23/10/2018 10:59 GMT+7

Thêm một 'quả bom' của ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Bằng tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa và hạt nhân với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây nhiều đồn đoán về chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc.

Thêm một quả bom của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

Phát biểu sau một chiến dịch vận động tại Nevada hôm 20-10, Tổng thống Trump xác nhận Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). 

Đây là hiệp ước Mỹ ký với Nga từ năm 1987, được xem như thỏa thuận để hai bên không triển khai các đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường, qua đó giúp Mỹ đảm bảo an toàn cho đồng minh tại châu Âu và Viễn Đông.

Đích ngắm cũng là Trung Quốc?

Theo quan sát lâu nay, có thể thấy việc ông Trump rút Mỹ khỏi INF cũng không quá lạ lẫm, khi người đứng đầu Nhà Trắng chủ trương tái đàm phán gần như toàn bộ các thỏa thuận đa phương, song phương quan trọng. Nhưng đáng chú ý, đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Cách giải thích công khai nhất cho quyết định này là việc Mỹ nhìn nhận Nga không tôn trọng INF. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết vấn đề INF đã được bàn tới tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 7 năm nay. Rất nhiều khả năng kết quả của cuộc gặp ấy đã không dẫn tới quyết định tái đàm phán INF.

Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng hai bên, thay vào đó, vẫn tiếp tục thảo luận về New START, một hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân khác giữa Mỹ và Nga được ký ngày 8-4-2010 ở Prague (CH Czech) giữa tổng thống Mỹ Obama và tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Và khi cho rằng Nga vi phạm, Mỹ hiện nay muốn hủy luôn INF để không đánh mất lợi thế, tức sẽ chủ động phát triển các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung. Ông Trump nói: "Chúng ta phải phát triển các loại vũ khí ấy. Chúng ta sẽ hủy thỏa thuận này và chúng ta sẽ rút khỏi nó".

Nếu INF bị hủy, đó sẽ là nút mở nguy hiểm cho một cuộc chạy đua vũ trang, theo lời một số chuyên gia trên truyền thông Mỹ. Và không chỉ Nga, việc rút khỏi INF cũng có thể là cách Mỹ đối phó với Trung Quốc - quốc gia hiện không bị hạn chế phát triển vũ khí dạng này. 

Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng hòa, bang Arkansas) cũng cho rằng ngày nay Nga "đang gian lận", và "Trung Quốc đang phát triển tên lửa rầm rộ bởi họ không bị ràng buộc".

Báo Guardian cũng đưa tin rằng cố vấn an ninh Mỹ John Bolton, một nhân vật có khuynh hướng "diều hâu", là người đứng sau quyết định của ông Trump. Tờ báo Anh cho biết nhóm "diều hâu" ở Mỹ lập luận rằng INF đang "trói tay" người Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương, trong khi vũ khí Trung Quốc có thể đe dọa căn cứ, đồng minh cũng như tàu Mỹ.

Thông điệp của ông Trump

Thực tế, các cáo buộc này đã xuất hiện đầu tiên từ thời tổng thống Barack Obama, khi chính quyền ông Obama khẳng định Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất Novator 9M729 (NATO gọi đây là SSC-8), với tầm bắn đe dọa các đồng minh châu Âu của Mỹ. Tuy nhiên, Matxcơva luôn phủ nhận cáo buộc.

Việc bất ngờ nói về quyết định này ở Nevada, chính vì vậy cũng là hành động đáng chú ý về tính thời điểm.

Nó diễn ra trong bối cảnh ông Trump tìm cách giảm nhẹ mâu thuẫn với Saudi Arabia trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị cho đã chết vì chỉ đạo của Riyadh. Nội bộ chính trường Mỹ kêu gọi cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia, trong khi đây là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, và cũng là thị trường vũ khí lớn bậc nhất của Mỹ. 

Các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, tiếp tục "lệch pha" với ông Trump. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 21-10 cho biết Đức sẽ ngừng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia, ít nhất vào thời điểm này.

Sức ép lên Washington về vụ Saudi Arabia đang rất lớn, trong khi Trung Đông lại là ưu tiên trong chính sách của ông Trump - người đã chọn vương quốc này làm địa điểm trong chuyến công du đầu tiên của ông sau khi đắc cử năm 2016. 

Thái độ của châu Âu và phe Dân chủ có lẽ cũng là động lực để chính quyền ông Trump rút khỏi cam kết INF, một hành động có thể tạo ra cuộc chạy đua vũ trang và khiến châu Âu không còn mấy "an toàn" nữa.

Hiệp ước INF quy định cấm triển khai hoặc phát triển các tên lửa hành trình có bệ phóng trên mặt đất với tầm bắn từ 500km đến 5.500km.
INF được ký năm 1987 giữa lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và tổng thống Mỹ Ronald Reagan, được ca ngợi là bước đi lịch sử để chấm dứt thái độ thù địch và những nguy cơ xung đột vũ trang. Kết quả hai bên đã hủy 2.692 tên lửa (Mỹ 846 và Nga 1.846).
NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp