
Hàng hóa Trung Quốc thông quan tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Ảnh: HÀ QUÂN
Ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm này cũng nhắc chúng ta nhớ tới Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 18-1-1950, cách đây đúng 75 năm.
Trong ¾ thế kỷ qua, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng trải qua những khoảnh khoắc lịch sử và cùng chứng kiến sự biến động của khu vực và thế giới.
Việt - Trung dành cho nhau những sự trọng thị cao nhất
Vào tháng 12-2023 trong chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới khi cùng ký kết xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung có ý nghĩa chiến lược.
Đây là một cột mốc quan trọng với sáu phương hướng phấn đấu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra để đẩy mạnh mối quan hệ song phương, được gọi tắt là "sáu hơn", bao gồm tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Thật vậy, trong những năm vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã thể hiện mối quan hệ hai nước vượt xa mối quan hệ ngoại giao láng giềng hữu nghị thông thường và dành cho nhau những sự trọng thị cao nhất.
Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản nước này.
Năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ghi dấu ấn là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (11-2015, 11-2017, 12-2023 và 4-2025).
Kể từ sau đại dịch COVID-19, mỗi năm hai nước đều thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau của cấp nhà lãnh đạo cao cấp nhất. Vào tháng 8 năm ngoái, đúng nửa tháng sau khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có chuyến thăm Trung Quốc để thúc đẩy sự tin cậy chính trị giữa hai bên và củng cố việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

Lực lượng biên phòng hướng dẫn tài xế làm thủ tục thông quan tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Ảnh: HÀ QUÂN
Điểm sáng về hợp tác kinh tế và thương mại
Điểm sáng nhất trong mối quan hệ song phương chính là hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, bắt đầu từ năm 2004.
Còn Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc nếu tính theo đơn vị quốc gia.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại hai nước đạt 260,65 tỉ USD vào năm 2024, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung hiện chiếm 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Có thể nói, lợi ích của hai nước ngày càng gắn chặt và giữ vai trò trọng yếu giúp cân bằng trong giai đoạn nền thương mại toàn cầu hiện đang trải qua giai đoạn bất định.
Sự tăng trưởng thương mại song phương cũng mang lại hiệu quả rộng khắp. Người nông dân Việt Nam cũng ngày càng được hưởng lợi từ thị trường hơn 1,4 tỉ dân từ Trung Quốc khi nước này là thị trưởng xuất khẩu chính của các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam như cao su, rau quả (sầu riêng, dừa tươi, thanh long...), khoai mì (sắn) và thủy sản.
Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức hơn 3 tỉ USD vào năm ngoái, sau khi đạt con số bất ngờ 2,3 tỉ USD vào năm 2023.
Trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc tăng cường mở rộng danh sách nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam từ chuối, cao su cho đến sầu riêng, mít, xoài, mang lại cơ hội nhiều hơn cho nông dân Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn với thu nhập bình quân đầu người hơn 13.000 USD/năm.
Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng nhanh chóng, trở thành quốc gia đầu tư nhiều thứ ba vào Việt Nam trong năm 2024 chỉ sau Singapore và Hàn Quốc. Theo công ty tư vấn nổi tiếng Dezan Shira and Associates, chính vị trí địa chính trị như là quốc gia láng giềng của Trung Quốc đã giúp Việt Nam đóng vai trò là trung tâm sản xuất đang lên của toàn cầu.
Đường biên giới đất liền dài giữa hai nước Việt - Trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp chuỗi cung ứng liền mạch trong khi các công ty đa quốc gia đa dạng hóa sản xuất. Các tuyến đường sắt hàng hóa và hành khách được xây dựng kết nối các khu trung tâm sản xuất và thương mại giữa hai nước trong thời gian sắp tới sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư lên một tầm cao mới.

Đồ họa: N.KH.
Sự hợp tác chiều sâu và rộng khắp ngày càng thiết yếu hơn
Khi nhìn lại mối quan hệ song phương trong 75 năm qua, mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua nhiều cung bậc trong "tình đồng chí, tình anh em" được vun đắp, sau đó mở rộng thành "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" (tinh thần "4 tốt") ngay đầu thế kỷ XXI, và "sáu hơn" dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Khi Việt Nam và Trung Quốc cùng hướng tới mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập nước trong hơn hai thập niên tới, hai quốc gia láng giềng này càng thấy rằng sự phát triển chiến lược của hai nước không thể thiếu nhau.
Khi trật tự thế giới hiện thời mang lại sự thịnh vượng cho thế giới trong nhiều thập niên qua đang gặp thách thức thì sự hợp tác Việt - Trung chiều sâu và rộng khắp ngày càng thiết yếu hơn bao giờ hết.
Với nhận thức đầy đủ về thách thức lẫn cơ hội bởi các nhà lãnh đạo hai nước, hy vọng giai đoạn tới, hợp tác Việt - Trung sẽ là một giai đoạn vàng thứ hai trong lịch sử hai nước, sau giai đoạn quan hệ được ví như "môi - răng" dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, các bộ ngành, cơ quan, địa phương hai bên dự kiến sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực. Điều này tạo cơ sở quan trọng để đưa nguyên tắc "sáu hơn" đi vào thực chất và mang tính lan tỏa đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai bên.
Chắc chắn sẽ có thể giải quyết được những khác biệt
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 7-3-2025: "Hàng xóm thường không đồng ý với nhau về mọi thứ. Những vấn đề còn sót lại từ quá khứ và xung đột lợi ích trước mắt đều cần được giải quyết thỏa đáng.
Nhưng chúng tôi tin rằng sự hòa hợp là chìa khóa cho một gia đình thịnh vượng trong mọi nỗ lực. Miễn là chúng ta vẫn cam kết với tầm nhìn về một ngôi nhà chung, kiên trì mục tiêu xây dựng một cộng đồng có tương lai chung và tuân thủ các nguyên tắc tham vấn bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau và thích nghi lẫn nhau, chúng ta chắc chắn sẽ có thể giải quyết được những khác biệt, hợp tác với nhau và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi".
Mong chờ những thỏa thuận mở cửa thị trường

Sầu riêng Việt được tiếp tục kỳ vọng thu hút người tiêu dùng Trung Quốc - Ảnh: PHÚ TÔN
Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Vina T&T Group - chia sẻ đến nay thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 80 - 85% kim ngạch xuất khẩu nông sản, trái cây nói riêng, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch ngày càng tăng. Điều này có được là nhờ vào việc Việt Nam đã nỗ lực đàm phán và đạt được thỏa thuận ký nghị định thư với Trung Quốc, mở cửa cho các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch.
"Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ giúp mở cửa thêm cho các loại trái cây có múi như bưởi, cam... rất tiềm năng của Việt Nam" - ông Tùng nói.
Cùng đó, ông Tùng cũng mong muốn hai bên sẽ phối hợp để hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn về hàng rào kỹ thuật, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi, dễ dàng hơn.
Trong khi đó, Lạng Sơn là địa phương có đường biên giới đất liền dài nhất kết nối với Trung Quốc nên việc thúc đẩy giao thương hàng hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với tỉnh này.
Ông Đoàn Thanh Sơn - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho hay kể từ sau dịch COVID-19, với các biện pháp bình thường hóa trở lại, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhiều thỏa thuận được hai bên thúc đẩy quan hệ trong tất cả lĩnh vực, nên từ năm 2023 trở lại đây, giao thương hàng hóa đã tăng mạnh.
Thực tế kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc và giữa các nước ASEAN với Trung Quốc thông qua tỉnh Lạng Sơn tăng qua các năm: năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn với Trung Quốc đạt 52 tỉ USD, năm 2024 là 66,5 tỉ USD và quý 1-2025 đã đạt 17,8 tỉ USD.
"Quan hệ của tỉnh Lạng Sơn với các địa phương phía bạn cũng khăng khít, phối hợp chặt chẽ, giúp hàng hóa không bị ách tắc cục bộ như những năm trước thông qua các biện pháp như tăng giờ làm, tăng cường điều tiết hoạt động luân chuyển hàng hóa ở cửa khẩu, thúc đẩy lưu lượng thông quan" - ông Sơn chia sẻ.
Một trong những thành quả trong quan hệ hợp tác giữa hai nước được đẩy mạnh thời gian qua đó là việc xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn - tỉnh đầu tiên được hai nước lựa chọn thí điểm. Dự kiến cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn được vận hành giai đoạn 1 theo đúng tiến độ là quý 3-2026.
Ông Sơn cũng thông tin tỉnh đang xây dựng và hình thành đưa vào hoạt động hai khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp thu hút đầu tư để đón luồng đầu tư chất lượng cao phía Trung Quốc. Trong đó có công nghệ sản xuất và bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch, để khi ta xuất khẩu sang phía bạn vừa giảm bớt thời gian vừa gia tăng giá trị hàng Việt Nam.
Thêm thỏa thuận giúp hàng Việt thâm nhập sâu vào Trung Quốc
Ông Tô Ngọc Sơn, phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương), cho hay trong chuyến thăm cấp nhà nước tới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Công Thương sẽ ký kết 4 thỏa thuận hợp tác với Bộ Thương mại, Tổng cục Giám sát quản lý quốc gia và hai địa phương là Trùng Khánh, Hải Nam.
Theo ông Sơn, những văn kiện này sẽ giúp tạo điều kiện để mở rộng kênh quảng bá hình ảnh thương hiệu các sản phẩm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, kết nối với các thị trường lân cận khác. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin chính sách, nhu cầu hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp cũng sẽ được triển khai tích cực hơn.
Đáng chú ý, trong số các văn kiện này có 2 văn kiện hợp tác giữa Bộ Công Thương với thành phố Trùng Khánh và tỉnh Hải Nam, mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp chế biến, logistics, công nghệ cao. Đến nay, Bộ Công Thương đã thiết lập quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ với 9 địa phương Trung Quốc.
Thời gian tới, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao trong nước, đồng thời hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và xuất phát từ nhu cầu thực tế và đề xuất của doanh nghiệp hai nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực liên kết điện, qua đó tận dụng tiềm năng và lợi thế của từng khu vực khác nhau để mở rộng quy mô thương mại điện với Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận