Dự án nuôi bò sữa của Công ty Bình Hà - một công ty "sân sau" khác của ông Trần Bắc Hà - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.
Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch HĐQT BIDV, đã qua đời tháng 7-2019) được xác định là người có vai trò chủ chốt, lập công ty "sân sau" để thao túng mọi hoạt động dẫn đến BIDV thiệt hại số tiền đặc biệt lớn 1.672 tỉ đồng.
Ngoài việc vay vốn, còn dư nợ không có khả năng thanh toán tại BIDV, Công ty Trung Dũng còn có dư nợ tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Theo đó, VietinBank hội sở và VietinBank chi nhánh Hà Nội đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng, đến nay còn dư nợ hơn 114 tỉ. Quá trình điều tra đã xác định có dấu hiệu sai phạm của các cán bộ VietinBank hội sở và VietinBank chi nhánh Hà Nội. Tuy nhiên đây là nội dung điều tra mở rộng, do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan công an tiếp tục làm rõ xử lý sau.
Kết quả điều tra cũng xác định MBBank đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng, không có khả năng thu hồi khoản nợ hơn 477 tỉ đồng. Các khoản vay còn dư nợ hiện nay không còn tài sản đảm bảo do MBBank nhận tài sản thế chấp là quyền đòi nợ của Công ty Trung Dũng đối với Công ty Hà Nam, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay.
Tuy nhiên cơ quan điều tra xác định hành vi trong việc cho vay và hậu quả thiệt hại xảy ra đối với MBBank thuộc thẩm quyền điều tra của quân đội. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển thông tin tài liệu đến Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra theo thẩm quyền.
Liên quan đến vụ án, kết quả điều tra cũng xác định ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) và BIDV là cổ đông chi phối 65% vốn điều lệ của LaoVietBank. Kết luận điều tra nêu "trên cương vị là chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà đã tạo điều kiện cho con trai góp vốn vào ngân hàng này".
Cụ thể, năm 2014, Công ty SHH Viên Chăn được Trần Anh Quang (cháu ông Hà, bị can trong vụ án) thành lập. Công ty có trụ sở tại Lào nhưng không hoạt động, không đăng ký mã số thuế, không kê khai nộp thuế. Các cơ quan chức năng hiện không biết công ty ở đâu.
Đến năm 2015, LaoVietBank chấp thuận cho SHH Viên Chăn góp 10% vốn điều lệ, tương đương 10,4 triệu USD. Tuy nhiên công ty này không trực tiếp nộp tiền góp vốn mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung (do Trần Anh Quang thành lập). Kết quả điều tra cho thấy 100% tiền vốn góp của SHH Viên Chăn vào LaoVietBank là của Trần Duy Tùng.
Cho đến nay nguồn gốc số tiền 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng góp vốn vào LaoVietBank vẫn là ẩn số. Để hợp thức hóa các khoản tiền tại Lào, ông Trần Bắc Hà cùng con trai và người thân đã mượn pháp nhân thành lập hàng loạt công ty "ma" đặt trụ sở tại Lào nhưng không hề hoạt động.
Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh hiện đã bỏ trốn nên chưa thể ghi lời khai làm rõ số tiền này. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách vụ án để điều tra, xử lý sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận