giả, bán sang Mỹ rồi. Ngay chính ông tác giả Hồ Quang Cua xác nhận việc bị làm giả trên báo đó. Gạo này không đủ cung cho thị trường trong nước, tôi không chắc ở Mỹ quý vị mua được đúng gạo thiệt đâu nha" - một nick tên Tom lên tiếng. Ngay lập tức, có người bảo vệ: "đã là gạo "made in Việt Nam", nhất định phải thử để còn biết so sánh với các loại gạo khác. Có mắc hơn một chút mà chất lượng ngon, sạch thì cũng không sao" - ông Hiền Trần, ở TP Anaheim, nói.
Cùng một thắc mắc về chọn gạo, tôi hỏi trên một diễn đàn chỉ dành cho các bà mẹ trẻ nuôi con ở Mỹ: "Các mẹ ơi, nhà các mẹ thường chọn gạo gì khi bắt đầu cho con ăn giặm?". Rất ngạc nhiên là hơn nửa số đề xuất: gạo Nhật!
Có bà mẹ giải thích cặn kẽ: "Không phải lo ngại về chất lượng. Trẻ con ăn ít, không tốn kém nhiều. Hơn nữa, gạo Nhật lượng glucose rất ít, không dễ tăng cân như các loại gạo thông thường. Vốn dĩ người châu Á ăn cơm là chính, nên phải chọn gạo chất lượng như gạo Nhật. Đắt xắt ra miếng!".
Dù đắt, gạo Nhật bán rất chạy trên Amazon. Tất cả các phản hồi cho gạo Nhật đều được đánh 5 sao. 11lbs rẻ nhất là 50 USD, cao gấp năm lần gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam.
Thử gõ "Vietnamese rice" trên trang tìm kiếm của Amazon hoặc Ebay - hai kênh bán hàng online phổ biến nhất nước Mỹ - đều không tìm thấy, ngoại trừ gạo Thái chữ Việt. Thật là tiếc khi nghĩ đến gạo Việt đang muốn khẳng định thương hiệu, nhất là khi so sánh các thành phần và tính chất thì gạo Nhật và gạo ST25 tương đương nhau.
Mong sao sang năm con trâu của đồng ruộng này, chợ Việt chỗ tôi sẽ ngập gạo Việt.
Cơn sốt gạo ST25
Gạo ST25 dạo gần đây trở thành cơn sốt trong cộng đồng người Việt tại quận Cam. Hình như nhà nào cũng có một bị 15lbs để... ăn thử. Thử rồi lại truyền tai nhau, người này người kia mua tiếp. Nhà nhà rần rần mua gạo ST25 "made in Vietnam".
Chị Trinh - công ty phân phối độc quyền gạo ST25 tại quận Cam - cho biết: "Vì có hợp đồng độc quyền phân phối gạo tại Mỹ với phía Việt Nam nên công ty chúng tôi luôn đảm bảo số lượng gạo để cung ứng cho thị trường ở đây. Đây là lý do lý giải vì sao thị trường trong nước hiếm gạo hơn thị trường Mỹ.
Chủ yếu các bị gạo nhỏ 15lbs được người tiêu thụ đặt mua khá nhiều, tuy nhiên với nhu cầu ngày một tăng, công ty phân phối gạo Việt ST25 tăng cường thêm các size 25lbs, 50lbs, giá không thay đổi 1lbs/USD".
Quy đổi ra tỉ giá VND, 1kg gạo ước chừng 55.000 đồng. ông Sáu Lê ở San Diego, hàng tuần làm việc tại Irvine (quận Cam), đặt mua hàng chục bao gạo ST25 về làm quà tặng. Chị Christina Cao (Garden Grove) nói: "Cả nhà tôi là tín đồ sushi, trước đây muốn ăn phải tìm quán Nhật. Nay thử làm với gạo Việt Nam, giống như một khám phá tuyệt vời".
Không chỉ ST25, gạo Việt hiệu ECOBA đã có mặt trên thị trường Mỹ thông qua trang bán hàng Amazon và một vài chợ Mỹ như Ralphs. Với chứng nhận organic cùng ba loại hạt dài đen - đỏ - nâu, ECOBA được người Mỹ ưa chuộng hơn cả người Việt.
Ông Ksenia, hàng xóm cạnh nhà tôi, tán thưởng: "Tôi mê gạo Việt từ quê của bạn lắm. Tôi có bệnh tiểu đường, bác sĩ đề nghị hạn chế tinh bột hoặc ăn dạng tinh bột ít gluco, gạo này hợp với tôi. Tôi nghĩ người Việt xuất khẩu những loại gạo như thế này thật thông minh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận