Sản phẩm của VEAM được trưng bày tại một triển lãm ở TP.HCM - Ảnh: VEAM
Theo kết luận số 3202/KL-BCT của Thanh tra Bộ Công thương, VEAM là đơn vị kinh doanh có lãi, với tổng lợi nhuận trước thuế từ năm 2010 đến tháng 6-2018 lên tới trên 19.776 tỉ đồng, nhưng lãi chủ yếu đến từ các liên doanh góp vốn (với Honda, Toyota, Ford) và từ tiền lãi gửi ngân hàng.
Liên tục tự ý bơm tiền
Đáng chú ý, nếu không tính số tiền lãi từ các liên doanh trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM (doanh nghiệp có 88,47% vốn nhà nước với 24 công ty thành viên) bị lỗ.
Có khoản tiền mặt "nhàn rỗi" khá lớn, thay vì sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2018, một số lãnh đạo tại VEAM lại đi đầu tư, rót tiền vào các chi nhánh, công ty con nhưng kinh doanh không hiệu quả.
Đồng thời họ "tự ý" cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi mà không có quy định cụ thể bằng văn bản. Thậm chí một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ, với tổng số tiền chưa thu hồi được lên tới hơn 595,3 tỉ đồng.
Điển hình là phi vụ rót vốn vào Nhà máy ôtô VEAM (VM), việc này không thông qua hội đồng thành viên (HĐTV) lên tới hàng trăm tỉ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư của VEAM 331,8 tỉ đồng. Chưa kể tình trạng mua sắm trang thiết bị, đầu tư dự án không hiệu quả, gây thiệt hại lên tới gần 40 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, VM đã liên tục được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 462,46 tỉ đồng lên 698,67 tỉ đồng từ năm 2004 - 2013, trong khi công suất thiết kế không thay đổi. Theo đó, công ty mẹ mà trực tiếp là chủ tịch HĐTV đã chỉ đạo chuyển một lượng vốn lớn cho dự án, lên tới 1.214 tỉ đồng (đến thời điểm ngày 31-12-2014) mặc dù chưa có nghị quyết thông qua của HĐTV. Tính đến ngày 31-12-2018, số tiền được công ty mẹ VEAM chuyển cho VM lên đến 2.643 tỉ đồng, cho dù công ty liên tục lỗ.
Mua linh kiện lòng vòng
Với số tiền mà công ty mẹ liên tục rót vốn theo chỉ đạo của một số cá nhân lãnh đạo, VM đã thực hiện việc mua bán linh kiện "lòng vòng" không đúng quy định. Thay vì chuyển tiền trực tiếp cho VM nhập khẩu linh kiện, VEAM giao tiền cho đơn vị trung gian mua linh kiện và bán lại cho VM, bất chấp việc một số thành viên HĐTV phản đối.
Điển hình là vụ VEAM chi ra gần 79 tỉ đồng mua 1.500 linh kiện từ Công ty Mekong Auto (MKA), trong khi chưa có phương án kinh doanh, tiêu thụ. Trong số đó, có 600 bộ linh kiện dù chưa có hợp đồng nhưng VEAM đã ứng tiền cho MKA nhập về và tổ chức sản xuất, khiến cho VM rơi vào khó khăn do hàng tồn kho quá lớn lên tới hàng trăm xe.
Theo Thanh tra Bộ Công thương, đến thời điểm thanh tra toàn bộ số xe đã lắp đặt của MKA là 540 xe không thực hiện đăng kiểm được; còn 300 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ đến thời điểm giao hàng. VEAM cũng chưa cung cấp kế hoạch tài chính được phê duyệt hằng năm để có cơ sở đánh giá hiệu quả của việc kinh doanh.
Theo báo cáo về hoạt động của VM, tính đến 31-12-2018 lượng hàng tồn kho lên tới gần 3.000 xe nhưng chỉ có 632 xe được trích lập dự phòng giảm giá với trên 36 tỉ đồng, so với giá gốc của các xe này là 289 tỉ. Điều đáng nói là trong số này có tới 2.355 xe chỉ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 2, khiến xe rất khó tiêu thụ vì lỗi mốt, chất lượng xuống cấp nhiều do xe để ngoài trời thời gian dài.
Ngoài ra, VEAM cũng mở đại lý bán ôtô chưa đúng quy định với quy chế đại lý bán xe của công ty. Việc bán hàng và tiêu thụ sản phẩm, thanh toán tiền hàng không theo nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng, dẫn tới VM bị mắc kẹt trong số nợ quá hạn trên 3 năm là 3,6 tỉ đồng.
Ngoài việc đầu tư, rót vốn và kinh doanh thương mại vào các công ty con không hiệu quả, với lượng tiền mặt nhàn rỗi khá lớn, một số lãnh đạo của VEAM đã sử dụng để thực hiện các hoạt động tài chính không đúng quy định.
Theo kết luận thanh tra, tại thời điểm thanh tra số tiền gửi ngân hàng của VEAM là 8.607 tỉ đồng, đa phần được gửi ngắn hạn (1 tháng, 3 tháng) hoặc không kỳ hạn.
Trước tình trạng sử dụng tiền không hiệu quả, không đúng quy định, kết luận thanh tra của Bộ Công thương kiến nghị VEAM chấm dứt việc quản lý điều hành không đạt hiệu quả trong việc cho vay, hỗ trợ vốn với các đơn vị thành viên.
Với các công ty kinh doanh thua lỗ, nợ đã quá hạn khó có khả năng thu hồi cần khẩn trương khắc phục và sớm có biện pháp thu hồi vốn, đồng thời làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân, tổ chức.
Chuyển hồ sơ một số vụ việc sang cơ quan điều tra
Thanh tra Bộ Công thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.
Cụ thể liên quan đến việc mua 3.000 linh kiện phụ tùng ôtô, 15.000 bộ linh kiện theo đơn đặt hàng của MKA, với trách nhiệm chính được xác định thuộc về ông Trần Ngọc Hà - chủ tịch VEAM giai đoạn 2011-2014, tổng giám đốc 2015-2018, cũng là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM.
Bãi nhiệm tổng giám đốc
Theo Thanh tra Bộ Công thương, VEAM đã rót trên 1.634 tỉ đồng mua 3.000 bộ linh kiện mà không thực hiện việc tham khảo giá, đàm phán giá, vượt thẩm quyền được giao.
Phi vụ "làm ăn" này cũng được một số lãnh đạo chủ chốt của VEAM "tự ý" thực hiện mà không có trong kế hoạch sản xuất của nhà máy, không được phê duyệt của hội đồng quản trị theo đúng quy định.
Thậm chí, việc mua bán lòng vòng linh kiện ôtô còn khiến cho VEAM phải chịu thêm "tổn thất" khi bị xử phạt với tổng số tiền lên tới 262 tỉ đồng do nhập 2.010 bộ linh kiện Hyundai HD72 vì khai sai mã số HS.
Trong văn bản gửi Bộ Công thương ngày 18-3, VEAM cho biết đã bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc với ông Trần Ngọc Hà để ông Hà phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung vào công tác thu hồi nợ và bán hàng với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện và phụ tùng ôtô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận