Những cái ôm thật chặt, những lời nhắn gửi "sớm hoàn thành nhiệm vụ, giành chiến thắng nhé" trong nước mắt của các y bác sĩ trước giờ lên đường - Ảnh: HÀ QUÂN
Có 170 cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai tham gia đoàn chi viện, trong số này đa số là các điều dưỡng, nhân viên kỹ thuật tuổi đời dưới 30. Trước đó, đã có 445 y bác sĩ nhận nhiệm vụ được tăng cường vào miền Nam chống dịch COVID-19.
Mỗi cán bộ đi tăng cường vào miền Nam được hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ nguồn kinh phí Công đoàn Việt Nam, 2 triệu đồng và thẻ bảo hiểm y tế theo chương trình của Công đoàn y tế. Bệnh viện Bạch Mai cũng nhận hỗ trợ 1 tỉ đồng từ Ngân hàng VietinBank, 300 triệu đồng từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và 50 triệu đồng từ Công đoàn công thương Việt Nam.
Chị Phạm Ngọc Anh, điều dưỡng tại Viện Tim mạch, chia sẻ: "Viện chúng mình đã có 20 người lên đường từ trước. Mình biết đồng đội rất vất vả nên ngay khi viện có thông báo, mình đăng ký xung phong liền vì còn trẻ (26 tuổi - PV). Trước khi đi, lãnh đạo giao nhiệm vụ chúng mình phải bình an và chiến thắng dịch COVID-19 trở về".
"Hôm nay, mình rất vinh dự, tự hào khi được cùng gần 200 đồng đội vào miền Nam chống dịch. Lãnh đạo thông báo xong, chỉ trong tích tắc là mình xung phong ngay. Mình đã nhắn nhủ gia đình một câu ngắn gọn: "Con sẽ đi mạnh khỏe và quyết thắng trở về". Hành trang của mình có mấy bộ quần áo, đồ dùng cá nhân và túi bỉm, vì hết một ca trực 8 tiếng nên nhiều khi cần lắm", anh Phạm Anh Tuấn, điều dưỡng C1 Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, dí dỏm nói.
Tại lễ xuất quân, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh tốc độ lây lan dịch được ví như "cháy rừng", vì virus lây qua đường không khí, 80% không có triệu chứng, nhưng một khi có triệu chứng thì chuyển nặng rất nhanh như suy hô hấp, ngừng tim…
Ông Tuấn yêu cầu cán bộ y tế chăm sóc người bệnh phải đảm bảo chống nhiễm khuẩn, nhất là khi trực tiếp điều trị F0 tại tâm dịch. Ngoài ra, các cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai cũng phải tích cực hỗ trợ đồng nghiệp từ khoa phòng, địa phương khác để trở thành một khối thống nhất.
"Cống hiến hết mình cho người bệnh, hoàn thành nhiệm vụ, giảm thiểu tỉ lệ tử vong thấp nhất có thể, xứng đáng sự mong mỏi của nhân dân. Mong các đồng chí chân cứng đá mềm, kiên gan bền trí, quyết tâm chiến thắng trở về", ông Tuấn nhắn gửi.
Một đoạn video có dòng chữ "Đừng lo lắng, chúng tôi ở đây vì bạn" thể hiện lời cam kết của các y bác sĩ sẽ không để người dân nào phải chống chọi với virus SARS-CoV-2 một mình - Ảnh: HÀ QUÂN
Cái ôm chớp nhoáng của những người đồng nghiệp trong giờ chia tay - Ảnh: HÀ QUÂN
Những lời nhắn gửi động viên giữ gìn sức khỏe được những người chị, người cô gửi đến những điều dưỡng, cán bộ trẻ - Ảnh: HÀ QUÂN
Những cái nắm tay đầy lưu luyến trước giờ lên đường kèm những lời nhắn nhủ động viên giữ gìn sức khỏe gửi đến cả những y bác sĩ ngày đêm chống dịch nơi "tiền tuyến" - Ảnh: HÀ QUÂN
Cùng ngày, lễ khai giảng các khóa đào tạo phòng chống dịch COVID-19 diễn ra với sự tham gia của hơn 4.500 cán bộ y tế. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ, các khóa học nhằm giúp các cơ sở y tế cập nhật kịp thời các kiến thức liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là chẩn đoán, điều trị, chăm sóc kịp thời cho bệnh nhân từ nhẹ tới nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận