Bác sĩ Hà Hoàng Minh, trưởng khoa cấp cứu - hồi sức Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết cả hai bệnh nhi trên đều nhập viện vào sáng 12-7 trong tình trạng sốt cao, nổi nốt nhiều ở chân, tay. Đây là hai ca tử vong đầu tiên do mắc bệnh tay chân miệng tại tỉnh Thanh Hóa.
Chiều 14-7, bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, xác nhận trên địa bàn tỉnh đã có ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng là bé trai T.N.T.K. (gần 30 tháng tuổi) ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột. Bé bị bệnh tay chân miệng dẫn đến biến chứng suy hô hấp và tử vong vào chiều tối 13-7.
Trong khi đó, UBND Q.8, TP.HCM cho biết các trường mầm non công lập trên địa bàn quận có tổ chức dạy hè đã kết thúc hoạt động giữ trẻ sớm hai tuần so với dự kiến là cuối tháng 7, do nguy cơ của bệnh tay chân miệng. Hiện 15/16 trường mầm non công lập đã ngưng giữ trẻ cho đến đầu tháng 8. Riêng các trường mầm non ngoài công lập vẫn hoạt động bình thường với sự kiểm soát, phòng dịch sát sao của cơ quan y tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Bình - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay cục chưa nhận được thông tin bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Trong những ngày tới, nếu Viện Vệ sinh dịch tễ xác nhận và báo cáo hai bệnh nhi tử vong tại Thanh Hóa do virut gây bệnh tay chân miệng thì đây là những trường hợp đầu tiên bị tử vong do bệnh này tính từ Thanh Hóa trở ra các tỉnh phía Bắc. Ông Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định dịch tay chân miệng đang diễn biến phức tạp.
Mức độ bùng phát của dịch năm nay mạnh hơn hẳn năm ngoái khi cả năm 2010 chỉ có 10.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong khi thống kê cả nước chưa hết bảy tháng của năm 2011 đã có hơn 13.000 trường hợp mắc. Đặc biệt, số ca tử vong do bệnh tay chân miệng đã lên đến trên 40 trẻ (chưa tính các trường hợp bệnh nhi kể trên).
Đến nay, chủng virut gây bệnh chủ yếu vẫn là C4, C5 và vẫn chưa có bằng chứng xác đáng về sự biến đổi của chủng virut gây bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận