28/03/2020 10:00 GMT+7

Thêm máy thở mới yên tâm!

L.ANH - X.MAI - T.LŨY
L.ANH - X.MAI - T.LŨY

TTO - Máy thở là thiết bị y tế cần thiết khi phòng chống các dịch bệnh đường hô hấp, do ở giai đoạn bệnh nặng thì bệnh nhân cần được hỗ trợ thở.

Thêm máy thở mới yên tâm! - Ảnh 1.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân trong phòng cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: D.PHAN

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong 46 bệnh nhân điều trị thời gian qua đã có 3 người phải thở máy, 7 người có nguy cơ tiến triển nặng và một số trong nhóm 7 người có nguy cơ đã phải thở oxy.

Cả nước có 4.000 máy thở

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế, thống kê cho thấy đến nay các bệnh viện và dự trữ quốc gia đã có gần 4.000 máy thở. Bộ Y tế đã có dự trù mua sắm thêm máy thở từ nguồn kinh phí hỗ trợ của cộng đồng và các doanh nghiệp. 

Ngoài ra, từ nguồn tiền hỗ trợ của cộng đồng, bộ sẽ cân đối để mua thêm máy lọc máu, hệ thống ECMO (tim phổi ngoài cơ thể)...

Theo các nghiên cứu trong mùa dịch này ở Trung Quốc, thông thường khoảng 19% trong số bệnh nhân COVID-19 là bệnh nặng và rất nặng, trong đó 14% là bệnh nặng, 5% rất nặng. Số người bệnh rất nặng đều phải sử dụng máy thở.

Thời gian qua, tại Ý và nhiều quốc gia có tỉ lệ tử vong cao đều do thiếu thiết bị hỗ trợ thở bởi số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh, người dùng máy thở tăng đột biến so với thông thường. Việc dự trữ thiết bị y tế để phục vụ các tình huống gia tăng bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ tử vong là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Khu cách ly tập trung của TP.HCM tại huyện Củ Chi - cũng cho biết hiện khu cách ly có 6 máy thở và nhiều máy monitor... sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng. 

Bên cạnh đó, khu cách ly còn có một phòng áp lực âm đảm bảo thực hiện phẫu thuật, thủ thuật đối với bệnh nhân COVID-19 khi cần can thiệp phẫu thuật, thủ thuật. Theo chủ trương của Sở Y tế TP, những bệnh nhân COVID-19 nặng sẽ chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp tục điều trị.

Tăng thêm giường bệnh trị COVID-19

BSCKII Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho hay bệnh viện đã lên các phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị những ca COVID-19 nặng. 

Mới đây, bệnh viện đã lên kế hoạch trưng dụng khoa hồi sức người lớn và trẻ em thành khoa hồi sức cấp cứu điều trị COVID-19 với công suất 30 giường bệnh khi số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng.

Còn theo kế hoạch của Sở Y tế TP Cần Thơ, đáp ứng theo từng cấp độ dịch bệnh COVID-19 sẽ có các kế hoạch ứng phó trong cách ly, điều trị bệnh nhân phù hợp. Hiện tại tập trung đầu mối khám, điều trị bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ. 

Nơi này hiện đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 số 145, cũng là bệnh nhân dương tính đầu tiên ghi nhận tại khu cách ly của Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hồng - giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ - cho biết hiện tại bệnh viện có khu cách ly 20 giường bệnh, trong đó dự trù có 5 giường bệnh nhân thở máy. 

Khu vực cách ly có đủ các trang thiết bị, nhân lực và thuốc men, dụng cụ bảo hộ chuyên dùng: máy X-quang di động, điện tim, siêu âm và 7 máy thở, được bố trí riêng khu dương tính và nghi ngờ...

Cũng theo bác sĩ Hồng, với tình huống hiện nay, số lượng dưới 10 bệnh nhân, lực lượng cán bộ y tế chia làm 2 ca trực (mỗi ca 7 người) gồm đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, lái xe. 

Mỗi ca trực sẽ làm liên tục 14 ngày, ăn nghỉ tại chỗ, sau đó ra trực cách ly thêm 14 ngày tại bệnh viện và được về nhà. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly dự trù thêm 27 giường, nâng tổng số lên 47 giường điều trị (7 giường có bệnh nhân thở máy).

Riêng với tình huống nếu có 50-100 bệnh nhân, bác sĩ Hồng cho rằng khi đó sẽ phải xin chủ trương chuyển Bệnh viện Lao và bệnh phổi trở thành bệnh viện chuyên dụng điều trị bệnh nhân COVID-19. 

"Nhân lực hiện tại của bệnh viện có thể đáp ứng đủ để điều trị cho bệnh nhân trong tình huống trên. Hiện đã có 4 êkip trực đăng ký tình nguyện tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đối với trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng cho nhân viên y tế có thể đủ dùng trong một tháng, bệnh viện đã có kế hoạch mua thêm 3.000 bộ đồ bảo hộ và khẩu trang...", bác sĩ Mạnh Hồng chia sẻ thêm.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản khẩn đến các cơ sở y tế trên địa bàn đề nghị thực hiện nghiêm các biện pháp giảm tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người bệnh bằng cách:

- Tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho người bệnh;

- Giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau bằng hoặc hơn 2m;

- Hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung;

- Tăng cường làm việc trực tuyến;

- Tăng cường đặt lịch hẹn khám qua mạng để giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm…

New York quá tải, một máy thở cho hai người bệnh, mở nhà xác dã chiến New York quá tải, một máy thở cho hai người bệnh, mở nhà xác dã chiến

TTO - Thành phố New York lúc này là thành phố tâm dịch ở Mỹ, đang đối mặt với sức ép vô cùng căng thẳng khi số người chết bắt đầu tăng, tài nguyên y tế thiếu hụt nhiều.

L.ANH - X.MAI - T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp