01/03/2023 13:31 GMT+7

Thêm 163 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã

Thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Đến nay, Việt Nam có khoảng 12.000ha sầu riêng được xuất chính ngạch sang thị trường 1,4 tỉ dân.

Thêm 163 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã - Ảnh 1.

Việt Nam có khoảng 12.000ha sầu riêng được Trung Quốc cấp mã vùng trồng - Ảnh: C.TUỆ

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong đợt này các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được phê duyệt nhiều mã vùng trồng nhất. Tiền Giang cũng là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã.

Tính tổng cộng qua ba đợt kiểm tra, xét duyệt, Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch theo nghị định thư của phía Trung Quốc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2023 rất khả quan, bởi trong năm 2022 thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho nhiều loại rau quả của Việt Nam như sầu riêng, khoai lang.

Tuy nhiên, sầu riêng của Việt Nam sắp tới sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc. Theo đó, tháng 1-2023, Philippines và Trung Quốc đã ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi.

Năm 2022, bất chấp tác động của dịch COVID-19, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc ước tính đạt 800.000 tấn.

Sau khi ký nghị định thư vào tháng 9, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng hơn 130% so với năm 2021, đạt hơn 420 triệu USD. Dự báo năm 2023, xuất khẩu sầu riêng có thể chạm mốc 1 tỉ USD.

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi đã thúc đẩy giá sầu riêng trong nước tăng nhanh nhưng cũng xuất hiện nguy cơ tăng diện tích ồ ạt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay diện tích sầu riêng đạt khoảng 110.000ha, vượt khoảng 35.000ha so với định hướng.

"Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu. 

Nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam" - ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cảnh báo.

Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo người dân và địa phương không nên mở rộng diện tích nữa, mà cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Do đó, thay vì tìm cách tăng diện tích và sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.

Nông dân phá vườn tiêu, cà phê để trồng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo gì?Nông dân phá vườn tiêu, cà phê để trồng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo gì?

Ngày 23-2, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi các địa phương, chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành phía Nam trước việc trồng sầu riêng đang phát triển "nóng".


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp